Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030

T.Hợp - 09:05, 25/12/2021

Bộ VHTTDL vừa ban hành Quyết định 3404/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030”.

Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch
Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số là các loại hình diễn xướng dân gian được hình thành trong đời sống lao động, tình cảm, tín ngưỡng tôn giáo và các sinh hoạt cộng đồng dân tộc thiểu số. Dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc rất đa dạng, phong phú với nhiều cách phân loại. Mỗi khu vực, vùng, miền có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú mang bản sắc văn hóa riêng; mỗi dân tộc (nhóm, ngành dân tộc địa phương) đều có loại hình diễn xướng dân gian đặc trưng riêng.

Đề án hướng tới mục tiêu giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số; nâng cao nhận thức và lòng tự hào, ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống dân tộc; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân. Đồng thời, tổ chức xây dựng, khai thác tốt các loại hình du lịch đặc trưng, phù hợp với đặc điểm văn hóa cộng đồng, mở rộng ngành kinh tế phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại các địa phương.

Mục tiêu cụ thể của Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch được chia ra hai giai đoạn.

Giai đoạn 2021 – 2025: Kiểm kê và cập nhật kiểm kê hàng năm nhằm đánh giá thực trạng sức sống và phân loại; lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian gồm dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số; có 70% di sản thuộc loại hình này được đưa vào Danh mục quốc gia.

Các nghệ nhân về lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nói chung và loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số nói riêng được hưởng chính sách hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; Phấn đấu 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; 40% các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số được hỗ trợ bảo tồn, phục dựng gắn với phát triển du lịch; Hỗ trợ thí điểm 500 mô hình Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ hoạt động hiệu quả phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương; Các khu, điểm du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số duy trì hoạt động ít nhất 01 Câu lạc bộ/đội văn nghệ phục vụ phát triển du lịch.

Phấn đấu 70% các công chức, viên chức văn hóa, nghệ nhân, người có uy tín được tập huấn, bồi dưỡng về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; Phấn đấu có 400 nghệ nhân là người dân tộc thiểu số được quan tâm, hỗ trợ xây dựng hồ sơ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú; Tổ chức các họat động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, đẩy mạnh quảng bá giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc trong nước và quốc tế; 100% các trường dân tộc nội trú và các cấp trường tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số đưa loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc vào hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức ngày hội, giao lưu cho học sinh; Nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hoá và xây dựng cơ sở dữ liệu số về dân ca, dân vũ dân nhạc các dân tộc thiểu số để lưu trữ và phát huy, xúc tiến, giới thiệu, quảng bá hình ảnh của di sản góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

Giai đoạn 2026 - 2030: Hoàn thành công tác kiểm kê, đánh giá, phân loại và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số; Phấn đấu 100% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; Có từ 70 - 80% các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc được hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và các giá trị tiêu biểu được khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch.

Phấn đấu có từ 800 mô hình bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho cộng đồng và tạo sản phẩm du lịch đặc thù từ di sản văn hóa; Có từ 60% các di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số được xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;

Phấn đấu từ 90% các công chức, viên chức văn hóa, các nghệ nhân, người uy tín được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; Phấn đấu có 600 nghệ nhân là người dân tộc thiểu số được quan tâm xây dựng hồ sơ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú;

Tổ chức định kỳ các hoạt động Liên hoan, Giao lưu, Hội thi văn hóa dân gian phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, khu vực; quảng bá giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc trong nước và quốc tế; Từ 80% di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến dân ca, dân vũ, dân nhạc được tư liệu hóa lưu giữ và phổ biến đến cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Để thực hiện kế hoạch trên, đề án đã đề ra một số nhiệm vụ chủ yếu, gồm: Khảo sát, kiểm kê và lập danh mục loại hình di sản văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách cho các nghệ nhân, người tổ chức thực hành, trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho công chức văn hóa và các chủ thể văn hoá (nghệ nhân, người có uy tín...) trong công tác quản lý, gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số tại địa phương; tổ chức phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa một số loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc vào hoạt động giảng dạy và hoạt động giáo dục ngoại khóa tại các nhà trường…

Đề án thực hiện từ năm 2021 đến năm 2030 trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2021 đến 2025; giai đoạn 2 từ năm 2026 đến 2030 trên phạm vi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.

Tin cùng chuyên mục
Gia đình 7 đời làm nghề chạm bạc trên cao nguyên đá

Gia đình 7 đời làm nghề chạm bạc trên cao nguyên đá

Trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), thôn Lao Xa, xã Sủng Là là cái nôi của nghề chạm bạc truyền thống của người Mông. Đã từ rất lâu, không chỉ riêng người Mông, mà bất cứ ai muốn mua được một món đồ trang sức bằng bạc ưng ý, đều lên đường đến Lao Xa…