Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Yên Bái: Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP

Minh Khánh - 07:56, 20/08/2024

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân cũng như doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm, góp phần đầu tư có hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Các đại biểu cắt băng về tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch gắn với giới thiệu các sản phẩm OCOP tại Triển lãm sắc màu Yên Bái
Các đại biểu cắt băng khai mạc sự kiện văn hóa du lịch gắn với giới thiệu các sản phẩm OCOP tại Triển lãm sắc màu Yên Bái

Hiện nay, cùng với sự chủ động của các chủ thể mỗi xã/phường một sản phẩm (OCOP) thì ngành chức năng cũng đã tham gia giúp sức các doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Điều đó, đã góp phần thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất. Nhờ vậy, đầu ra cho sản phẩm hàng hoá OCOP trên địa bàn tỉnh Yên Bái ngày càng được mở rộng hơn.

Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay, tỉnh Yên Bái đã có 245 sản phẩm OCOP, trong đó có 25 sản phẩm 4 sao và 220 sản phẩm 3 sao. Bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, để khai thác hiệu quả các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, những năm qua, Sở Công thương Yên Bái đã tham mưu cho UBND Tỉnh triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, liên kết cung - cầu tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành phố, giúp doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh, trao đổi hàng hóa hai chiều.

Đồng thời, để mở rộng thị trường tiêu thụ, giao thương hàng hóa, tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tổ chức các hội chợ tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các địa phương thông qua ứng dụng thương mại điện tử hoặc kết nối với các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và tăng doanh thu cho doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh. Ký kết nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh, liên kết, phân phối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đẩy mạnh và mở rộng hợp tác về lĩnh vực khuyến công, xúc tiến thương mại, tăng cường thông tin trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh.

Ông Ngô Quang Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý tỉnh Hải Dương trao đổi về mô hình kinh doanh các sản phẩm tinh dầu theo chuỗi liên kết sản xuất-kinh doanh của Hợp tác xã Đại Phú An (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) với đại diện HTX, doanh nghiệp
Ông Ngô Quang Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý tỉnh Hải Dương trao đổi về mô hình kinh doanh các sản phẩm tinh dầu theo chuỗi liên kết sản xuất-kinh doanh của Hợp tác xã Đại Phú An (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) với đại diện HTX, doanh nghiệp

Ông Trịnh Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái, cho biết: Trong những năm qua, Sở cũng được giao thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại, thì các sản phẩm OCOP của tỉnh cũng đã được ứng dụng CNTT trong việc quảng bá ngày càng phát triển; với việc ứng dụng đã giúp cho những sản phẩm này ngày càng được quảng bá rộng rãi không chỉ trong nước và cả nước ngoài, để giúp nâng cao giá trị của các sản phẩm của Yên Bái hơn.

Phát triển sản phẩm OCOP từ những bài thuốc bí truyền hàng trăm năm của dòng họ và thành lập ra HTX Tĩnh Dung tại vùng rừng dược liệu Văn Yên, HTX Tĩnh Dung ngày càng nổi danh với thương hiệu “Nam dược Đại Phú An” và đang vươn tới thị trường nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đặt dây chuyền và cửa hàng trưng bày sản phẩm ngay tại vùng cây nguyên liệu, nhất là cây cho tinh dầu, như quế và long não, HTX Tĩnh Dung trở thành địa chỉ để nhiều người dân, HTX trong và ngoài tỉnh tham quan, học hỏi kinh nghiệm và kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Bà Trần Thị Nhung - Giám đốc HTX Tĩnh Dung, chia sẻ: HTX chúng tôi đang có triển khai 1 dự án xây dựng một nhà máy đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (CMP), để nâng cấp các sản phẩm đạt 5 sao, để lưu hành các sản phẩm ra khắp thị trường trong và ngoài nước. Chính nhờ xây dựng được thương hiệu mà hiện nay, gian hàng trưng bày sản phẩm của HTX trở thành điểm tham quan, tìm kiếm nguồn hàng cho nhiều HTX, doanh nghiệp. Từ đó, không chỉ mở rộng thị trường mà còn góp phần đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đồng thời, từ hoạt động liên kết này cũng giúp các HTX, doanh nghiệp đa dạng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Là khách hàng, luôn sử dụng các sản phẩm Đông dược của HTX Tĩnh Dung, ông Ngô Quang Hoàng ở tỉnh Hải Dương cũng đánh giá rất cao những sản phẩm của HTX và mong muốn sẽ có nhiều cơ hội, để xúc tiến các sản phẩm OCOP của Yên Bái có chất lượng tới tay người tiêu dùng trong cả nước.

