Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Gia Lai: Buôn làng vang tiếng cồng chiêng

Thùy Dung - 21:02, 27/03/2020

Đối với người dân làng Hăng Rinh (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai), âm nhạc cồng chiêng giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của dân làng bao đời nay. Nếu như các làng lân cận đã vắng dần tiếng chiêng thì tại làng Hăng Rinh, ngày ngày bà con vẫn bảo ban nhau học tập, truyền dạy cho nhau cách giữ gìn và lưu truyền bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Thanh âm cồng chiêng giữa đại ngàn giúp con người xua đi bao mệt mỏi sau một ngày lao động. (Trong ảnh: Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018)
Thanh âm cồng chiêng giữa đại ngàn giúp con người xua đi bao mệt mỏi sau một ngày lao động. (Trong ảnh: Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018)

Ai cũng biết đánh chiêng

Trước sân nhà, già làng Rơ Lan Hào với người bạn nối khố là ông Rah Lan Nam (thị trấn Chư Sê) đang tỉ mỉ lau chùi những chiếc chiêng cổ. Khi chúng tôi hỏi thăm về cồng chiêng của làng, già Nam chia sẻ: Bộ chiêng này quý lắm đấy, nó hơn 100 năm tuổi rồi, nên làng mình coi như báu vật trăm năm. Nó là chiêng của nhà bà Rơ Mah Lich. Bộ chiêng này do cha ông nhà bà Lich để lại, sau này bà cho dân làng mượn để đánh vào các ngày lễ hội hay dịp lễ quan trọng. Trong làng còn nhiều bộ chiêng, nhưng bộ chiêng này cho âm thanh hay nên thường xuyên được sử dụng.

Theo lời già Hào, ngày xưa người làng Hăng Rinh có quan niệm, con trai phải biết đánh chiêng, con gái phải biết múa xoang mới được tham gia vui chơi, uống rượu trong các ngày lễ hội của làng. Thế nên khi lên 10 -15 tuổi, trai gái của làng bắt đầu tìm đến những người biết đánh chiêng, múa xoang hay của làng để học tập. Cứ thế đến nay, người làng Hăng Rinh vẫn giữ gìn âm thanh đại ngàn bằng cách truyền dạy cồng chiêng cho nhau.

Là người thuần thục các bài chiêng truyền thống, già Nam và già Hào đóng vai trò là người thầy truyền dạy cồng chiêng cho các thế hệ trẻ sau này. Trong các dịp được mời đi trình diễn, giao lưu âm nhạc, già Hào là người dẫn dắt, đưa đội chiêng đi giao lưu. Còn già Nam là người tập luyện, lắng nghe âm nhạc cồng chiêng để giúp đội chiêng hoàn thiện hơn. Đặc biệt, già Nam cũng là người thầy chỉnh chiêng, nếu chiêng bị lạc tiếng thì chính ông sẽ là người “chữa bệnh” cho chiêng.

Đến nay, người làng Hăng Rinh hầu hết ai cũng biết đánh chiêng. Làng thành lập 2 đội chiêng chính. Đội chiêng của làng Hăng Rinh cũng là đội chiêng có “tiếng” vì luôn được thị trấn, huyện Chư Sê “tín nhiệm” mời đi giao lưu, tham gia các sự kiện văn hóa lễ hội các cấp.

Già làng Rơ Lan Hào (trái) và thầy dạy chiêng Rah Lan Nam (phải) đang say sưa kể về tình yêu cồng chiêng của người dân làng Hăng Rinh.
Già làng Rơ Lan Hào (trái) và thầy dạy chiêng Rah Lan Nam (phải) đang say sưa kể về tình yêu cồng chiêng của người dân làng Hăng Rinh.

Nối dài tình yêu văn hóa truyền thống

Có một điều đặc biệt mà người làng Hăng Rinh vô cùng tự hào, đó chính là tình yêu âm nhạc cồng chiêng. Với dân làng Hăng Rinh, tiếng chiêng là sự gắn kết cộng đồng bền chặt. Thanh âm cồng chiêng giữa đại ngàn giúp con người xua đi bao mệt mỏi sau một ngày lao động.

Người làng Hăng Rinh cho biết, họ muốn nối mãi âm nhạc cồng chiêng đến ngàn đời sau. Vì cồng chiêng rất quan trọng trong cuộc đời những người con Jrai, chiêng gắn bó với con người từ lúc sinh ra, lớn lên, lúc về với cõi A tâu cho đến cuối cùng là lễ bỏ mả. Chiêng còn là sự uy tín, sự giàu có của buôn làng. Vì thế những người con của làng Hăng Rinh luôn tìm cách lưu giữ được tiếng chiêng trong buôn làng mình.

Em Rơ Mah Tiên (10 tuổi) thành viên đội chiêng nhí cho biết: Vì rất thích đánh chiêng và thích được đi biểu diễn nên em theo già Nam học đánh chiêng. Những ngày đầu tập luyện thì khó, những chăm chỉ nên đến giờ em đã thuần thục những bài chiêng cơ bản rồi. Em sẽ cố gắng học chăm chỉ hơn, sau này lớn lên dạy lại cho các em nhỏ hơn ở trong làng.

Dõi đôi mắt xa xăm như tìm về miền ký ức nào đó, già Hào bộc bạch: Cồng chiêng còn làm cho những người già như chúng tôi nhớ về thời xưa, khi cuộc sống chưa phát triển như bây giờ. Đến nay, các ngày lễ hội đã không còn nhiều, nên chúng tôi càng trân trọng những phút giây được hòa mình trong tiếng chiêng. Là già làng của làng Hăng Rinh, tôi muốn các thế hệ sau này phải giữ được hồn cốt của dân tộc mình để âm nhạc cồng chiêng sống mãi với dân làng Hăng Rinh”.

Tin cùng chuyên mục
Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Tạo “sân chơi ” cho người trẻ (Bài 2)

Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Tạo “sân chơi ” cho người trẻ (Bài 2)

Thú chơi đồ cổ không chỉ góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về những truyền thống tốt đẹp, những tinh hoa mà cha ông để lại. Chính vì vậy, việc tạo ra những sân chơi cho các nhà sưu tầm cổ vật và tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động mua bán cổ vật sẽ giúp những người trẻ trở thành "cánh tay nối dài"của ngành di sản văn hóa nước nhà.