Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Bắc Kạn: Đánh thức tiềm năng, mở lối trồng dược liệu theo công nghệ cao

Minh Nhật - 16:49, 21/07/2024

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn phê duyệt triển khai Đề án đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý tại huyện Ba Bể. Đây là lần đầu tiên địa phương này triển khai một dự án trồng dược liệu quy mô lớn nhằm đánh thức tiềm năng đã nhiều năm chưa được khai phá.

Dự án bắt đầu trồng 7ha cây cà gai leo tại xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể
Dự án bắt đầu trồng 7ha cây cà gai leo tại xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể

Dự án sử dụng nguồn vốn chủ yếu từ doanh nghiệp, người dân và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với tổng mức đầu tư hơn 220 tỷ đồng.

Dự án đầu tư phát triển vùng trồng tập trung cho 18 loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao; đầu tư phát triển các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu quý có quy mô từ nhỏ đến lớn, từ sơ chế, chế biến truyền thống đến ứng dụng công nghệ cao chế biến sâu để cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ các sản phẩm dược liệu địa phương theo chuỗi liên kết đạt tiêu chuẩn, phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, diện tích triển khai dự án là 225ha tại các xã Đồng Phúc, Hoàng Trĩ, Quảng Khê, Mỹ Phương, Yến Dương, Thượng Giáo, Cao Thượng, Chu Hương thuộc huyện Ba Bể.

Trong tổng vốn đầu tư, vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hơn 68 tỷ đồng (chiếm 29,99%), sẽ thực hiện hỗ trợ các nội dung về thuê môi trường rừng để triển khai dự án, mua bản quyền công nghệ; hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, thu hái, sơ chế và chế biến dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO; hỗ trợ đầu tư vùng trồng ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ đầu tư hạ tầng vùng nguyên liệu; hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến và sản xuất dược liệu; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động tại chỗ; hỗ trợ quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn cho vùng trồng dược liệu quý.

Đây cũng là lần đầu tiên Bắc Kạn triển khai một dự án dược liệu có sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp, người dân cho đến đơn vị tiêu thụ.

Theo đó, chủ trì liên kết là Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thương mại Đông Nam Việt. Đơn vị thực hiện dự án là Công ty Cổ phần dược liệu quý DONAVI Bắc Kạn. Đối tác triển khai và tiêu thụ sản phẩm là Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ Hamint; Công ty Cổ phần Phát triển Nông Lâm Nghiệp và Môi trường Việt Nam.

Đối tác khoa học, công nghệ, tư vấn là Viện Lâm nghiệp và Phát triển bền vững. Đối tác trồng trọt và sơ chế dược liệu tại chỗ là Hợp tác xã Tạ Anh; Hợp tác xã Yến Dương; Hợp tác xã Nông nghiệp Tổng hợp Cao Thượng; Hợp tác xã Nông nghiệp Du lịch và Dịch vụ Thượng Giáo; Tổ hợp tác Nông lâm nghiệp Nà Săm, Thượng Giáo; Tổ hợp tác Phja Khao xã Thượng Giáo; Tổ hợp tác Nông lâm nghiệp Chu Hương.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, mục tiêu cụ thể của dự án là triển khai được 70ha dược liệu sản xuất thành vùng tập trung có ứng dụng công nghệ cao; trồng mới được 150ha cho 18 loài cây dược liệu quý của địa phương có giá trị kinh tế cao đạt tiêu chuẩn GACP-WHO; hình thành được ít nhất 10 Hợp tác xã sản xuất và sơ chế dược liệu; xây dựng nhà máy chế biến và sản xuất dược liệu ứng dụng công nghệ chế biến cao đạt tiêu chuẩn GMP-WHO có khả năng xuất khẩu nguyên liệu và chế biến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe với diện tích 5ha…

Bắc Kạn là địa phương có tiềm năng lớn về cây dược liệu. (Trong ảnh: Thành viên Hợp tác xã Quỳnh Trang, huyện Chợ Đồn chăm sóc cây cát sâm)
Bắc Kạn là địa phương có tiềm năng lớn về cây dược liệu. (Trong ảnh: Thành viên Hợp tác xã Quỳnh Trang, huyện Chợ Đồn chăm sóc cây cát sâm)

Dự án sẽ mua bản quyền các công nghệ thuộc dự án, gồm 21 bản quyền, bao gồm 18 quy trình của 18 loài dược liệu xác định thực hiện trồng của Dự án và 3 quy trình công nghệ, chế biến, sản xuất dược liệu đạt GMP.

Các quy trình được mua để nuôi trồng các loại dược liệu, như: ba kích; bách bộ; bảy lá một hoa; bình vôi; cà gai leo; cúc hoa vàng; đinh lăng; dong riềng đỏ; hà thủ ô…

Ngoài ra, còn có 3 quy trình về công nghệ cất tinh dầu; công nghệ chiết xuất dược liệu; công nghệ sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe dạng viên nén, viên nang cứng.

Đầu ra của sản phẩm được Bắc Kạn xác định quảng bá trong nước và ngoài nước, đối với hoạt động xuất khẩu tập trung một số thị trường chủ lực như Trung Quốc, Nhật Bản.

Việc phê duyệt và triển khai dự án này được coi như động lực phát triển tiềm năng dược liệu cho Bắc Kạn. Đặc biệt khi vùng trồng, chế biến của dự án nằm sát với hồ Ba Bể, danh thắng đang được Bắc Kạn tập trung nguồn lực đầu tư phát triển du lịch trong thời gian qua.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.