Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Bảo tồn, phát triển nghề dệt truyền thống ở Bắc Kạn

Minh Anh - 10:10, 25/02/2020

Triển khai nhiều dự án bảo tồn nghề dệt thủ công truyền thống; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm dệt tới du khách trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức trưng bày, triển lãm, động viên, khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy lại nghề cho thế hệ trẻ… là những giải pháp mà tỉnh Bắc Kạn đang tập trung thực hiện để phát huy giá trị nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Tày.

Các thành viên HTX dệt Yến Dương trình diễn nghề dệt truyền thống của dân tộc Tày
Các thành viên HTX dệt Yến Dương trình diễn nghề dệt truyền thống của dân tộc Tày

Xã Yến Dương, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Tày sinh sống. Theo phong tục của đồng bào Tày, trước đây, hầu như nhà nào cũng có một khung cửi dệt. Mọi đồ dùng từ váy, áo, gối, chăn và cả của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng đều làm từ vải tự dệt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đời sống hiện đại, những nghệ nhân dệt thổ cẩm của người Tày ngày càng ít đi, trong khi thế hệ trẻ lại ít người theo học, khiến nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày bị mai một, có nguy cơ thất truyền.

Nhằm gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, năm 2018, Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm xã Yến Dương được thành lập với 30 thành viên. Tại đây, các nghệ nhân vừa truyền dạy cho chị em trong xã, vừa tạo ra các sản phẩm bán ra thị trường và phục vụ khách du lịch.

Chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương cho biết: HTX được thành lập, với mong muốn quy tụ các nghệ nhân lại để truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, các sản phẩm của HTX không chỉ để bán phục vụ đời sống của bà con tại địa phương mà còn được bán tại các hội chợ, triển lãm xúc tiến du lịch để giới thiệu sản phẩm truyền thống của dân tộc mình.

“Hiện nay HTX đang xây dựng kế hoạch dạy nghề cho chị em phụ nữ, thanh niên, qua đó vừa gìn giữ được nghề truyền thống, vừa góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho bà con”, chị Ninh cho biết thêm.

Còn tại xã Nam Mẫu, nghề dệt thủ công truyền thống cũng luôn được chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng. Các sản phẩm dệt thủ công truyền thống được đồng bào bán tại bản văn hóa du lịch cộng đồng của người Tày ở bản Pác Ngòi; phục vụ khách du lịch thăm quan, trải nghiệm nghề dệt vải truyền thống và mua để làm quà lưu niệm đã góp phần lưu giữ nghề dệt truyền thống và mang lại giá trị kinh tế cho người dân nơi đây.

Theo ông Hà Văn Trường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư kinh phí, triển khai nhiều dự án nhằm bảo tồn nghề dệt thủ công truyền thống như: Dự án PAD về đào tạo lớp học dệt thủ công truyền thống; tích cực tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm dệt tới du khách trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các cuộc trưng bày, triển lãm; khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy lại nghề cho thế hệ trẻ; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống quý báu của nghề dệt thủ công truyền thống.

Thông qua các giải pháp, dự án không chỉ lưu giữ phát huy giá trị nghề dệt truyền thống của đồng bào Tày, mà còn góp phần quảng bá, giới thiệu về hình ảnh thiên nhiên, con người, tiềm năng và các sản phẩm của đồng bào các dân tộc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.