Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Yên Bái: Xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế nông sản

Hoàng Quý - 09:24, 12/03/2020

Yên Bái là tỉnh miền núi, với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn (trên 540.000ha), có nhiều tiềm năng trong sản xuất, chế biến nông sản. Để phát huy lợi thế về nông nghiệp, thời gian qua tỉnh đã tập trung vào các hoạt động quảng bá thương hiệu, đồng thời khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến nông sản, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị kim ngạch.

Bưởi Đại Minh đang được nhiều người tiêu dùng biết đến
Bưởi Đại Minh đang được nhiều người tiêu dùng biết đến

Bưởi Đại Minh là một trong những sản phẩm chủ lực của ngành Nông nghiệp Yên Bái hiện nay. Ít ai biết rằng, chỉ vài năm trước, người trồng bưởi Đại Minh vẫn long đong trong việc trồng và phát triển sản phẩm của mình. Nhiều hộ trồng bưởi thậm chí phải chặt bỏ để chuyển sang các loại cây ăn quả khác vì hiệu quả kinh tế thấp, giá rẻ, sản lượng kém…

Thế nhưng vài năm gần đây, nhờ sự quan tâm quảng bá thương hiệu của tỉnh Yên Bái, sản phẩm bưởi Đại Minh đang dần vươn ra thị trường. Đến nay, bưởi Đại Minh đã có mặt tại nhiều địa phương trên cả nước, như Hà Nội, Lào Cai, Phú Thọ…

Không chỉ sản phẩm bưởi Đại Minh, những năm gần đây, với chủ trương khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình, tỉnh Yên Bái đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã khẳng định vị thế, mở rộng thị trường, được người tiêu dùng biết đến như: Gạo Mường Lò, chè Shan tuyết…

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái cho biết, hiện nay, Yên Bái có vùng lúa hàng hóa chất lượng cao rộng hơn 3.000ha, vùng cây ăn quả trên 8.000ha, diện tích nuôi trồng thủy sản trên 23.000ha… Nhờ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, nâng cao chất lượng mà các sản phẩm nông sản ngày càng mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương. Chỉ riêng năm 2019, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt trên 57 triệu USD.

“Một số mặt hàng như cam, quýt Văn Chấn, gạo nếp Tú Lệ… đã được đưa vào chuỗi các cửa hàng, siêu thị lớn như Big C, Hapro… trên cả nước. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho nông sản Yên Bái”, ông Điển cho biết thêm.

Thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động quảng bá, tập trung vào nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho các sản phẩm. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc tìm kiếm các đối tác, tạo đầu ra cho các sản phẩm nông sản. 

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.