Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

An Giang: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống các DTTS gắn với phát triển du lịch

Vân Khánh - 12:05, 08/12/2023

Thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch” (Dự án 6) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh An Giang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo tại cơ sở...

Một nghi lễ trong Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh An Giang
Một nghi lễ trong Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh An Giang

Những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh An Giang đã luôn quan tâm, chú trọng tới công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của đồng bào các DTTS trên địa bàn như: Phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, trang phục, dân ca, dân vũ, dân nhạc… Theo đó, tỉnh đã chú trọng phát huy vai trò, uy tín của đội ngũ nghệ nhân và những người trực tiếp nắm giữ, thực hành văn hóa truyền thống của các DTTS để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng các DTTS.

Để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch 527/KH-UBND, triển khai đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các DTTS đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2023 - 2026, tỉnh An Giang phấn đấu sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê hàng năm để lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về văn học dân gian các DTTS trên địa bàn; sưu tầm, số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu số lĩnh vực này, góp phần lưu trữ, nghiên cứu, tổ chức xuất bản, phát huy, truyền dạy.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Trương Bá Trạng, An Giang tỉnh phấn đấu sẽ có 20% tác phẩm (có nguy cơ mai một) được bảo tồn, tư liệu hóa; 50% tác giả, nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nói chung, văn học dân gian của các DTTS nói riêng được hưởng chính sách hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị; 40% trường dân tộc nội trú và các cấp trường tại vùng đồng bào DTTS đưa văn học dân gian vào sinh hoạt ngoại khóa, ngày hội, giao lưu, liên hoan cho học sinh…  Ngoài ra, tỉnh cũng đang nỗ lực, phấn đấu hình thành 1 đến 2 câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian vùng DTTS để thực hành, biểu diễn và trao truyền thể loại văn học dân gian. Phát động sưu tầm văn học dân gian của các DTTS trên phạm vi toàn tỉnh; tổ chức hội thảo khoa học về công tác này cấp khu vực hoặc toàn quốc.


Tại tỉnh An Giang, nhiều nghệ nhân đang góp phần bảo tồn, phát huy nhạc ngũ âm, một giá trị văn hoá của đồng bào Khmer
Tại tỉnh An Giang, nhiều nghệ nhân đang góp phần bảo tồn, phát huy nhạc ngũ âm, một giá trị văn hoá của đồng bào Khmer

Trong nỗ lực giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, hơn 30 năm qua, ông Chau Chanh (80 tuổi, ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang) đã hướng dẫn cho nhiều lứa học trò có thể chơi thành thục loại nhạc cụ này. Ông Chau Chanh cho biết, ngoài niềm đam mê, ông còn mang tâm nguyện lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Vì thế, ông chủ động mở các lớp dạy nhạc ngũ âm tại các ngôi chùa trên địa bàn. Tùy vào năng khiếu của từng học viên mà thời gian dạy khác nhau, có người học 9 tháng có thể chơi, cũng có người phải mất gần 1 năm. Theo ông Chau Chanh, muốn chơi được nhạc ngũ âm phải chăm chỉ luyện tập và có niềm yêu thích với âm nhạc truyền thống, bởi cái khó của nhạc ngũ âm là người học phải tập luyện thường xuyên.

Đến nay, ông Chau Chanh đã dạy được khoảng 5-6 lớp nhạc ngũ âm. Riêng tại chùa núi Tà Pạ (xã Núi Tô) đã hình thành được một đội nhạc ngũ âm gồm 9 thành viên. Đây là đội hình nòng cốt, thường biểu diễn trong các dịp lễ, Tết, đám tiệc trong cộng đồng. Đặc biệt, một số người từng là học trò của ông Chau Chanh hiện đang tiếp tục công việc “truyền lửa” cho các bạn trẻ tại các chùa Khmer.

Nhạc ngũ âm là một trong những âm nhạc đặc sắc của đồng bào Khmer. Dàn nhạc ngũ âm được tổng hợp từ 5 loại chất liệu, gồm: Đồng, sắt, gỗ, da và hơi tạo ra 5 âm sắc khác nhau. Trong đó, mỗi bộ sẽ có một, hai hoặc ba loại nhạc cụ tham gia tạo nên biên chế hoàn chỉnh của dàn nhạc ngũ âm truyền thống, gồm 9 loại: Kèn Srolay Pinn Peat (Bộ hơi); đàn Rôneat Ek, Rôneat Thung (Bộ mộc); Rôneat Đek (Bộ sắt); Kuông Vông Tôch, Kuông Vông Thum, Chhưng (Bộ đồng); Trống Samphô, Trống Skô Thum (Bộ da).

