Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Điểm tựa của người lao động

Hoàng Quý - 21:43, 09/07/2020

Không có nguồn thu nhập ổn định, không nơi nương tựa… là những rủi ro, thiệt thòi của người lao động tự do khi về già. Hiểu được điều này, không ít người đã lựa chọn tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện để được hưởng trợ cấp, có lương hưu, ổn định cuộc sống...

Tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện ngày càng cao.
Tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện ngày càng cao.

Hơn 4 tháng nay, bà Nguyễn Thị Hoa (huyện Bảo Yên, Lào Cai) rất vui mừng vì đã nhận được lương hưu từ BHXH. Ở cái tuổi 57, khi sức khỏe ngày càng kém, công việc kinh doanh ngày càng khó khăn thì đây là một khoản thu nhập ổn định đối với bà Hoa lúc tuổi già.

Bà Hoa chia sẻ: “Trước đây, tôi có 1 gian hàng kinh doanh quần áo ở chợ, công việc vất vả, thức khuya dậy sớm khiến sức khỏe của tôi ngày một yếu đi, chính vì thế tôi đã quyết định tham gia BHXH. Đến nay, tôi đã đóng bảo hiểm được gần 10 năm, mỗi lần đóng theo quý, mỗi quý hơn 600 ngàn đồng. Ngoài tham gia BHXH tự nguyện, tôi còn tham gia BHYT hộ gia đình. Việc tham gia bảo hiểm tự nguyện là rất có lợi cho cuộc sống của mỗi người”.

Hay như anh Nguyễn Văn Minh (huyện Văn Bàn, Lào Cai) làm nghề lao động tự do, anh đã nỗ lực chịu khó buôn bán để gia đình có cuộc sống ổn định. Thế nhưng theo anh Minh, cuộc sống có nhiều biến cố, không lường hết được điều gì sẽ xảy ra, một ngày nào đó sức khỏe yếu đi, không còn đủ khả năng lao động để nuôi sống bản thân và gia đình thì không biết phải làm sao. Hiểu được điều này, anh đã lựa chọn hình thức tham gia BHXH, BHYT tự nguyện để ổn định cuộc sống lâu dài. Mới đây, anh phải phẫu thuật mổ khối u, khi bị bệnh, anh cảm thấy sự hữu ích thực sự khi tham gia BHXH tự nguyện.

Năm 2019, cả nước có gần 297 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 107,1% so với năm 2018. Với mức tham gia thấp nhất, chỉ hơn 100.000 đồng/tháng, khi tới tuổi nghỉ hưu, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ nhận lương hưu hằng tháng cao gấp hơn 4 lần so với mức đóng. Năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện bằng cả giai đoạn 2008 - 2018.

Mặc dù, BHXH tự nguyện hiện nay chỉ có hai chế độ là hưu trí và tử tuất, nhưng loại hình này vẫn được coi là sự lựa chọn đúng đắn đối với những người lao động tự do, công việc không ổn định. Nhằm bảo đảm chính sách an sinh cho nhóm đối tượng này, nhiều địa phương đã có các phương thức để hỗ trợ, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Tại tỉnh Yên Bái, thời gian qua, BHXH tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: Giao chỉ tiêu phát triển đối tượng đến từng cán bộ, từng đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; Tăng cường mở rộng và nâng cao chất lượng mạng lưới đại lý thu trên địa bàn huyện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền…

Sau nhiều năm làm đại lý, chị Phạm Thị Thanh Tuyên, đại lý thu BHXH thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên (Yên Bái) chia sẻ: “Người dân giờ đã hiểu rõ ý nghĩa, quyền lợi của chính sách BHXH mang lại nên việc tuyên truyền của chúng tôi đã dễ dàng hơn. Còn đối với chính sách BHXH tự nguyện, do thời gian đóng bảo hiểm kéo dài nên khi tuyên truyền, tôi phải khéo léo giúp đối tượng của mình vừa hiểu được chính sách, nhưng cũng có những dẫn chứng cụ thể để mọi người tin tưởng.

Theo ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, thực tiễn cho thấy, chính sách BHXH tự nguyện là một chính sách ưu việt của Nhà nước ta. Chỉ cần là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên (không giới hạn trần tuổi) đều được tham gia BHXH tự nguyện. Phương thức đóng thì đa dạng, linh hoạt, người dân có thể đóng 12 tháng một lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau (tối đa 5 năm); và đóng một lần cho những năm còn thiếu…