Du khách trong và ngoài nước thưởng thức một trong những phẩm OCOP
Du khách trong và ngoài nước thưởng thức một trong những sản phẩm OCOP

Năm 2020, HTX Sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh (huyện Yên Bình) được thành lập, chuyên kinh doanh các loại cá sấy, như: Cá rô, cá mương, cá chày, cá thiểu, cá rúi… Với lợi thế là nằm ở "vựa cá lớn” hồ Thác Bà - nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào và hơn hết mong muốn "giải cứu” cho những người nuôi cá lồng và dân đánh bắt quanh hồ gặp bấp bênh về đầu ra, HTX đã đi sâu vào chế biến các loại cá hồ. Để xây dựng thương hiệu làm tiền đề để đưa các sản phẩm của mình vươn xa trên thị trường, ngay từ đầu, HTX đã xây dựng cơ sở hạ tầng với hệ thống dây chuyền sản xuất khép kín từ khâu chế biến, đóng gói đến tiêu thụ sản phẩm.

"Nhờ sự hỗ trợ của các sơ quan của tỉnh, được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối với các siêu thị lớn ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, vì thế nhiều sản phẩm OCOP của HTX được nhiều khách hàng biết đến", chị Đồng Thị Hiền - Giám đốc HTX Sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh, huyện Yên Bình, chia sẻ.

Mặc dù sản xuất chính là các sản phẩm từ cá hồ, nhưng để đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của khách hàng, HTX đã xây dựng gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm ocop tiêu biểu của các HTX trong Tỉnh và liên kết với nhiều doanh nghiệp, HTX ở các tỉnh khu vực phía Bắc để tạo kết nối cung - cầu. Nhờ vậy, nơi đây đã trở thành điểm mua sắm tin cậy cho nhiều người tiêu dùng.

Công nhân HTX chè Khe Năm (xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) đang theo dõi máy vò chè đa năng hoạt động
Công nhân HTX chè Khe Năm (xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) đang theo dõi máy vò chè đa năng hoạt động

Hợp tác để đi đường dài không chỉ là lựa chọn của các HTX, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Yên Bái nói riêng mà còn là xu hướng chung của các HTX trong nước. Chính việc tăng cường thực hiện các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm thương hiệu của Tỉnh tới các thị trường trong và ngoài tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa để bên mua - bên bán kết nối trực tiếp, tiết giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững, giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong hoạt động thương mại, lưu thông hàng hóa.

Để làm được điều đó, thời gian qua, các chủ sản phẩm OCOP đã tìm hiểu, nghiên cứu, liên kết với nhau, để đưa công nghệ mới vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm và đầu tư nhiều trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn kinh doanh. Đặc biệt, trong xu thế hầu hết các HTX, doanh nghiệp đang thực hiện đẩy mạnh chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương, thì việc đẩy mạnh hợp tác, đa dạng hóa sản phẩm OCOP với nguồn tài nguyên hiện có đang là hướng đi đúng và trúng. 

Đây cũng được coi là “chìa khóa” để nâng tầm sản phẩm nông nghiệp địa phương, từ đó giúp xây dựng chiến lược đường dài cho sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.