Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Bắc Ninh: Lấy công dân số làm nền tảng chuyển đổi số bền vững

Xuân Hải - Vân Khánh - 11:30, 07/09/2022

Tại Hội nghị Chuyển đổi số Bắc Ninh do UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức chiều ngày 6/9, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: “Chuyển đổi số phải bắt đầu từ công dân số, do đó phải xây dựng lớp công dân số mới nhằm đảm bảo hiệu quả của chuyển đổi số mang tính bền vững lâu dài, toàn diện và đồng bộ”.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nghi thức khai trương phần mềm tiếp nhận kiến nghị, phản ánh trên thiết bị di động
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nghi thức khai trương phần mềm tiếp nhận kiến nghị, phản ánh trên thiết bị di động

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và đại diện các Sở, ban, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Mở đầu Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nghi thức Khai trương phần mềm Phản ánh kiến nghị trên thiết bị di động đã được triển khai hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh.

Đứng trước xu thế chuyển đổi số diễn ra trên thế giới và tại Việt Nam, BCH Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã xác định một trong ba giải pháp đột phá chiến lược giai đoạn 2021-2025 là việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ phù hợp với quá trình chuyển đổi số. Tính đến thời điểm ngày 30/8/2022, đã có 3.334.900 văn bản điện tử được trao đổi thông qua hệ thống đạt trên 90%. Tỷ lệ ký số và tạo lập hồ sơ công việc có ký số trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh (91.2%) và cấp huyện (92.5%), cấp xã (96%) đạt trên 90%, hoàn thành sớm chỉ tiêu Nghị quyết 17 của Chính phủ.

Chuyển đổi số bước đầu đã có những đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh; tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; nâng cao chỉ số xếp hạng năng lực quản trị điều hành cấp tỉnh – năm 2021 tăng 3 hạng thứ bậc, đứng thứ 7 trên tổng số 64 tỉnh thành trong cả nước; chỉ số ứng dụng CNTT 2021 chỉ số chuyển đổi số (DTI) đứng thứ 4/63 tỉnh, thành; chỉ số SIPAS đạt tỷ lệ 90,09%, đứng thứ 7 cả nước, tăng 0,4% và tăng 02 bậc so với năm 2020).

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Bắc Ninh đã xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai chính quyền số, triển khai phần mềm phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại Hội nghị
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại Hội nghị

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cho rằng, chuyển đổi số phải bắt đầu từ công dân số, do đó phải xây dựng lớp công dân số mới nhằm bảo đảm hiệu quả của chuyển đổi số bền vững lâu dài. Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu quá trình chuyển đổi số phải diễn ra toàn diện, đồng bộ từ cấp tỉnh, đến cấp xã; phải đo lường được quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh giao Sở Thông tin và Truyền thông (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) tham mưu Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm về chuyển đổi số theo từng tháng, quý, năm; theo dõi, đôn đốc việc triển khai chuyển đổi số tại các sở, ngành, địa phương; xây dựng chỉ số đánh giá xếp hạng quá trình chuyển đổi số các sở ngành, địa phương; rà soát, đánh giá thực trạng, hiệu quả tất cả các dự án công nghệ thông tin, đảm bảo khả năng tích hợp, chia sẻ, khai tác tối đa hiệu quả dữ liệu dùng chung.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT trình bày chuyên đề chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, chỉ số đánh giá chuyển đổi số Bắc Ninh năm 2021 xếp thứ 4 toàn quốc. Trong đó, chính quyền số xếp thứ 4, kinh tế số xếp thứ 6, xã hội số xếp thứ 6. Tỉnh Bắc Ninh đã bước đầu làm tốt về vấn đề nhận thức số, đã tham gia kênh truyền thông chuyển đổi số quốc gia trên zalo, xây dựng nguồn nhân lực số, an toàn thông tin mạng và phát triển chính quyền số.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ TT&TT đã trình bày thực trạng, giải pháp để Bắc Ninh xây dựng 3 trụ cột của chuyển đổi số là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; đồng thời đưa ra những khuyến nghị, cảnh báo trong thực hiện chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới.

Hội nghị cũng được nghe ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh trình bày những vấn đề cốt lõi của Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch Hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TU; Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thành Phúc trình bày chuyên đề về an toàn thông tin và những giải pháp đảm bảo an toàn thông tin đối với tỉnh Bắc Ninh.

Thông qua Hội nghị, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh Bắc Ninh đã có cái nhìn toàn diện và nhận thức được tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, góp phần đổi mới tư duy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tính năng động, tiên phong của lãnh đạo của các cấp từ huyện đến xã, thị trấn, các phòng, ban, ngành trong thực hiện chuyển đổi số, từ đó, triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số tại địa phương, đơn vị mình.

Tin cùng chuyên mục
Chuyển đổi số ở các bản làng vùng DTTS Quảng Ninh

Chuyển đổi số ở các bản làng vùng DTTS Quảng Ninh

Đến nay không chỉ ở thành thị, mà người dân ở các thôn, bản vùng cao, vùng DTTS tỉnh Quảng Ninh cũng đã nắm bắt thời cơ, bắt nhịp chuyển đổi số để trở thành những "công dân số". Nhờ đó, người dân tiếp cận các chính sách dân tộc nhanh chóng; đồng thời ứng dụng hiệu quả trong đời sống xã hội và trong lao động, sản xuất