Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

An toàn vệ sinh thực phẩm: Vấn đề cũ nhưng chưa bao giờ hết “nóng”

Sỹ Hào - 08:49, 28/05/2023

An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã được nói không ít lần, từ nhiều năm nay, trên báo chí và trên cả diễn đàn Quốc hội. Nhưng đây là vấn đề chưa bao giờ hết “nóng”, trong khi thuốc giải độc để cấp cứu kịp thời vẫn còn khan hiếm, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người rất cao.

Bệnh viện Chợ Rẫy tham vấn hướng điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc do Botulinum ở Phước Sơn, Quảng Nam (Ảnh: TL)
Bệnh viện Chợ Rẫy tham vấn hướng điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc do Botulinum ở Phước Sơn, Quảng Nam (Ảnh: TL)

Khan hiếm thuốc giải đặc trị

Theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), ngay trong đêm 15/5/2023, đơn vị đã phải cấp tốc liên hệ với Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam để điều chuyển 2 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT). Việc điều chuyển khẩn cấp này là nhằm cấp cứu cho 4 bệnh nhân (có 3 trẻ em) ở TP. Thủ Đức bị ngộ độc Botulinum do ăn bánh mỳ kẹp giò lụa, xảy ra ngày 13/5.

Được biết, Botulinum là một chất độc cực mạnh, chỉ 0,03 mcg tiêm tĩnh mạch có thể gây tử vong một người nặng 70 kg. Người bệnh thường bị nhiễm độc tố Botulinum khi ăn thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, nhất là các loại đồ hộp đóng kín, không bảo đảm điều kiện bảo quản. Bệnh nhân ngộ độc Botulinum có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không có thuốc BAT để giải độc.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, thuốc BAT dùng giải ngộ độc tố Botulinum là thuốc cực hiếm, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Mỗi lọ thuốc có giá 8.000 USD, tương đương với khoảng 190 triệu đồng, tuy nhiên việc mua thuốc rất khó khăn, lại chưa được Bảo hiểm y tế chi trả. Tại thời điểm tháng 3/2023, cả nước còn đúng 5 lọ thuốc BAT, được Bệnh viện Chợ Rẫy lưu trữ.

“Vừa qua, ở Quảng Nam xảy ra 2 vụ ngộ độc Botulinum do ăn cá chép ủ chua khiến 1 người tử vong, nhiều người nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Đơn vị đã quyết định điều chuyển cả 5 lọ thuốc cùng đội ngũ chuyên gia chống độc hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam để cứu chữa bệnh nhân. Bệnh viện địa phương đã sử dụng 3 lọ, còn 2 lọ”, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin.

Các vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) mà bác sĩ Thức nói đến xảy ra trong những ngày đầu tháng 3/2023. Cụ thể, trưa 16/3, có 4 người ở thôn 2, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn đã bị ngộ độc do ăn cá chép ủ chua - món ăn truyền thống của đồng bào miền núi Quảng Nam. Trước đó, ngày 7/3, tại thôn 2, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, 4 người cũng nhập viện do NĐTP ẩm sau khi ăn món ăn này. Trong cả 2 vụ ngộ độc thực phẩm thì người bị ngộ độc là đồng bào dân tộc Gié Triêng, đều nhiễm độc tố Botulinum.

Chủ động phòng ngừa

Không phải đến bây giờ, vấn đề ATVSTP mới được nhắc đến một cách riết róng đến như vậy, nhất là các vụ NĐTP do độc tố Botulinum. Trong năm 2020 (từ 13/7 - 18/8), nhiều bệnh nhân trên cả nước đã bị ngộ độc Botulinum do ăn món Pate Minh Chay. Tổ chức Y tế Thế giới đã phải hỗ trợ Việt Nam 12 liều thuốc giải độc tố Botulinum để dùng cho những trường hợp bệnh nặng.

