Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Bắc Quang (Hà Giang): Công ty TNHH Xuân Thiện Hà Giang có dấu hiệu khai thác trái phép, khối lượng lớn tài nguyên khoáng sản

Nguyễn Kiều - 21:52, 01/03/2022

Thời gian gần đây, người dân khu vực xã Quang Minh, huyện Bắc Quang (Hà Giang) liên tục phản ánh về việc Công ty TNHH Xuân Thiện Hà Giang có dấu hiệu khai thác trái phép khối lượng lớn tài nguyên cát, sỏi trên sông Lô, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân nơi đây.

Dự án Thủy điện Sông Lô 5
Dự án Thủy điện Sông Lô 5

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã tới địa phương để xác minh thông tin trên.

Khai thác tài nguyên theo kiểu “sống gấp”

Theo ghi nhận của phóng viên tại thực địa, giữa dòng sông Lô, thuộc khu vực thôn Lung Cu, xã Quang Minh, Công ty TNHH Xuân Thiện Hà Giang đang dùng 1 máy xúc cỡ lớn, vục gầu, quốc, đào xuống, múc cát sỏi rồi đổ lên thùng các xe tải. Từ khu vực trên, chiếc máy xúc liên tục hoạt động hết công xuất, múc, ngoạm, bổ xuống dòng sông để lấy cát sỏi. Phía trên bờ, những chiếc xe tải nối đuôi nhau chờ đến lượt vào lấy hàng.

Người dân thôn Lung Cu, phản ánh với phóng viên khi thấy doanh nghiệp khai thác vận chuyển cát sỏi gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ sạt lở bờ sông
Người dân thôn Lung Cu, phản ánh với phóng viên khi thấy doanh nghiệp khai thác vận chuyển cát sỏi gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ sạt lở bờ sông

Bám theo những chiếc xe trên, chúng tôi được “mục sở thị”, từ vị trí khai thác ở xóm Lung Cu, những chiếc xe này chất trên thùng đầy cát, sỏi rồi đua nhau liên tục chở hàng về khu vực xây dựng Dự án Thủy điện Sông Lô 5. Họ vận chuyển vội vã, làm rơi vãi đất cát khiến tuyến Đường 279 luôn ngập trong bùn đất.

Trao đổi với chúng tôi, anh N.V.Q. người dân thôn Lung Cu lo lắng nói: Đơn vị xây dựng Dự án Thủy điện Sông Lô 5 khai thác cát sỏi ở thôn chúng tôi từ khoảng tháng 11/2021. Sau khi thấy đơn vị này khai thác vận chuyển cát sỏi gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ sạt lở bờ sông, bà con chúng tôi đã phản ánh đến chính quyền địa phương. Lúc đầu thì họ ngừng hoạt động, nhưng chỉ được một thời gian sau đó họ lại tiếp tục khai thác.

"Tôi rất lo lắng, khi Công ty TNHH Xuân Thiện Hà Giang liên tục dùng máy móc, phương tiên đào xới, khai thác để lấy cát sỏi dưới sông như vậy! Họ khai thác theo kiểu “sống gấp”, lấy cho bằng được không cần để ý đến môi trường hay bà con chúng tôi nơi đây. Tôi sợ rằng cứ đà này, chẳng mấy hai bên bờ dòng sông sẽ bị sạt lở. Người dân chúng tôi cũng không biết phải di dời đi nơi đâu sinh sống?", anh N.V.Q. lo lắng.

Máy xúc của Công ty TNHH Xuân Thiện Hà Giang, liên tục hoạt động hết công suất, múc, ngoạm, bổ xuống dòng sông để lấy cát sỏi
Máy xúc của Công ty TNHH Xuân Thiện Hà Giang, liên tục hoạt động hết công suất, múc, ngoạm, bổ xuống dòng sông để lấy cát sỏi

Chưa được cấp phép đã vội vã khai thác tài nguyên

Để rõ hơn về nội dung trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với cán bộ quản lý dự án của Công ty TNHH Xuân Thiện Hà Giang. Vị này chia sẻ: Hiện tại Công ty Xuân Thiện đã làm hợp đồng mua bán vật liệu với Công ty TNHH và Xây dựng Long Anh. Khu vực đang khai thác ở thôn Lung Cu,  Công ty đang làm thủ tục xin tận thu cát sỏi để làm vật liệu.

Biên bản kiểm tra của cơ quan Công an chỉ rõ Công ty TNHH Xuân Thiện Hà Giang chưa có văn bản của UBND tỉnh Hà Giang cho phép khai thác tận thu khoáng sản
Biên bản kiểm tra của cơ quan Công an chỉ rõ Công ty TNHH Xuân Thiện Hà Giang chưa có văn bản của UBND tỉnh Hà Giang cho phép khai thác tận thu khoáng sản

Để có thông tin khách quan, đa chiều, ngày 24/2, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND xã Quang Minh - ông Nguyễn Khánh Dư. Ông Dư cho biết: Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân về việc, Công ty TNHH Xuân Thiện Hà Giang khai thác cát sỏi khu vực thôn Lung Cu, UBND xã đã cử cán bộ xuống kiểm tra, lập biên bản. 

Trong quá trình kiểm tra, phía Công ty TNHH Xuân Thiện cho biết, khu vực họ khai thác nằm trong hạng mục cải tạo hạ lưu của Dự án Thủy điện Sông Lô 5. Hiện Công ty đang làm thủ tục để xin tận thu vật liệu, tuy nhiên chưa có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh Hà Giang.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010, thì khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường bao gồm: Cát các loại; đất sét làm gạch, ngói; đá các loại; cuội, sỏi, sạn…

Tại Điều 14 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 5/2/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương quy định:

Điều 1. Bổ sung Khoản 11 Điều 9 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP... chỉ rõ: Điều kiện kinh doanh khoáng sản: Thương nhân chỉ được kinh doanh khoáng sản có nguồn gốc hợp pháp. Khoáng sản có nguồn gốc hợp pháp là khoáng sản có nguồn gốc, xuất xứ thuộc một trong các trường hợp sau: Được khai thác hoặc khai thác tận thu từ các mỏ, điểm mỏ, bãi thải trong thời hạn Giấy phép khai thác, Giấy phép khai thác tận thu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp còn hiệu lực.

Như vậy có thể thấy, việc Công ty TNHH Xuân Thiện Hà Giang khai thác khoáng sản tại khu vực trên là có thật. Và, việc Công ty khai thác khối lượng lớn tài nguyên khoáng sản, trong thời gian dài khi chưa được sự chấp thuận của UBND tỉnh Hà Giang là trái phái luật.

Xe vận chuyển cát, sỏi gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân
Xe vận chuyển cát, sỏi gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân

Thiết nghĩ, chính quyền tỉnh Hà Giang cần khẩn trương vào cuộc làm rõ sự việc, không để doanh nghiệp lợi dụng dự án khai thác trái phép tài nguyên, gây ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân và thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc và thông tin đến bạn đọc.

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.