Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Yên Bái: Xây dựng sản phẩm OCOP gắn với xây dựng Nông thôn mới

Vân Khánh - 16:30, 04/09/2024

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) chính là một trong những giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở nước ta. Được triển khai từ năm 2018 đến nay, Chương trình này đã đạt nhiều thành tựu đáng kể, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm, tạo đà cho việc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở các địa phương. Mỗi sản phẩm OCOP không chỉ là sứ giả vùng miền mà quá trình xây dựng các sản phẩm còn làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, tạo nên bức tranh tổng thể về kinh tế nông thôn đa dạng, hiệu quả.

Trao đổi việc nâng cao chất lượng trong sản xuất miến của HTX Miến đao Giới Phiên, thành phố Yên Bái.
Trao đổi việc nâng cao chất lượng trong sản xuất miến của HTX Miến đao Giới Phiên, thành phố Yên Bái

Tỉnh Yên Bái hiện có 247 sản phẩm OCOP, trong đó có 25 sản phẩm đạt 4 sao, 222 sản phẩm đạt 3 sao. Điểm đặc biệt của mỗi sản phẩm là được phát triển từ những đặc sản hoặc sản vật chủ lực tại các địa phương. Bởi vậy, nhắc đến mỗi sản phẩm OCOP là nhắc đến 1 địa danh cụ thể, gắn với tên xã, tên làng bản hay tên của cá nhân, của HTX. Đến nay, khi nhắc đến bất kỳ địa danh nào của tỉnh Yên Bái là sẽ gợi nhớ đến một sản phẩm đặc trưng của địa phương đó. 

Theo Chị Phạm Thị Thu Hà, phụ trách kinh doanh của HTX Miến đao Giới Phiên, thành phố Yên Bái, cho rằng: Với làng nghề có từ lâu đời, trước kia làm thủ công, nay đã chuyển sang sản xuất theo dạng tiêu chuẩn OCOP thì năng suất gấp 3 lần so với trước đây, chất lượng cũng được nâng lên, đồng thời sản phẩm miến của HTX cũng có mặt tại nhiều thị trường trong nước.

Cái hay của mỗi sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh là sự đa dạng, phong phú mang đậm văn hóa vùng miền. Cùng một sản phẩm nhưng mỗi nơi, mỗi địa phương lại có cách làm, phương thức sản xuất nên mang hương vị đặc trưng riêng mang đậm nét văn hóa của từng dân tộc, từng chủ thể. Chia sẻ về cách làm các sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của vùng miền, theo chị Đồng Thị Hiền, Giám đốc HTX Nông sản Tây Bắc Hiền Vinh, ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, cho hay: HTX đã khai thác sản phẩm cá hồ Thác Bà, đồng thời chế biến thành cá sấy, với những gia vị đặc trưng tạo nên món cá sấy đóng hộp đảm bảo các tiêu chí của một sản phẩm OCOP.

Để nâng tầm cho các sản phẩm nông sản từ chỗ chỉ là những sản phẩm thông thường thành những sản phẩm có nhãn hiệu, thương hiệu và là những sản phẩm có tính hàng hóa được nhiều người biết đến, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã tranh thủ tối đa các nguồn lực, các chương trình, dự án, để phát triển các sản phẩm đặc sản thành sản phẩm OCOP. Thông qua các chương trình hỗ trợ như khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, HTX; cho vay vốn ưu đãi, mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, các chương trình liên kết giữa các xã nông thôn mới về phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị, kết nối thị trường tiêu thụ.

Xây dựng thương hiệu, mã QR code, cấp mã số vùng trồng, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý,... Nhờ đó, sản lượng, chất lượng, mẫu mã các sản phẩm OCOP được nâng lên, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho hàng trăm người lao động nông thôn. Với huyện Yên Bình, những năm qua đã cử các cơ quan chuyên môn, hỗ trợ giúp đỡ các chủ thể OCOP ngay từ đầu, để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao năng lực quản lý điều hành của các doanh nghiệp, HTX trong xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho từng sản phẩm. Điều này được ông Lã Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình, cho biết thêm.

Đóng gói sản phẩm OCOP 3 sao đối với cá mương sấy của HTX Hiền Vinh, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình
Đóng gói sản phẩm OCOP 3 sao đối với cá mương sấy của HTX Hiền Vinh, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình

Gần 6 năm triển khai chương trình OCOP luôn gắn liền với quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, đã góp phần khơi dậy tiềm năng về đất đai, sản vật, hình thành nên các sản phẩm OCOP tích hợp đa giá trị, gắn sản phẩm nông nghiệp với thương mại, dịch vụ và du lịch. Đặc biệt, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã phát triển các sản phẩm trên cơ sở bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, hình thành nên những sản phẩm OCOP gắn vai trò như những “đại sứ” truyền tải những câu chuyện của làng nghề.

