Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Ninh Thuận: Đồng bào vùng DTTS chủ động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để vươn lên thoát nghèo bền vững

Sơn Khánh - 13:18, 13/12/2023

Những năm qua, việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã góp phần giúp người dân tạo sinh kế, từng bước thoát nghèo bền vững.

HTX liên kết sản xuất chuỗi giá trị giúp nhiều hộ dân đồng bào DTTS tại tỉnh Ninh Thuận vươn lên thoát nghèo.
HTX liên kết sản xuất chuỗi giá trị giúp nhiều hộ dân đồng bào DTTS tại tỉnh Ninh Thuận vươn lên thoát nghèo.

Ông Lê Hoài Nam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Thuận cho biết, toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 113 hợp tác xã (HTX), với 18.846 thành viên, tổng vốn đăng ký 219,89 tỷ đồng. Nhiều HTX đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất và quản trị truyền thống, nâng cao hiệu quả hoạt động, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần tiếp sức, hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo (đặc biệt là đồng bào DTTS).

Điển hình như HTX Sản xuất dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Mỹ Sơn (tại huyện Ninh Sơn). Đi vào hoạt động từ năm 2017 với 25 thành viên, HTX được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ 600 triệu đồng mua 1 máy làm đất, 1 máy cuộn rơm để phục vụ sản xuất. Trên cơ sở đó, những năm qua HTX không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ, triển khai thực hiện hiệu quả phương án sản xuất, kinh doanh. HTX đã hợp đồng với doanh nghiệp sản xuất 150 ha bắp giống, với sản lượng thu mua hằng năm trên 350 tấn. Đồng thời, trồng 10 ha táo theo quy trình kỹ thuật VietGAP, liên kết với Liên minh HTX OCOP Hà Nội và các đại lý tại TP Hồ Chí Minh thu mua sản phẩm, mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 150 tấn.

Các HTX hỗ trợ người dân con giống, kỹ thuật chăn nuôi để phát triển sản xuất.
Các HTX hỗ trợ người dân con giống, kỹ thuật chăn nuôi để phát triển sản xuất.

Theo chia sẻ của ông Lường A Sáng (ở thôn Phú Thạnh, xã Mỹ Sơn) một trong những hộ dân tham gia liên kết sản xuất bắp giống với HTX Sản xuất dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Mỹ Sơn, quá trình liên kết, ông cũng như nhiều hộ dân khác tại địa phương đã được HTX cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng đúng quy trình sản xuất... Do đó, năng suất bắp cao, đạt 8-9 tạ/sào. Mặt khác, sản phẩm được HTX thu mua, không lo về đầu ra, giá cả, nên gia đình yên tâm sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Thu Phượng, Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Mỹ Sơn, cho biết: Hiện nay, HTX đang liên kết với 200 hộ dân (nhiều hộ đồng bào DTTS) trên địa bàn trồng bắp, táo. Để nâng cao năng suất, HTX không ngừng đầu tư máy móc nông nghiệp, áp dụng khoa học - kỹ thuật, liên kết sản xuất nhằm đảm bảo đầu ra sản phẩm ổn định cho người dân và giúp HTX hoạt động hiệu quả, với doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng/năm.

“Tính đến nay, toàn huyện Ninh Sơn có 12 HTX, trong đó, có 10 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 1 HTX tiểu thủ công nghiệp, 1 HTX xây dựng và dịch vụ tổng hợp. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 xây dựng 2 xã đạt chuẩn NTM và 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục củng cố và phát triển kinh tế tập thể. Trong đó nòng cốt là HTX; hỗ trợ, khuyến khích các HTX xây dựng mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, hỗ trợ người dân (đặc biệt là đồng bào DTTS) từng bước giảm nghèo bền vững”, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho hay.

Lãnh đạo HTX xuống tận địa bàn để chia sẻ kiến thức chăm sóc cây trồng cho người dân.
Lãnh đạo HTX xuống tận địa bàn để chia sẻ kiến thức chăm sóc cây trồng cho người dân.

Còn tại huyện miền núi Bác Ái, những năm qua, để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo và hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, chính quyền huyện đã đẩy mạnh khai thác lợi thế cây bản địa và phát triển cây trồng có giá trị kinh tế với “bà đỡ” là các HTX, tổ hợp tác.

Tiêu biểu như HTX Công nghệ cao Nam Miền Trung (ở thôn Suối Đá, xã Phước Tiến, Bác Ái) đã năng động tìm được hướng đi riêng, xây dựng khu nông trại nhà kính 2 ha, liên kết với nông dân sản xuất dưa lưới.

HTX cam kết cung ứng một phần đầu vào đáp ứng số lượng, chất lượng sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu 100% sản phẩm mà nông dân đăng ký cùng liên kết sản xuất với giá ổn định. Ngoài ra, HTX triển khai mô hình mẫu đáp ứng yêu cầu để nông dân tham quan tìm hiểu, cùng hợp lại trong chuỗi liên kết để tạo ra sản phẩm có chất lượng, thương hiệu. Hằng năm HTX đưa ra thị trường trên 230 tấn dưa lưới chất lượng cao, đạt doanh thu trên từ 6-7 tỷ đồng.

Nhiều bà con đồng bào DTTS ở Ninh Thuận mở rộng diện tích trồng măng tây để thoát nghèo.
Nhiều bà con đồng bào DTTS ở Ninh Thuận mở rộng diện tích trồng măng tây để thoát nghèo.

Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Giám đốc HTX cho biết: Để đứng vững trong nền kinh tế thị trường, HTX đã chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh cụ thể, đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ cao, đảm bảo cung cấp cho thị trường sản phẩm dưa lưới an toàn với giá cả phù hợp. HTX này đã tham gia Chương trình OCOP với sản phẩm dưa lưới Sun Farm, kết quả được hội đồng đánh giá và xếp hạng đạt 3 sao sao cấp tỉnh trong năm 2022.

Đánh giá về hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể, HTX, ông Đặng Kim Cương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho rằng, trong bối cảnh hiện nay việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đang là vấn đề cấp thiết để hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại mang lại giá trị tăng cao. Tham gia chuỗi liên kết mang lại ‘lợi ích kép”, người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro, được HTX, doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất. Đồng thời, các HTX, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý.

Bên cạnh những lợi ích đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường.

Khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển, góp phần khơi dậy ý chí thoát nghèo cho bà con đồng bào DTTS ở Ninh Thuận.
Khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển, góp phần khơi dậy ý chí thoát nghèo cho bà con đồng bào DTTS ở Ninh Thuận.

Để nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất, năm 2023 UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch hỗ trợ phát triển nông nghiệp từ nguồn kinh phí sự nghiệp phân bổ cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí thực hiện trên 21 tỷ đồng. Trong đó, tập trung cho hoạt động xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu tập trung cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Theo ông Cương, thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan mở nhiều lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng tổ chức sản xuất cho tổ, nhóm, HTX, hộ nông dân tham gia vùng sản xuất nguyên liệu, hỗ trợ chứng nhận VietGAP; tiếp tục phát triển chuỗi liên kết sản xuất, đào tạo kiến thức kinh doanh, kỹ năng thị trường, giám sát đảm bảo chất lượng sản phẩm, hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật cho đối tác tham gia chuỗi giá trị.

Với việc khu vực kinh tế tập thể, mô hình HTX ngày càng phát triển bền vững, các cấp chính quyền tỉnh Ninh Thuận kỳ vọng chất lượng cuộc sống của người dân (đặc biệt là đồng bào DTTS) trên địa bàn thời gian tới sẽ ngày một được nâng cao, qua đó góp phần giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo qua từng năm.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.