Đây là vụ ngộ độc Botulinum đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam, đã làm dấy lên câu hỏi về lỗ hổng, bất cập trong công tác quản lý chất lượng, kiểm nghiệm thực phẩm dẫn đến bỏ lọt các sản phẩm kém chất lượng đến tay người tiêu dùng, trong bối cảnh tình trạng mất ATVSTP được đánh giá là hết sức báo động. Đúng như đại biểu Quốc hội khóa XIV Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) đã chua xót nói trên nghị trường: “Có thể nói, con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế”.

Cơ quan chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một bếp ăn
Cơ quan chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một bếp ăn (Ảnh TL)

Bên cạnh ngộ độc do Botulinum, tình trạng NĐTP cũng rất báo động do nhiều loại độc tố khác, xuất phát từ hành vi sử dụng thực phẩm không an toàn của người dân. Chỉ riêng Quảng Nam, xét về số người mắc, tử vong và tính chất nghiêm trọng, năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ NĐTP làm 19 người mắc, 6 người tử vong, 1 người di chứng mù mắt. Trong đó, 1 vụ NĐTP tại huyện Nam Giang với 16 người mắc (4 người tử vong, 1 người di chứng mù mắt) do sử dụng rượu có chứa Methanol; 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại huyện Nam Trà My với 3 người mắc (2 người tử vong) do sử dụng rượu ngâm rễ cây rừng.

Theo Ts.Bs. Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, các vụ NĐTP lớn xảy ra tại Quảng Nam phần lớn xảy ra ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn nhiều phong tục, tập quán truyền thống trong chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm. Để phòng chống thì các cấp ngành liên quan phải có giải pháp tích cực, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, rửa tay với xà phòng, phòng chống ngộ độc rượu và ngộ độc do độc tố tự nhiên, vệ sinh môi trường, triển khai hoạt động tuyên truyền nguyên nhân gây ra ngộ độc.

Còn theo Ts.Bs. Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, thực tế hiện nay, nhiều loại thuốc hiếm ngày càng trở nên cần thiết trong việc cứu chữa người bệnh trong tình trạng nguy cấp do NĐTP. Ông Thức kiến nghị Bộ Y tế cần nghiên cứu phương án chủ động dự trữ thuốc hiếm cho cấp cứu, điều trị để hạn chế thấp nhất những hậu quả có thể xảy ra cho người bệnh do thiếu thuốc hiếm.

Bên cạnh các giải pháp nêu trên, thì cũng cần thiết nêu trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm ATVSTP. Như người ta vẫn thường nói: “Ruộng chuồng của Bộ Nông nghiệp; chợ của Bộ Công thương; bàn ăn của Bộ Y tế”. Năm nào cũng vậy, từ 15/4 - 15/5, cả nước lại cùng ra quân “Tháng hành động vì ATTP”. Nhưng thiết nghĩ, ATVSTP tác động trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng. Do đó, việc đảm ATVSTP, đẩy lùi thực phẩm bẩn là nhiệm vụ quan trọng, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, không phải đợi đến “Tháng hành động vì ATTP” mới vào cuộc.

Theo thống kê của Bộ Y tế, 4 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 25 vụ ngộ độc với 344 người bị ngộ độc, trong đó có 8 người tử vong. Trước đó, năm 2022, cả nước xảy ra 46 vụ NĐTP với 601 người bị ngộ độc, trong đó có 14 người tử vong. Năm 2021, toàn quốc ghi nhận 81 vụ NĐTP làm 1.942 người mắc và 18 trường hợp tử vong. So với năm 2020 thì năm 2021 giảm 58 vụ (41,7%), giảm 1.152 người bị ngộ độc (37,2%), giảm 12 người tử vong (40,0%).

Tin cùng chuyên mục
Hiểm họa từ rác thải điện tử

Hiểm họa từ rác thải điện tử

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang đến những tiện ích vượt bậc cho đời sống và sinh hoạt của con người, đồng thời cũng kéo theo hệ lụy về rác thải điện tử. Rác thải điện tử đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người, có nguy cơ cao gây ra những hậu quả khôn lường nếu không có các giải pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý rác thải điện tử.