Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá hát Soọng cô của người Sán Dìu

Đức Bình - 11:06, 18/11/2023

Hát Soọng cô là một loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu, là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chính vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá hát Soọng cô những năm qua luôn được chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện duy trì và phát triển.

Nhiều mô hình bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể hát Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu được triển khai tại tỉnh Thái Nguyên
Nhiều mô hình bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể hát Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu được triển khai tại tỉnh Thái Nguyên


Trong tiếng Sán Dìu, thì ‘soọng’ có nghĩa là hát, còn ‘cô’ là ca. Soọng cô là lối hát đối đáp nam, nữ với những lời thơ trữ tình, giàu tình cảm, là tiếng hát ca ngợi đôi lứa để tỏ tình. Chính vì thế mà lời ca và giai điệu của Soọng cô rất mềm mại, đầy sức lan tỏa, diễn tả tâm tư, tình cảm của người hát; lối hát tự nhiên, không sử dụng nhạc cụ hỗ trợ, nhưng mượt mà làm say đắm lòng người. Không những thế, hát Soọng cô còn biểu hiện tinh thần và trí tuệ của người dân tộc Sán Dìu trong sinh hoạt văn hóa tinh thần, nên hát có lề lối, khuôn phép nhất định.

Là một loại hình xướng ca đặc sắc trong kho tàng văn nghệ dân gian, được truyền miệng và lưu giữ hàng trăm năm nay của người Sán Dìu. Năm 2015, hát Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của riêng đồng bào Sán Dìu, mà của Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.

Một CLB hát Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu
Một CLB hát Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu

Nghệ nhân Ưu tú Diệp Minh Tài, 78 tuổi, ở thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, là một trong những người đã khôi phục, gìn giữ và lưu truyền rộng rãi nét đẹp câu hát Soọng cô trong đồng bào dân tộc Sán Dìu huyện Đồng Hỷ.

Ông đã dành thời gian trong suốt 15 năm để tìm kiếm hơn 1.000 bài hát Soọng cô và hàng chục cuốn sách về phong tục, tập quán của dân tộc Sán Dìu viết bằng chữ Hán cổ, rồi dịch sang tiếng dân tộc Sán Dìu và tiếng phổ thông.

Từ những đóng góp của ông, năm 2011, chính quyền địa phương đã quyết định thành lập Câu lạc bộ hát Soọng cô Tam Thái. Đây cũng là Câu lạc bộ hát Soọng cô đầu tiên của đồng bào dân tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Cũng nhờ đó mà hát Soọng cô đã lan tỏa và trở thành một phong trào. Nhiều câu lạc bộ hát Soọng được thành lập, đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, các khu đô thị, khu dân cư mới đã mọc lên khiến cho không gian nông thôn, làng quê dần thay đổi. Thế nhưng đồng bào dân tộc Sán Dìu tổ dân phố Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng vẫn duy trì Câu lạc bộ hát Soọng cô dù không có kinh phí hoạt động, trong đó có nhiều thành viên trẻ tuổi.

Ông Thẩm Dịch Thọ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Soọng Cô tổ dân phố Tam Thái cho biết: “Hát Soọng cô là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu, là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên chúng tôi phải gìn giữ, trao truyền cho thế hệ sau để xã hội có phát triển đến thế nào, đi đến đâu thì chúng tôi vẫn là mình với bản sắc, văn hóa riêng có”.

Nghệ nhân hát Soọng cô truyền dạy kỹ năng cho thế hệ trẻ
Nghệ nhân hát Soọng cô truyền dạy kỹ năng cho thế hệ trẻ

Những năm gần đây Đảng, Nhà nước đã có nhiều quan tâm thiết thực tới nét đẹp văn hóa hát Soọng cô. Nhất là khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1: 2021-2025 đã dành riêng một dự án (Dự án 6) để bảo tồn và phát huy các giá trị văn háo truyền thống các DTTS, loại hình hát Soọng cô càng được quan tâm bảo tồn, phát triển.

Để triển khai hiệu quả nội dung Chương trình, cụ thể với hát Soọng cô, huyện Đồng Hỷ đã triển khai Đề án “Bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị di sản văn hóa, danh thắng, làng nghề và du lịch huyện Đồng Hỷ, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035”.

Theo nội dung Đề án, địa phương sẽ tổ chức lớp truyền dạy thực hành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát Soọng cô cho con em đồng bào dân tộc Sán Dìu. Theo đó, thế hệ trẻ sẽ được truyền dạy kỹ thuật trình diễn, luyện giọng, âm điệu; kỹ năng hát đối đáp giao duyên; nghệ thuật sáng tác vần điệu trên nền cổ, rèn luyện khả năng ứng đối trong các cuộc hát.

Từ đó, góp phần giúp giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát Soọng cô được bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị. 

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.