Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc- Tôn giáo

Yên Thành (Nghệ An): Xây dựng giáo họ ấm no, hạnh phúc

Minh Thư - 10:43, 22/08/2021

Yên Thành không chỉ là quê lúa của xứ Nghệ mà còn là nơi sinh sống của hàng trăm nghìn đức tin theo đạo Thiên chúa, sinh hoạt tại gần 60 giáo họ. Bao năm qua, sự giác ngộ giữa “đạo và đời” là động lực để bà con giáo dân quê lúa vươn lên đuổi nghèo, làm giàu; xây dựng giáo họ ấm no, hạnh phúc.

Giáo dân giáo xứ Bảo Nham, xã Bảo Thành, huyện Yên Thành phá dỡ công trình, hiến đất xây dựng NTM
Giáo dân giáo xứ Bảo Nham, xã Bảo Thành, huyện Yên Thành phá dỡ công trình, hiến đất xây dựng NTM

Đoàn kết… “đuổi nghèo”

Vùng Đập Bộc, xã Công Thành (Yên Thành) trước đây là nơi hoang hóa, đầm lầy. Cũng bởi vậy, lại nằm cách xa khu vực dân cư nên trong suốt nhiều năm, 6ha vùng Đập Bộc “cho không ai lấy, để không ai thèm”. Thế rồi một ngày, người làng ngạc nhiên khi thấy gia đình ông Phan Trọng Đoài ở xóm Nam Châu, xã Công Thành đứng ra nhận thầu hết. Người làng còn bất ngờ hơn khi trên vùng đất hoang hóa ấy được gia đình ông Đoài bỏ hẳn 2 tỷ đồng đầu tư chuồng trại chăn nuôi và đào ao thả cá. Ông Đoài cười hồn hậu: Không ít lần thua lỗ đấy, vợ con nhà tôi nản lắm, cứ bàn tôi bỏ quách cho yên. Nay thì ổn rồi, tôi đã có một trang trại tổng hợp với lợn thịt, lợn sinh sản, cá, ếch, vịt... mỗi năm lãi chừng 300 trăm triệu đồng.

Giáo xứ Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành được biết đến là “thủ phủ” bánh chưng nổi tiếng quê lúa. Là xóm giáo toàn tòng với 327 hộ, 1.426 nhân khẩu… đời sống của bà con giáo dân một thời khó khăn, vất vả khi chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, bà con giáo dân Vĩnh Hòa đã mạnh dạn phát triển ngành nghề chế biến nông sản, làm bánh, bún. Hiện tại, cả giáo xứ có hơn 200 hộ làm nghề gói bánh chưng. Sản phẩm bánh chưng đã theo xe vươn ra ngoại tỉnh, trở thành nguồn thu nhập ổn định cho bà còn giáo dân.

“Làng có khoảng 900 lao động, thì đã có hơn 600 người làm nghề này. Thu nhập từ nghề rất khá nên đời sống người dân ngày càng nâng cao. Vĩnh Hòa thay đổi cũng nhờ nghề này”, ông Lưu Đức Bằng, Xóm trưởng xóm Vĩnh Hòa khoe.

Tận dụng ngành nghề truyền thống là bắt và nuôi lươn, bà con 4 xóm giáo Phan Thanh, Bắc Sơn, Nam Sơn và Đông Sơn thuộc giáo xứ Rú Đất, xã Long Thành đã phát triển nghề chế biến lươn đồng truyền thống, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho thị trường nhiều tỉnh, thành trong nước. Lãnh đạo xã Long Thành thông tin, đã có 30 hộ dân đứng ra mở cơ sở chế biến lươn, tạo việc làm cho trên 300 lao động nông nhàn tại địa phương. Địa phương đang tiếp tục định hướng nhân rộng ra nhiều xóm giáo khác để tăng thêm thu nhập.

Đem suy nghĩ về những giáo dân năng động làm giàu trao đổi với lãnh đạo huyện Yên Thành, chúng tôi được cung cấp thêm thông tin rất vui. Toàn huyện đang duy trì được 322 mô hình giáo dân sản xuất, kinh doanh giỏi; 70,5% hộ đồng bào công giáo đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; 20 khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa; số hộ nghèo trong đồng bào công giáo giảm xuống còn dưới 6%...

Ông Nguyễn Công Chúc, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Yên Thành khẳng định: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cho bà con giáo dân tham quan học hỏi các mô hình phát triển kinh tế; nhân rộng điển hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện…

Khởi sắc những giáo họ

Về với các giáo họ ở Yên Thành hôm nay, đi giữa bất kỳ một xóm giáo toàn tòng nào, cũng sẽ rất ngạc nhiên trước diện mạo nhà cửa khang trang, đường làng, ngõ xóm bê tông sạch sẽ, thoáng đãng.

Đây là kết quả từ sự đóng góp sức người, sức của của bà con giáo dân trong phong trào xây dựng NTM. Hàng ngàn hộ giáo dân đã không ngại ngần đập bờ rào, phá dỡ vườn… hiến gần 5.800m2 đất. Nhiều hộ còn tháo dỡ các công trình, thậm chí là nhà ở để làm đường giao thông, làm nhà văn hóa. Từ nguồn xi măng do nhà nước hỗ trợ, bà con đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, làm mới được gần 15km đường bê tông nông thôn.

Điển hình trong phong trào này, phải kể đến giáo họ Bảo Nham, xã Bảo Thành; giáo xứ Lâm Xuyên, xã Nam Thành; giáo họ Ngọc Long, xã Công Thành; giáo họ Diệu Ốc, xã Phúc Thành… Ông Trần Văn Huấn, Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo họ Diệu Ốc cho biết: Chúng tôi đã thấy được sự đồng lòng của bà con giáo dân trong xây dựng NTM. Bà con rất tích cực, hồ hởi góp công, góp sức làm đẹp xóm làng, giáo họ và đẹp cho quê hương.

Hay bà con giáo họ tại giáo xứ Rú Đất, xã Long Thành đang là điểm sáng trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Chủ tịch UBND xã Long Thành, Nguyễn Văn Đề cho hay: Chính quyền đã phối hợp, gắn kết tốt các chức sắc, chức việc, Ban hành giáo, Hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ. Từ mối quan hệ tốt này, chúng tôi đã bám sát cơ sở để vừa động viên bà con thực hiện các quy định của địa phương, vừa tuyên truyền, vận động mỗi người vươn lên thi đua phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Bá Cầu, Trưởng Ban đoàn kết công giáo huyện Yên Thành khẳng định: “Chúng tôi sẽ phát huy những kết quả, ý nghĩa đã đạt được; tiếp tục phối hợp với Mặt trận các cấp tuyên truyền, vận động bà con giáo dân sống “tốt đời, đẹp đạo”, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư…”