Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Bảo vệ động vật hoang dã trước nguy cơ bị tàn sát

Thanh Liêm - 14:22, 20/01/2025

Hiện nay, tình trạng mua bán, vận chuyển các loài động vật hoang dã đã giảm dần nhưng vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các đối tượng sử dụng thủ đoạn ngày càng tinh vi, trang bị thiết bị công nghệ hiện đại để đối phó với lực lượng chức năng. Trước thực trạng này, ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ động vật hoang dã.

Động vật hoang dã ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.
Động vật hoang dã ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập

Thú rừng vẫn bị tàn sát

Trong năm 2024, hệ thống dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Quốc gia Việt Nam (ENV) đã ghi nhận 3.126 vụ với 9.889 vi phạm liên quan đến hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, nuôi nhốt, quảng cáo động vật hoang dã trái phép trên cả nước. Đáng chú ý, số vụ việc liên quan đến quảng cáo trên Internet chiếm đến 1.404 vụ việc. Trong năm 2024, ENV đã ghi nhận 1,235 cá thể động vật hoang dã do cơ quan chức năng tịch thu hoặc được người dân tự nguyện chuyển giao. Các loài thường bắt gặp trong vi phạm chủ yếu là khỉ, rùa và các loài chim hoang dã. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai địa phương có số vụ vi phạm do người dân thông báo về đường dây nóng 1800-1522 của ENV nhiều nhất.

Trong vòng 10 năm, số vụ án hình sự về động vật hoang dã đã tăng hơn 350%, từ 57 vụ án ghi nhận trong năm 2014 lên 257 vụ án ghi nhận trong năm 2023. Xu hướng gia tăng số vụ phát hiện và bắt giữ tội phạm về động vật hoang dã gần đây đã phản ánh hiệu quả ngày càng cao trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã của các cơ quan chức năng. Mức án tù trung bình dành cho tội phạm về động vật hoang dã trong giai đoạn từ khi Bộ Luật Hình sự có hiệu lực (2018-2023) là 3,52 năm.

Để xử lý hiệu quả các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, ENV khuyến nghị các cơ quan chức năng, các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa tội phạm về động vật hoang dã, xóa bỏ triệt để các đường dây buôn bán động vật hoang dã, tăng cường đấu tranh với vi phạm về động vật hoang dã trên Internet, nâng cao ý thức của người dân và giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã thông qua các chiến dịch truyền thông, đưa thông điệp bảo vệ động vật hoang dã lan tỏa rộng rãi đến công chúng.

Chim hồng hoàng ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.
Chim hồng hoàng ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập


Động vật hoang dã bị sắn bắt, mua bán trái phép ở huyện biên giới Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, giáp Vương quốc Campuchia.
Động vật hoang dã bị săn bắt, mua bán trái phép ở huyện biên giới Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, giáp Vương quốc Campuchia

Chung tay bảo vệ động vật hoang dã

Ông Phạm Thụy Luân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh Bình Phước có diện tích rừng tự nhiên là 55.977,26ha với nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học cao. Trong đó, nhiều loài động thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đang được bảo vệ tại Vườn Quốc gia Cát Tiên và Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Trong nhiều năm qua, cùng với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước luôn quan tâm chỉ đạo sát sao đến các vấn đề môi trường, bảo vệ rừng, đa dạng sinh học và các loài động vật hoang dã nhằm góp phần tích cực trong cải thiện chất lượng và số lượng tài nguyên thiên nhiên; giảm nguy cơ suy thoái tài nguyên môi trường và tuyệt chủng của nhiều loài động thực vật hoang dã quý, hiếm.

Ông Phạm Thụy Luân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho rằng, để công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ rừng và động vật hoang dã, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật; tham gia phát hiện, tố giác, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ đa dạng sinh học, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội và phát triển kinh tế tỉnh Bình Phước.

Theo ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, để bảo vệ động vật hoang dã, ngành chức năng cần tập trung một số các giải pháp và vấn đề trọng tâm. Thứ nhất, cần phải có lực lượng tham gia bảo vệ đủ mạnh cả về chất lượng và số lượng; có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các lực lượng này nhằm cải thiện cuộc sống và môi trường làm việc để họ an tâm, cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ rừng nói chung và bảo vệ động vật hoang dã nói riêng.

Các đại biểu tham gia nghi thức khởi động Chương trình “Tỉnh Bình Phước nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép” tại Hội thảo diễn ra ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.
Các đại biểu tham gia nghi thức khởi động Chương trình “Tỉnh Bình Phước nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép” tại Hội thảo diễn ra ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập

Thứ hai, các đơn vị chủ rừng cần thực hiện công tác bảo vệ rừng theo phương châm “Bảo vệ rừng tận gốc”. Xác định được những khu vực nào có nguy cơ bị xâm hại cao thì tiến hành đóng chốt để tuần tra, bảo vệ tại các khu vực đó. Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã thực hiện phương châm này từ nhiều năm nay và đã cho kết quả tích cực. Cụ thể, đơn vị đã thành lập 10 trạm kiểm lâm phân bổ đều trên diện tích rừng của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Ngoài ra, tại các khu vực có nhiều loài lâm sản quý hiếm có nguy cơ bị xâm hại cao như tuyến giáp ranh với tỉnh Đắk Nông và nước Campuchia, đơn vị đã bố trí thêm 12 chốt bảo vệ rừng dọc theo các tuyến này, lực lượng tham gia có cả lực lượng kiểm lâm và cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng.

Thứ ba, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn và các đơn vị giáp ranh cần phải phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện, thông tin trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, cần vận động người dân trong khu vực vùng đệm cùng tham gia vào công tác bảo vệ rừng thông qua Chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững.

Người dân tự nguyện giao nộp động vật hoang dã cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước.
Người dân tự nguyện giao nộp động vật hoang dã cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước

Còn ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên thông tin thêm, Vườn Quốc gia Cát Tiên có diện tích trên 71.000ha. Những năm qua, tài nguyên rừng luôn được bảo vệ rất tốt, diện tích rừng không bị xâm lấn, các hành vi khai thác rừng tự nhiên đã giảm tới mức tối đa, nhiều loài thực vật, động vật quan trọng được quan tâm bảo vệ, nghiên cứu đánh giá và phát triển. Năm 2024, lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên đã tổ chức trên 62.000 lượt tuần tra trong rừng, ngăn chặn nhiều vụ vi phạm tài nguyên rừng, tháo gỡ trên 2.000 sợi bấy các loại.

Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam cho biết, 50 năm qua, 75% quần thể động vật hoang dã ở trên cạn trên thế giới đã biến mất khỏi trái đất. Chính vì thế, việc nâng cao nhận thức, thúc đẩy cộng đồng cùng tham gia để cùng hành động “Nói không với động vật hoang dã trái phép” là rất cần thiết. Để làm được điều này, mọi người cần “nói không với các sản phẩm về động vật hoang dã”, không ăn thịt động vật hoang dã. Bên cạnh đó, cần lên tiếng phản đối những hành vi trái phép đang sử dụng động vật hoang dã. Cần tẩy chay các nhà hàng, những đối tượng buôn bán động vật hoang dã. Từ đó, thay đổi hành vi và suy nghĩ của họ. Và cuối cùng, khi mọi người phát hiện được các hành vi vi phạm thì nên thông báo đến các cơ quan chức năng để chấm dứt ngay việc sử dụng động vật hoang dã.