Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Yên bình bản Mông bên dòng Sêrêpốk

Thảo Linh- Mai Hương - 16:55, 27/12/2023

Bản làng người Mông tiểu khu 179 (thôn 5, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) lọt thỏm giữa rừng già bạt ngàn. Những nếp nhà ván, lợp bằng tôn khiêm nhường, nép mình bên dòng Sêrêpốk hiền hòa, tuôn chảy. Người lớn, con trẻ ai làm việc nấy. Kẻ chăm chỉ cắp sách tới trường kiếm con chữ. Người tất bật mang gùi lên rẫy thu hoạch cà phê đang kỳ chín rộ, người lại đi xe máy xuống chợ mua hàng hóa chở về… Cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây cứ đong đầy, yên bình như thế theo năm tháng, giữa chốn rừng sâu, núi thẳm.

(BCĐ - TT vận động ND) Yên bình bản Mông bên dòng Sêrêpốk
Xây nhà công vụ cho giáo viên ở bản Mông

Gian nan bước đường mưu sinh

Hơn 20 năm trước, bà con dân tộc Mông rời bản quán từ các tỉnh Lào Cai, Hà Giang… di cư tự do vào Tây Nguyên để lập nghiệp. Họ mang theo cả dòng tộc, cả bản làng vượt rừng, lội suối năm nay qua tháng nọ. Bà con đâu ngờ và hình dung nổi sự khốn khó, gian nan, lẫn nguy hiểm dọc bước đường mưu sinh. Đối mặt với cái đói, cái rét đã đành, thậm chí phải trả giá bằng cả tính mạng giữa rừng thiêng, nước độc. Bà con người Mông rong ruổi qua không biết bao nhiêu núi cao, vực thẳm. Khi đã mỏi gối, chồn chân, chai sần cứ đóng hết lớp này đến lớp khác trên đôi bàn tay gầy guộc, họ quyết định dừng chân tại tiểu khu 179 để dựng lán, lập bản. 

Trong thâm tâm người Mông, đây có lẽ là vùng đất lý tưởng nhất trong số những chặng “dừng chân” trước đó. Tiểu khu 179 được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn; cách xa Trung tâm huyện Đam Rông trên 70 km. Muốn vào, phải đi qua địa bàn tỉnh Đắk Nông và vượt nhiều chặng đường rừng mới tiếp cận được tiểu khu này. Cả bản làng như một ốc đảo, gần như hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. Muốn mua sắm một số nhu yếu phẩm cần thiết, bà con phải vượt rừng cả ngày đường, còn vào mùa mưa thì phải đi lâu hơn thế. 

Giữa núi non hiểm trở khắc nghiệt, bà con người Mông phá rừng làm rẫy trồng bắp, trồng mì, săn thú, để kiếm cái lót dạ qua ngày; hạ cây dựng nhà che mưa, tránh nắng…gây ra không ít hệ lụy cho chính quyền địa phương và các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng. Bên cạnh đó, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên phổ biến ở mọi nóc nhà bản Mông. Có những cặp vợ chồng trẻ chưa đến tuổi kết hôn đã có 2 đến 3 mặt con. Việc sinh 5 đẻ 7 trong một gia đình không phải là hiếm. Bà con vẫn còn bị chi phối bởi quan niệm lạc hậu “trời sinh voi sinh cỏ”. Trẻ em lớn lên không biết tiếng Kinh, không được học hành và chịu nhiều thiệt thòi mà đáng lẽ ở lứa tuổi các em không đáng có. Cái đói, cái nghèo cứ đeo bám người Mông như mây mù quẩn quanh đỉnh núi suốt tháng này, qua năm nọ.

(BCĐ - TT vận động ND) Yên bình bản Mông bên dòng Sêrêpốk 1
Bà con người Mông phơi sấy cà phê

Trước thực trạng đó, các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực, tạo mọi điều kiện nhằm ổn định cuộc sống cho bà con đồng bào người Mông tại tiểu khu 179. Đường được mở cho ô tô vào tận bản; bố trí và cấp 280 ha đất sản xuất cho người dân, mở lớp dạy chữ cho con trẻ…. Từ đó, bản Mông giữa rừng sâu từng bước thay da, đổi thịt.

