Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Bác Ái (Ninh thuận): Triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719 để nâng cao đời sống đồng bào DTTS

Minh Thu - 07:00, 23/12/2023

Bác Ái là huyện miền núi nghèo của tỉnh Ninh thuận với hơn 90% dân số là đồng bào Raglai. Trong thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất, giao thương, đồng thời hướng dẫn bà con chuyển đổi mô hình sản xuất để có thêm thu nhập, ổn định đời sống.

Chính quyền huyện Bác Ái đang nỗ lực vận động người dân chuyển đổi sản xuất, chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Chính quyền huyện Bác Ái đang nỗ lực vận động người dân chuyển đổi sản xuất, chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế (Ảnh minh họa))

Tận dụng lợi thế về diện tích đồng cỏ rộng, huyện Bác Ái đã động viên bà con phát triển mô hình chăn nuôi bò. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn chuyển đổi mô hình sản xuất cho phù hợp, nhiều gia đình đã chí thú làm ăn, có cuộc sống tươm tất hơn trước.

Anh K’tơ Phân, Trưởng thôn Tà Lú 3, xã Phước Đại cho biết, có đến hơn 95% hộ gia đình đồng bào Raglai trong thôn đã có thu nhập ổn định nhờ chăn nuôi bò. Nhà nào nhiều thì có đến hơn 50 con, gia đình nào ít cũng phải 10 - 20 con.

Trước đây gia đình anh K’tơ Suối cùng thôn Tà Lú 3 cũng làm nương rẫy nhưng việc trồng lúa, hoa màu không đủ nuôi gia đình, nhất là khi hạn hán, dịch bệnh. Được chính quyền địa phương hướng dẫn và hỗ trợ vay vốn, gia đình anh Suối thay đổi mô hình sản xuất chuyển sang trồng cây mỳ và nuôi bò. Anh Suối chia sẻ, từ khi gia đình anh trồng mỳ, trồng bắp, nuôi thêm heo, bò, gia đình anh đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, đủ tiền trả vay nợ và còn có vốn để tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất.

Người dân được cung ứng đủ nước tưới tiêu cho sản xuẩt nông nghiệp. Ảnh: baoninhthuan
Người dân được cung ứng đủ nước tưới tiêu cho sản xuẩt nông nghiệp. Ảnh: baoninhthuan

Hay như trường hợp của gia đình anh Pi Năng Quốc, thôn Đá Ba Cái, xã Phước Thành trước kia cũng từng chăn nuôi bò với số lượng nhỏ theo hướng tự phát, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên năng suất không mấy hiệu quả. Sau khi được hỗ trợ về nguồn vốn, kiến thức chăn nuôi, xây dựng chuồng trại và phòng dịch, gia đình anh có 5 - 7 con bò, mỗi năm bán ra 2 lứa bò lấy thịt thu lãi trên 35 triệu đồng.

Ở cùng thôn với gia đình anh Quốc, gia đình ông Pi Năng Cung trước đây cũng chỉ biết dựa vào nương rẫy, thu nhập bấp bênh, nhiều lúc mất mùa, dịch bệnh. Nay gia đình ông Cung được chính quyền địa phương động viên và hỗ trợ vốn để nuôi bò thịt với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Ban đầu gia đình ông chỉ nuôi 2 con bò sau đó bán bò và tích lũy vốn tái đầu tư tăng số lượng đàn bò. Bên cạnh việc sản xuất, mô hình nuôi bò thịt đã giúp gia đình ông có thêm thu nhập ổn định hơn 30 triệu đồng mỗi năm.

Trước đây, một số địa bàn sản xuất nông nghiệp của huyện Bác Ái thường xuyên phải đối mặt với cảnh khô hạn, thiếu nước tưới tiêu, ảnh hưởng nhiều đến năng suất, sản lượng cây trồng. Thời gian qua, được chính quyền chú trọng đầu tư các công trình thủy lợi, nguồn nước cho các vùng đất sản xuất đã được “hồi sinh”.

Gần 4 sào đất trồng nông sản bắp nếp và bí đỏ của gia đình bà Chamaléa Thị Thiêu, thôn Rã Tren, xã Phước Trung đã có thể canh tác thêm vào cả mùa khô. Trước đây, khu vực này chỉ có thể trồng vào mùa mưa mới đảm bảo nước tưới tiêu, còn mùa nắng nương rẫy thường bỏ hoang. Từ ngày có hệ thống tưới tiêu, gần 40ha đất sản xuất ở vùng gò đồi đã được phủ xanh bởi các loại cây trồng, bà con có thêm điều kiện để trồng trọt, tăng thu nhập. Cùng với đó, nhiều diện tích cây ăn quả của các hộ gia đình cũng được đảm bảo đủ nguồn nước tưới, không bị phụ thuộc vào nước ở sông, suối.

Tương tự, gia đình ông Katơr Vinh, thôn Chà Panh, xã Phước Hòa không còn phải lo lắng thiếu nước tưới tiêu vào mùa khô cho 5 sào đậu phộng, dưa hấu. Nhờ có nguồn nước dồi dào từ hồ Sông Cái, đậu phộng và dưa hấu phát triển rất tốt, năng suất cao hơn trước kia.

Cùng chung niềm vui với gia đình ông Vinh, bà Thiêu, các gia đình khác cũng rất phấn khởi khi không phải lo thiếu nước. Chị Mang Thị Mỡ ở xã Phước Hòa sở hữu 3 sào xoài cát Hòa Lộc, trước đây nguồn nước tưới chủ yếu là nước giếng khoan, nước suối gần rẫy, tuy nhiên vào mùa khô lượng nước vô cùng khan hiếm. Bây giờ, nước tưới đã về đến tận rẫy, việc tưới tiêu thuận lợi rất nhiều.

Theo Lãnh đạo UBND huyện Bác Ái, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tập trung quy hoạch mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp ở những vùng chủ động nguồn nước tưới, đồng thời tiếp tục vận động bà con chuyển đổi cây trồng thích hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm giúp bà con có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Nhiều hộ gia đình DTTS có hoàn cảnh khó khăn đã thoát nghèo nhờ mô hình nuôi bò.
Nhiều hộ gia đình DTTS có hoàn cảnh khó khăn đã thoát nghèo nhờ mô hình nuôi bò.

Những diện tích đất đồi bỏ hoang nay đã được phủ xanh bởi các loại cây trồng. Bà Cấn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái thông tin: Các công trình thủy lợi lớn trên địa bàn đã đáp ứng được nguồn nước cho người dân sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Huyện Bác Ái hiện có nhiều mô hình về cây ăn trái, chăn nuôi gia súc bò, dê, cừu, heo hiệu quả, giúp nâng cao đời sống người dân.

Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn trên 40%, chính quyền đang nỗ lực vận động người dân chuyển đổi sản xuất, chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành và địa phương triển khai kịp thời các chính sách sớm đến với đồng bào DTTS. Đến nay toàn tỉnh Ninh Thuận đã giải ngân đạt 45,5%, trong đó, vốn đầu tư phát triển đạt 73%, vốn sự nghiệp đạt 25,5%.




Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.