Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

"Khúc biến tấu" trong những chiếc gùi của nghệ nhân A Đai

Minh Ngọc - Minh Tân - 16:33, 26/03/2023

Nghệ nhân A Đai xoay qua xoay lại chiếc gùi thưa còn đan dở. Ông bảo, đã làm công việc đan gùi và nhiều sản phẩm mây tre đan đến cả gần 50 năm rồi. Với người Xơ Đăng, chiếc gùi quan trọng như bộ quần áo mặc trên người vậy. Càng đẹp, càng nhiều hoa văn, càng trau chuốt thì càng chứng tỏ được tay nghề của người đan.

A Đai là nghệ nhân đan lát giỏi có tiếng ở khắp vùng Đăk Na.
Anh A Đai là nghệ nhân đan lát giỏi có tiếng khắp vùng Đăk Na

Thoan thoắt chuốt những sợi nứa  mảnh mềm, dai để đan nốt chiếc gùi, Nghệ nhân A Đai ở thôn Kon Chai, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho biết: “Mình chỉ học theo cha mình, học theo những người già khác rồi làm thôi! Mấy chục năm rồi mình cứ đan như thế này. Nếu đan gùi thưa thì mỗi ngày mình làm được 1 chiếc, gùi dày thì 4 - 6 ngày hoàn thành 1 chiếc”.

“Với người Xơ Đăng, chiếc gùi quan trọng như bộ quần áo mặc trên người vậy. Càng đẹp, càng nhiều hoa văn, càng chau chuốt thì càng chứng tỏ được tay nghề của người đan”

Nghệ nhân A Đai, thôn Kon Chai, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum

Gùi của người Xơ Đăng không chỉ là một vật dụng trong cuộc sống lao động, sinh hoạt, mà còn là nét văn hóa được truyền từ đời này sang đời khác. Những chiếc gùi với kiểu dáng, kích cỡ, công dụng khác nhau: Gùi cho người lớn, gùi cho trẻ em. Có loại gùi khi mang ôm gọn sau lưng như những chiếc ba lô, có loại gùi có nắp, gùi dùng đi rẫy… Gùi thưa (chur) chuyên dùng đựng rau, củi, sắn, khoai… Còn loại gùi dày (dul, tur) mới dùng để đựng lúa, gạo, muối. Gùi như một người bạn đồng hành theo chân đồng bào đi rẫy, gùi các nông sản đi bán ở chợ rồi lại gùi hàng hóa mua về nhà dùng.

Chiếc gùi dày có nắp đậy của người Xơ Đăng, là sản phẩm nghệ thuật kỳ công, thể hiện qua bàn tay khéo léo, sự biến tấu, sáng tạo trong việc trang trí, tạo nên vẻ đẹp thẩm mỹ đặc trưng của người chế tác. Tuy không có sắc màu như gùi của người Gia Rai, Ba Na, nhưng gùi của người Xơ Đăng được trang trí thêm hoa văn hình thoi màu đen xen kẽ trên thân gùi. 

Các loại gùi đều có màu nâu bóng như cánh gián, do sau khi đan xong, đồng bào không đem dùng ngay mà thường treo ở gác bếp nhiều ngày. Hơi nóng của lửa, của khói xông lên, hun chiếc gùi thêm săn chắc, vừa bền vừa đẹp, không mối mọt hay bị ẩm mốc.

Vùng Đăk Na có nhiều nghệ nhân còn giữ được nghề đan truyền thống.
Vùng Đăk Na có nhiều nghệ nhân còn giữ được nghề đan truyền thống.

Nghệ nhân A Đai giải thích, với chiếc gùi “gốc” của người Xơ Đăng, hoa văn chủ yếu là màu đen được phối với màu trắng ngà của nan. Để tạo ra màu đen, ông lấy gỗ thông đốt lên khói. Sợi nan sau khi được chẻ và vót chuốt cẩn thận, thì lấy lá khoai lang chà sát lên sợi nan để mủ dính vào, rồi đem hơ lên ngọn lửa đó. Khói của cây thông kết hợp với độ kết dính của lá khoai lang làm đen dần cọng nan. Màu sẽ hình thành sau 5 - 6 lần chà đi chà lại rồi hơ lên lửa như thế.

A Đai giảng giải, nguyên gốc hoa văn đen - trắng trên sản phẩm đan lát thủ công của người Xơ Đăng gồm hai loại chính: Hoa văn hình thẳng, hoa văn hình ca rô. Mỗi sản phẩm của ông làm ra, có sự sáng tạo riêng, với nhiều hoa văn, đường chỉ đan xen, trang trí đặc sắc, khác lạ ở thân gùi, rổ, rá. Đế gùi được làm bằng khung vuông, hoặc tròn. Với loại đế hình tròn thì phải tìm loại gỗ dẻo để vừa có thể uốn cong, vừa có độ bền cao.

Tại vùng Đăk Na hôm nay, nghệ nhân A Đai là người đan lát giỏi có tiếng nhất trong vùng. Mỗi hội thi hay những dịp lễ hội của làng, ông lại trình diễn nghề đan gùi để giới thiệu đến bà con du khách một nét văn hóa đặc sắc của người Xơ Đăng. Với ông, đan lát không chỉ là một nghề mà còn là cách để gìn giữ cho văn hóa dân tộc mình không bị mai một. 

Tin cùng chuyên mục
Tuyên Quang: Ưu tiên phát triển toàn diện đối với các dân tộc có khó khăn đặc thù

Tuyên Quang: Ưu tiên phát triển toàn diện đối với các dân tộc có khó khăn đặc thù

Cùng với Hà Giang thì Tuyên Quang là địa phương có đồng bào dân tộc Pà Thẻn sinh sống tập trung đông nhất cả nước. Đây là một trong 14 dân tộc rất ít người, có khó khăn đặc thù theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025. Từ các chương trình, chính sách dân tộc, nhất là Chương trình MTQG 1719, tỉnh Tuyên Quang đã ưu tiến bố trí nguồn lực, để đầu tư, hỗ trợ nhằm phát triển toàn diện những địa bàn có dân tộc Pà Thẻn sinh sống tập trung.