Mùa mới về với bản Mông

Những ngày này, về với tiểu khu 179 không khó để bắt gặp cảnh bà con người Mông đang tất bật thu hoạch trên những rẫy cà phê trĩu quả. Các ngã đường, xe máy, máy cày hối hả chở cà phê đến nơi tập kết; kẻ thu mua, người bán chuyện trò rôm rả, hòa lẫn trong tiếng máy xay xát cà phê vang cả bản làng; đã làm cho bức tranh bản Mông giữa chốn rừng sâu thêm tươi vui và đầy nhựa sống. 

Tiểu khu 179 có trên 130 hộ dân, bình quân mỗi nông hộ có khoảng 2,5 ha cà phê, thậm chí nhiều gia đình có trên 5 ha. Ngừng tay phơi cà phê, anh Thào Ngọc Hà vui vẻ cho chúng tôi biết: “Năm nay thời tiết thuận lợi nên cà phê được mùa hơn các năm trước, năng suất từ 4 đến 6 tấn nhân/ha, lại được giá gần 70 triệu đồng một tấn, nên mọi người rất phấn khởi. Cả bản này, nhà ít cũng thu được 3 đến 5 tấn cà phê nhân, nhà nhiều thì 15 đến 20 tấn, nên bà con mình ít khi nghĩ đến cảnh thiếu và đói trong các kỳ giáp hạt”.

Khi cái ăn, cái mặc được giải quyết, con chữ cũng thực sự đã về với lũ trẻ bản Mông. Các em tinh tươm trong những bộ đồ mới, sáng chiều đến lớp đều đặn học bài. Đường giao thông đã được mở, phá thế cô lập giữa chốn rừng già. Giờ đây, xe ô tô đã vào tận tiểu khu 179, mang theo hàng hóa cho người dân, đồng thời thu mua nông sản nên tránh được tình trạng bị ép giá. 

Ông Trương Hữu Đồng - Chủ tịch UBND huyện Đam Rông thông tin thêm nhiều điều thật đáng mừng: “Chúng tôi đang bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình dân sinh như: đường nội bộ, trạm y tế, nước sinh hoạt, hội trường, thủy lợi, trường học… Các công trình sẽ đồng loạt được khởi công xây dựng trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Khi những công trình này hoàn thành đi vào sử dụng, sẽ giúp bà con người Mông giảm bớt nhiều khó khăn, chú tâm xây dựng gia đình và bản làng ngày càng phát triển”.

(BCĐ - TT vận động ND) Yên bình bản Mông bên dòng Sêrêpốk 2
Bản Mông tại tiểu khu 179

Một cái khó mà tiểu khu 179 đang vướng phải. Hiện cả bản Mông có trên 130 hộ dân với trên 700 nhân khẩu; nhưng vì những lý do, hoàn cảnh khác nhau, nên chỉ có 234 người trên tổng số 420 người trong độ tuổi đã được cấp căn cước công dân. Số còn lại không đủ điều kiện để cấp, điều này đã gây không ít khó khăn, phiền toái cho người dân. Trước thực trạng đó, huyện Đam Rông cũng đã báo cáo, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền để tìm ra các phương án, giải pháp hợp lý, nhằm tháo gỡ những khó khăn này, giúp bà con dân tộc Mông tại đây yên tâm làm ăn phát triển kinh tế. gia đình.

Dẫu khó khăn, vướng mắc và cách trở vẫn đang còn ở phía trước, nhưng cuộc sống hiện tại của đồng bào người Mông tại tiểu khu 179 đã từng bước ổn định và phát triển. Hơi ấm tình thương, trách nhiệm và sự quan tâm hết mực của các cấp, các ngành tỉnh Lâm Đồng, sự sẻ chia của cộng đồng và ý chí vượt khó vươn lên của người dân nơi đây đã từng bước đưa vùng đất khó trở thành bản làng yên bình, no đủ bên dòng Sêrêpốk, giữa núi rừng trùng điệp Tây Nguyên.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.