Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Trọn tình với âm nhạc dân tộc

Hồng Minh - T.Ngân - 15:05, 25/11/2019

Đam mê với các nhạc cụ dân tộc từ khi còn nhỏ, ông Lò Văn Hỏa ở bản Coóng Nọi, phường Chiềng Cơi, TP. Sơn La (Sơn La), năm nay 62 tuổi nhưng ông đã có 50 năm gìn giữ, chế tác, nghiên cứu và truyền dạy chơi đàn tính tẩu, đàn nhị.

Ông Lò Văn Hỏa chơi đàn nhị do mình chế tác
Ông Lò Văn Hỏa chơi đàn nhị do mình chế tác

Cầm cây đàn nhị trên tay, ông Hỏa say sưa kể về niềm đam mê đàn nhị. Lần đầu tiên được nhìn thấy cây đàn nhị là khi ông Hỏa 12 tuổi, từ một người hàng xóm. “Khi tiếng đàn vang lên tôi như phải lòng và xin anh hàng xóm được cầm thử. Chỉ sau 2 đêm tập kéo nhị, tôi đã biết kéo thuần thục luôn”, ông Hỏa cho biết.

Thế là ý tưởng chế tác câyđàn nhị bật lên trong đầu và ông Hỏa bắt đầu mày mò, nghiên cứu, chế tác đàn nhị. Sản phẩm ban đầu chưa đẹp, khi kéo tiếng không vang, ông lại bắt tay làm tiếp cây đàn thứ hai, thứ ba... rồi làm mãi thành đam mê. Lại có thêm nhiều dịp đi giao lưu, kéo đàn đệm cho những buổi khắp Thái với thanh niên ở các bản, càng làm ông gắn bó hơn với cây đàn nhị.

Ngoài chế tác đàn nhị, ông Hỏa còn sử dụng khá thành thạo các loại đàn, rồi biết hòa tấu nhạc cụ. Năm 1972, ông Hỏa từng tham gia Tổ ca nhạc của Đài Phát thanh Khu tự trị Tây Bắc, chuyên hòa tấu nhạc cụ dân tộc phát trên chương trình ca nhạc của Đài. Sau 3 năm ông chuyển công tác về Phòng Văn hóa thị xã Sơn La, được giao nhiệm vụ khôi phục văn nghệ quần chúng cơ sở. 

Những ngày tháng công tác tại đây là thời gian ông được sống trọn vẹn với niềm đam mê của mình. Không quản ngày đêm, mưa gió, ông cất công xuống các bản, truyền dạy cho những người đam mê cách kéo đàn, chế tác đàn nhị... Năm 1980, khi nghỉ công tác về địa phương, ông lại được xã giao làm Đội trưởng Đội Văn nghệ của xã, rồi được xã cử đi học lớp chuyển giao khoa học công nghệ sản xuất nhạc cụ dân tộc tại Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh năm 2001. Kết thúc khóa học, ông là 1 trong 5 học viên xuất sắc nhất của lớp học 36 học viên. Cũng tại lớp học này, ông học được cách chế tác thêm đàn tính tẩu. 

Hiện, mỗi năm ông sản xuất 400 - 500 cây đàn nhị và tính tẩu. Được biết, các loại nhạc cụ ông chế tác được nhiều người yêu thích. Không chỉ vậy, hằng năm, ông còn tham gia biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, thành phố; tham gia nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng ở phường, thành phố và các chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc ở các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Bắc Kạn...

Để gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, ông đã truyền dạy cách chế tác nhạc cụ dân tộc cho nhiều học viên tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Sơn La tổ chức. Nhiều học viên theo học đã chế tác được những cây đàn nhị, đàn tính tẩu đẹp và chất lượng. 

Ông Hỏa mong muốn được mở lớp chế tác nhạc cụ dân tộc tại gia đình, truyền dạy cho các con, cháu biết về nhạc cụ của dân tộc, góp phần lưu truyền và phát huy bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc Thái Tây Bắc