Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bản sắc và Hội nhập

Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Lai Châu: Khắc phục hạn chế, khai thác hiệu quả tiềm năng (Bài 2)

Trọng Bảo - 18:33, 26/09/2021

Như chúng tôi đã đề cập ở số báo trước, với những tiềm năng, thế mạnh, cùng với bước đi đúng, du lịch Lai Châu đang đạt được những kết quả bước đầu. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, cải thiện thu nhập cho chính người dân ở các thôn bản. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, du lịch tỉnh Lai Châu cần khắc phục những hạn chế ; cấp ủy, chính quyền địa phương cần có thêm những chính sách, nguồn lực đầu tư để có sự phát triển bền vững.

Khám phá văn hóa đồng bào các dân tộc luôn có sức hút với du khách trong và ngoài nước
Khám phá văn hóa đồng bào các dân tộc luôn có sức hút với du khách trong và ngoài nước

Khó khăn nội tại

Lai Châu là tỉnh khó khăn nhất vùng Tây Bắc, chính vì vậy, cơ sở hạ tầng của địa phương còn nhiều hạn chế. Phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS được tỉnh định hướng gắn với loại hình du lịch cộng đồng . Tuy nhiên, hầu hết các điểm bản đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, việc đầu tư khai thác các giá trị tài nguyên trên địa bàn để phát triển du lịch còn rất hạn chế. 

Đặc biệt là, hệ thống đường giao thông của một số địa phương vẫn còn chưa hoàn thiện hoặc đã xuống cấp dẫn tới việc khó tiếp cận với điểm du lịch (các điểm Sin Suối Hồ, Sì Thâu Chải, Lao Chải 1..). Một yếu tố quan trọng khác là, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch còn rất nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp…

Tại Hội thảo đánh giá kết quả khảo sát sản phẩm du lịch được UBND tỉnh Lai Châu tổ chức vào tháng 6/2021 vừa qua, với sự tham gia của gần 100 chuyên gia, cán bộ và doanh nghiệp du lịch trên cả nước, đã ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết cho sự phát triển du lịch của tỉnh. Trong đó, tập trung vào những hạn chế, khó khăn của du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.

Ông Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch phiêu lưu cùng Mr Linh (Hà Nội) cho rằng: Lai Châu cần tìm một sản phẩm cốt lõi để tạo điểm nhấn nhằm thu hút khách du lịch. Qua khảo sát thực tế, các điểm du lịch còn thiếu nhiều biển chỉ dẫn, để khách du lịch lẻ dễ dàng tìm đến. Chợ đêm San Thàng (TP. Lai Châu diễn ra vào tối thứ Bảy hàng tuần) cần được duy trì, và huy động đông đảo người dân địa phương tham gia để tạo sự lan tỏa đến với khách du lịch trên cả nước. Cùng với đó, tỉnh cần xây dựng thêm những sản phẩm du lịch như thêu dệt vải, nghề chạm bạc của dân tộc Mông để tạo thành sản phẩm thu hút khách du lịch…

“Nếu giải quyết được những vấn đề này, mỗi năm Công ty chúng tôi có thể đưa khoảng 2.000 khách đến với Lai Châu”, ông Linh khẳng định.

Còn ông Phùng Xuân Khánh, đại diện Công ty Du lịch Thiên Phong (Quảng Ngãi), đánh giá: Lai Châu có tiềm năng phát triển du lịch, tuy nhiên tỉnh chưa phát huy được lợi thế sẵn có và kênh quảng cáo chưa được quan tâm. Qua khảo sát, ông Khánh đánh giá, cung đường đèo Ô Quý Hồ, là nơi khách du lịch thích trải nghiệm, mạo hiểm, vì vậy Lai Châu nên tận dụng đưa cung đường này trở thành sản phẩm du lịch có giá trị.

“Lai Châu có nhiều sản phẩm du lịch, nhưng hạ tầng giao thông chưa được đầu tư và khâu marketing cũng chưa thực hiện bài bản. Du lịch Lai Châu cần có sự kết nối với các địa điểm du lịch của các tỉnh khác như Sa Pa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái)… để khách đi theo tour; đồng thời sàng lọc những hoạt động văn hóa, văn nghệ để tạo thành sản phẩm riêng thu hút khách du lịch. Trong lĩnh vực ẩm thực, tỉnh cần mời một số đầu bếp nổi tiếng để giới thiệu các món ăn mang đậm văn hóa dân tộc, quảng bá ẩm thực đến du khách”, bà Nghiêm Thúy Hà, Công ty TNHH Du lịch và Thương mại AADASIA Group nêu rõ.

Bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, đã xây dựng nhiều sản phẩm phục vụ khách du lịch (Trong ảnh: Các hộ đồng bào Mông trồng lan vừa tạo cảnh quan, vừa có thể bán cho du khách đến thăm bản)
Bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, đã xây dựng nhiều sản phẩm phục vụ khách du lịch (Trong ảnh: Các hộ đồng bào Mông trồng lan vừa tạo cảnh quan, vừa có thể bán cho du khách đến thăm bản)

Cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Đại diện các công ty du lịch cũng đề xuất những giải pháp, cùng với địa phương đưa du lịch phát triển hơn trong thời gian tới như, tỉnh cần lựa chọn sản phẩm có tính chất cạnh tranh, không nên phát triển những sản phẩm mà các tỉnh khác đã triển khai lâu; tập trung phát triển du lịch theo hai loại hình là, phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển du lịch có tính thời vụ như mùa nước đổ, mùa lúa chín. 

"Lai Châu cần thay đổi hình thức tuyên truyền, quảng bá du lịch như tận dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo để quảng bá; thay đổi tư duy tiếp cận khách hàng chứ không phải để khách hàng tự tìm đến Lai Châu…”, ông Nguyễn Văn Tài, đại diện Công ty Du lịch VietSense Travel đề xuất.

Có thể nói, mục tiêu lâu dài của Lai Châu, là hướng đến sự phát triển bền vững, du lịch trở thành một hướng đi phát triển kinh tế quan trọng của mỗi địa phương. Đồng thời, cần bảo đảm cân bằng, hài hòa với mục tiêu bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cũng như hệ sinh thái tự nhiên của vùng Tây Bắc. 

Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: Trên cơ sở những hạn chế và những giải pháp được chỉ ra để từng bước khắc phục, những năm tiếp theo  tỉnh sẽ tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục khôi phục các làng nghề có thế mạnh của các dân tộc, các sản phẩm lễ hội, cảnh quan thế mạnh theo mùa như: Mùa lúa chín, mùa nước đổ, các lễ hội đặc sắc của các dân tộc… 

Năm 2020, Bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019”. Thống kê giai đoạn 2016 - 2020, ngành Du lịch tỉnh Lai Châu đã thu hút trên 1,4 triệu lượt người, tăng bình quân 10%/năm, tổng doanh thu đạt 1.933 tỷ đồng, bình quân tăng 13,4%/năm.

Tin cùng chuyên mục
Giữ nguồn nước mát cho buôn làng Tây Nguyên

Giữ nguồn nước mát cho buôn làng Tây Nguyên

Từ bao đời nay, đồng bào DTTS ở Gia Lai vẫn gìn giữ được không gian giọt nước mát ngọt cho buôn làng. Đây không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt mà còn là nơi dân làng cùng gặp gỡ, trò chuyện và thực hiện các nghi lễ trong đời sống tín ngưỡng.