Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Bà mẹ của 2 đứa trẻ viết tiếp ước mơ sự học tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Trọng Bảo - 11:45, 28/06/2024

29 tuổi, lần đầu tiên tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT để hoàn thành ước mơ học tập của mình, đó là một hành trình ý nghĩa và đầy cảm xúc của thí sinh Lý Sử Mẩy tại điểm thi số 1 thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Trải qua nhiều gian khó, thí sinh đặc biệt này đã cùng với hơn 8 nghìn thí sinh khác của tỉnh Lào Cai đang nỗ lực hoàn thành những môn thi của kỳ thi năm nay.

Lý Sử Mẩy (đứng giữa) khá tự tin về kết quả bài làm của mình sau ngày đầu tiên
Lý Sử Mẩy (đứng giữa) khá tự tin về kết quả bài làm của mình sau ngày đầu tiên

Là thí sinh lớn tuổi nhất tại điểm thi Số 1, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Lý Sử Mẩy, dân tộc Dao đỏ, sinh năm 1995 tại xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa. Năm 2014, khi đang học lớp 12 thì gia đình Mẩy xảy ra biến cố nên em đành gác lại việc học tập. Sau 10 năm, dù đã là mẹ của 2 con nhỏ, nhưng với ước mơ được tốt nghiệp THPT, Mẩy đã dành thời gian để ôn luyện và đăng ký thi tốt nghiệp trong kỳ thi năm nay.

“Khi phải tạm dừng việc học tập lại do hoàn cảnh gia đình em rất buồn; tuy nhiên em luôn mơ ước được cầm tấm bằng tốt nghiệp như bao bạn cùng trang lứa. Khi em xác định mục tiêu của em là đi học lại, thì em đã tập trung ôn ở nhà trường, kết hợp với tìm tòi, ôn luyện thêm từ mạng xã hội, rồi nhờ thầy cô dạy online…”, Lý Sử Mẩy chia sẻ.

Dù lớn tuổi, cũng gặp không ít khó khăn khi quay lại con đường học tập, thế nhưng Lý Sử Mẩy luôn lạc quan, bắt đầu lại mọi thứ để hoàn thành ước mơ. Với Mẩy, tốt nghiệp THPT không chỉ để có tầm bằng, mà hơn hết là vượt qua chính mình, khẳng định giá trị của bản thân, đồng thời sẽ giúp ích cho công việc sau này.

“Bản thân em cũng nhận thấy, bây giờ muốn tìm công việc có thu nhập ổn định, thì phải có kiến thức mà tốt nghiệp THPT là bước đi đầu tiên để em hoàn thành mục tiêu của mình. Dù đã nghỉ học trong thời gian dài, việc cập nhật kiến thức với em cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, em phải cố gắng hơn gấp nhiều lần so với các bạn khác. Nhờ đó, qua bài thi đầu tiên, em thấy khá tự tin về kết quả của mình”, Lý Sử Mẩy chia sẻ.

Để bù đắp kiến thức sau 10 năm nghỉ học, Lý Sử Mẩy đã phải cố gắng rất nhiều
Để bù đắp kiến thức sau 10 năm nghỉ học, Lý Sử Mẩy đã phải cố gắng rất nhiều

Tấm gương vượt khó để đi học của Lý Tả Mẩy đã giành được sự yêu mến, nể phục của các em học sinh trong trường, trong thôn bản. Em Thào Thị Do, Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai bộc bạch: "Khi chị Mẩy mới vào lớp, em và các bạn cũng cảm thấy hơi khác lạ một chút. Tuy nhiên, sau thời gian ôn luyện và tâm sự biết hoàn cảnh của chị, chúng em rất khâm phục về ý chí, nghị lực của chị Mẩy. Vì chị Mẩy đã nghỉ 10 năm nay, giờ đi học lại để thi thì không phải ai cũng làm được điều này. Chị Mẩy thể hiện cho tinh thần vượt khó để đạt được mục tiêu của mình rất đáng để chúng em học tập, noi theo”. 

Vượt qua mọi rào cản, viết tiếp ước mơ sau 10 năm dang dở, hành trình đó là sự cố gắng rất đáng khích lệ. Lý Sử Mẩy chính là tấm gương sáng về nghị lực học tập của phụ nữ vùng cao trên hành trình khẳng định bản thân và chỗ đứng trong xã hội..

Tin cùng chuyên mục