Mỗi sản phẩm OCOP được hình thành ở mỗi xã nông thôn mới là một câu chuyện riêng, đó là sự thăng trầm, sự hồi sinh, phát triển nhân rộng và nâng tầm giá trị cho các sản phẩm. Mỗi nơi có 1 cách làm riêng nhưng tựu chung lại là đã phát huy được thế mạnh của địa phương, truyền thống, kinh nghiệm sản xuất của người nông dân kết quả cuối cùng đó là hình thành được vùng nguyên liệu rộng lớn, tạo ra chuỗi liên kết 4 nhà "Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp", từ đó tạo ra những sản phẩm có giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Nhờ xây dựng được sản phẩm OCOP bưởi Đại Minh, mà diện mạo xã Đại Minh huyện Yên Bình đã có sự thay đổi
Nhờ xây dựng được sản phẩm OCOP bưởi Đại Minh, mà diện mạo xã Đại Minh, huyện Yên Bình đã có sự thay đổi

Thực tế, sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao đối với quả bưởi đã mang lại cho người dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Từ cây bưởi mà đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, đóng góp vào xây dựng cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa cộng đồng tại địa phương. Để có được kết quả này, kinh nghiệm của địa phương là xây dựng được lộ trình, để phát triển một loại cây ăn quả đặc sản thành sản phẩm OCOP được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, như vận động người dân thành lập HTX, triển khai các đề tài khoa học để bảo tồn cây bưởi, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo bà Dương Thị Hồng Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh, huyện Yên Bình, cho hay: Đảng ủy, chính quyền xã thường xuyên quan tâm, phối hợp với các cơ quan chức năng, mở các lớp tập tuấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, để bà con đồng loạt áp dụng vào trong sản xuất, từ đó nâng cao giá trị của quả bưởi và giữ được thương hiệu bưởi Đại Minh.

Đầu tư công nghệ và kỹ thuật chế biến đã tạo ra sản phẩm độc đáo chuối tiêu sấy dẻo trở thành sản phẩm OCOP 3 sao của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Việt Thành, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên
Đầu tư công nghệ và kỹ thuật chế biến đã tạo ra sản phẩm độc đáo chuối tiêu sấy dẻo trở thành sản phẩm OCOP 3 sao của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Việt Thành, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên

Là một trong những huyện nông thôn mới đầu tiên của Yên Bái, đến nay, huyện Trấn Yên đã xây dựng được gần 50 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 13 sản phẩm được công nhận trong năm 2023. Kết quả này có được là nhờ khai thác tốt các lợi thế, cũng như sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền. Chia sẻ về cách chỉ đạo phát triển sản phẩm OCOP, trong đó có phát triển sản phẩm chuối tiêu sấy dẻo, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Chủ tịch UBND xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, cho hay: Mặc dù không có vùng nguyên liệu, nhưng UBND xã đã vận động các thành viên của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Việt Thành, nghiên cứu, đầu tư máy móc, kỹ thuật chế biến, để biến sản phẩm nông nghiệp thuần túy trở thành một sản phẩm OCOP mang lại giá trị hơn.

Từ việc xây dựng các sản phẩm OCOP, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái, các sản phẩm nông nghiệp đã thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể. Những sản phẩm OCOP đã tạo ra được những sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Đây cũng là nhóm tiêu chí Kinh tế và Tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Mặc dù, còn đối diện với nhiều khó khăn, như thị trường đầu ra của một vài sản phẩm chưa cao, nhiều sản phẩm vẫn còn mang nặng tính thời vụ, số lượng sản phẩm đã qua chế biến sâu chưa dồi dào. Tuy nhiên, song song với lộ trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thì việc nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP sẽ còn có những cơ hội, cách làm hay hiệu quả hơn nếu như các địa phương nắm bắt được thời cơ, có sự sáng tạo trong quá trình sản xuất.

Tin cùng chuyên mục
Động lực xóa bỏ “5 nhất” ở Cao Bằng: Tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (Bài cuối)

Động lực xóa bỏ “5 nhất” ở Cao Bằng: Tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (Bài cuối)

Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Một trong những động lực tăng trưởng của tỉnh là nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719).
Đọc nhiều