Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Bắc Hà (Lào Cai): Khi vai trò Người có uy tín được phát huy

Tráng Xuân Cường - 08:17, 28/05/2021

Gương mẫu, đi đầu trong áp dụng khoa học công nghệ, phát triển mô hình kinh tế mới hiệu quả, vận động, hỗ trợ bà con làm theo; tuyên truyền đồng bào đẩy lùi hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hoá mới; chăm lo khuyến học- khuyến tài... Đó là những việc làm thiết thực của đội ngũ các già làng, Người có uy tín ở huyện vùng cao Bắc Hà . Họ chính là những “cây đại thụ” tỏa bóng mát che cho dân làng.

Đội ngũ những Người có uy tín có nhiều đóng góp trong xây dựng vùng cao Bắc Hà ngày càng phát triển.
Đội ngũ những Người có uy tín có nhiều đóng góp cho sự phát triển của vùng cao Bắc Hà

Quan tâm, bồi dưỡng đội ngũ Người có uy tín

Bắc Hà là 1 trong 63 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, có 14 dân tộc anh em chung sống ở 146 thôn, bản, trong đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Phù Lá, La Chí…. Thời gian qua, Bắc Hà luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng, động viên Người có uy tín, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào DTTS sinh sống. Toàn huyện hiện có 185 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, chủ yếu là các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, nghệ nhân dân gian, trí thức về hưu, người sản xuất giỏi...

Ông Chấu Seo Xẻng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bắc Hà cho biết: Hằng năm, Phòng Dân tộc huyện chủ động phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc huyện và các ban, ngành chức năng tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động, cập nhật kiến thức pháp luật cho Người có uy tín để họ nắm bắt, triển khai đến cộng đồng dân cư. Tổ chức cho Người có uy tín đi tham quan, học tập các mô hình về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở các địa phương trong và ngoài huyện. Bên cạnh đó, tổ chức gặp mặt, biểu dương, khen thưởng, động viên Người có uy tín phát huy vai trò, tiếng nói của mình trong cộng đồng.

Từ sự quan tâm, bồi dưỡng của các ngành, các cấp, Người có uy tín trên địa bàn huyện đã phát huy tốt vai trò là "cầu nối" giữa cấp ủy, chính quyền và Nhân dân; trở thành hạt nhân tiêu biểu, gương mẫu trong công tác tuyên truyền, vận động, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, an ninh, quốc phòng tại địa phương. Trong đó, vai trò nổi bật nhất là bài trừ các hủ tục, tệ nạn xã hội; đấu tranh chống truyền đạo trái pháp luật; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Vài năm gần đây, huyện Bắc Hà đã khôi phục, phát huy nhiều lễ hội văn hóa truyền thống phục vụ du lịch như: Lễ hội Xuống đồng, Lễ hội Đền Bắc Hà, Lễ hội Say Sán, Nghi lễ Nhảy lửa, cấp sắc…

Những hạt nhân tiêu biểu

Điển hình trong đội ngũ Người có uy tín ở Bắc Hà có ông Tráng A Vu, dân tộc Mông ở bản Tả Van Chư, xã Tả Van Chư. Ông Tráng A Vu đã cùng ông Tráng A Pao (Trưởng dòng tộc họ Tráng, Nguyên ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội) đứng ra thành lập Chi hội dòng họ Tráng khuyến học ở huyện Bắc Hà. 

Với truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học, trước khi Chi hội dòng họ Tráng khuyến học tiêu biểu huyện Bắc Hà chính thức được thành lập, dòng họ Tráng người Mông xã Tả Van Chư đã vinh dự được tặng Bằng khen "Dòng họ Tráng hiếu học tiêu biểu toàn quốc" năm 2007.

Năm 2015, ông Tráng A Pao qua đời, ông Tráng A Vu thay ông Tráng A Pao gánh vác vai trò, nhiệm vụ Chi hội trưởng. 

Ông Tráng A Vu , Người có uy tín tiêu biểu ở xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà.
Ông Tráng A Vu , Người có uy tín tiêu biểu ở xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà.

Hiện nay, Chi hội dòng họ Tráng khuyến học tiêu biểu, đã mở rộng thành viên ra ra toàn tỉnh Lào Cai và các tỉnh khác như Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, với trên 500 gia đình là anh em, họ hàng dòng họ Tráng tham gia. 

 Ông Tráng A Vu chia sẻ: Dòng họ Tráng có truyền thống cách mạng, hiếu học. Các gia đình luôn cố gắng lao động sản xuất và kinh doanh để nuôi con học tập, mai này có cuộc sống ấm no, thành đạt. "Tôi đứng ra vận động, tổ chức thành lập Chi hội khuyến học dòng họ Tráng nhằm giúp anh em, họ hàng trao đổi kinh nghiệm nuôi con học tập, vận động xây dựng quỹ giúp đỡ con em hộ nghèo có cơ hội học tập. Bên cạnh đó, còn là nguồn khen thưởng, động viên các con, cháu học tập giỏi, tu dưỡng đạo đức tốt, phấn đấu lập nghiệp, góp phần xây dựng quê hương”.

Ngoài ông Tráng A Vu, tại vùng cao Bắc Hà còn có  ông Vàng Văn Thỉ, dân tộc Tày, sinh năm 1957, ở thôn Na Kim, xã Tà Chải. Ông Thỉ là người đi đầu trong phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để trồng cây ăn quả áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Ông Vàng Văn Thỉ cũng tích cực vận động, truyền đạt kinh nghiệm trồng cây cho bà con để người dân thay đổi tư duy, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Nhờ có vai trò của ông Thỉ, người dân thôn Na Kim và xã Tả Chải đã trồng cây mận tam hoa, đào Pháp, lê và xen canh những luống rau xanh dưới gốc cây ăn quả.

Ông Vàng Văn Thỉ (người đứng thứ hai từ phải sang trái)- chia sẻ kinh nghiệm trồng đào Pháp.
Ông Vàng Văn Thỉ (người đứng thứ hai từ phải sang trái)- chia sẻ kinh nghiệm trồng đào Pháp.

Trưởng thôn Na Kim Lý Diệp Sung tự hào nói: "Người dân trong thôn có được cuộc sống ấm no phần lớn dựa vào trồng cây ăn quả đặc sản. Nhà ông Thỉ trồng cây ăn quả trước, các hộ thấy hiệu quả đều làm theo. Trong 2 - 3 vụ gần đây, khi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào chăm sóc cây trồng thì đồi lê, mận, đào Pháp cho năng suất rất cao”.

Có thể khẳng định, nhờ phát huy vai trò Người có uy tín mà huyện vùng cao Bắc Hà luôn được bình yên, đời sống của đồng bào DTTS từng bước cải thiện, nâng cao; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cùng với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) và sự chung tay góp sức của đội ngũ Người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình; huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống đồng bào từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng thiết yếu đã có nhiều khởi sắc.