Nhạc ngũ âm thường được chơi trong các dịp lễ, Tết của đồng bào DTTS Khmer, như: Chol Chnam Thmay, Sene Dolta, Ok Om Book, Lễ dâng y hay trong các đám tiệc…Tuy nhiên, hiện nay, nhạc ngũ âm đang có nguy cơ mai một do đồ đạc sử dụng quá cũ nên bị hư hỏng, muốn thay thế phải tốn nhiều chi phí.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá đồng bào DTTS giúp tỉnh An Giang phát triển du lịch bền vững
Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá đồng bào DTTS giúp tỉnh An Giang phát triển du lịch bền vững

Cùng với nhạc ngũ âm, Chầm riêng - Chà pây là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của đồng bào DTTS Khmer. Hiện nay, ở huyện miền núi Tri Tôn, anh Chau Thăng (ở xã Ô Lâm) là một trong số ít những người còn giữ gìn và biểu diễn loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Anh Chau Thăng chia sẻ, bản thân bén duyên với loại hình nghệ thuật này khi tham gia các lớp học về văn hoá do địa phương tổ chức. Điều đáng quý ở đây là những người giảng dạy ở các lớp đều là những nghệ nhân có tiếng như nghệ nhân: Chau Nưng và nghệ nhân Chau Hunh. Thông qua khoá học, anh được dạy từ các nốt nhạc cơ bản, cách bấm phím đến cách đánh đàn, luyến láy theo điệu nhạc. Việc học đàn Chà pây rất khó, đòi hỏi phải đam mê và lòng kiên trì với loại nhạc cụ này. Nhiều người không theo đuổi được, phải bỏ ngang giữa chừng.

Anh Chau Thăng cho biết thêm, đàn Chầm riêng - Chà pây thường được chơi trong đám tiệc, lễ hội của đồng bào DTTS Khmer, từ cúng phước, đám tang, Tết Chol Chnam Thmay… Bài Chầm riêng - Chà pây phong phú, đa dạng, mang tính giáo huấn cao. Nội dung thường nói về công ơn của cha mẹ, đấng sinh thành, cuộc đời của Phật, bài học hay về cuộc sống. Câu nhạc đệm cùng với cách luyến láy, khúc nhạc hòa quyện giọng điệu của mỗi người, tạo nên sắc thái độc đáo riêng. Vì vậy, Chầm riêng - Chà pây không những có giá trị nghệ thuật, mà còn là bài học quý cho việc giáo dục con người.

“Với những hiểu biết của mình về Chầm riêng - Chà pây, tôi luôn sẵn sàng chia sẻ, truyền dạy những gì đã được học cho người có niềm đam mê, yêu thích. Tôi luôn mong rằng loại hình nghệ thuật này tiếp tục được lưu truyền, để thế hệ sau nuôi dưỡng lòng tự hào, chung tay phát triển nghệ thuật diễn tấu độc đáo của đồng bào DTTS Khmer”, anh Chau Thăng tâm sự.

Hình ảnh về hội đua bò Bảy Núi tại tỉnh An Giang
Hình ảnh về hội đua bò Bảy Núi tại tỉnh An Giang

Trong giai đoạn 2027 - 2030, tỉnh An Giang đặt mục tiêu sẽ hoàn thành công tác kiểm kê, đánh giá, phân loại và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể văn học dân gian của các DTTS trên quy mô toàn tỉnh. Phấn đấu sưu tầm, số hóa, xuất bản 60% tác phẩm; 80% tác phẩm (có nguy cơ mai một) được bảo tồn, tư liệu hóa; 50% tác giả, nghệ nhân được hưởng chính sách hỗ trợ...

Để thực hiện các mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu sở, ngành, địa phương, đơn vị vận dụng triển khai cơ chế, chính sách cho tác giả, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, người tổ chức thực hành, trao truyền lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các DTTS. Cùng với đó, khảo sát, sưu tầm, kiểm kê, lập danh mục thể loại văn học dân gian truyền thống của các DTTS; xây dựng chương trình truyền dạy, bồi dưỡng, tập huấn về văn học dân gian; bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian các DTTS trong lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa, liên hoan văn nghệ quần chúng, không gian diễn xướng, thực hành phù hợp; lựa chọn tác phẩm văn học dân gian tiêu biểu đưa vào giảng dạy, giáo dục ngoại khóa tại trường học; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu tác phẩm văn học dân gian…


Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.