Thầy giáo Ca Na An (người ngoài cùng bên phải) sưu tầm truyện cổ Vân KiềuVào năm 1972, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều ở Quảng Trị bị Mỹ - Ngụy cưỡng ép di dời đến xã Ea Hiu, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk nhằm ngăn họ theo cách mạng. Xa quê hương, nhưng người Vân Kiều vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với vùng đất cội nguồn, đồng thời tiếp tục duy trì những giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống mới.
Từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay, đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều tại Đắk Lắk đã được Đảng, Nhà nước chăm lo, từ nhà ở an sinh đến cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm, minh chứng cho nỗ lực của chính quyền và nội lực vươn lên của bà con. Khi cuộc sống ổn định, bà con có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống.
Một dấu ấn đặc biệt trong việc ghi nhận và truyền bá văn hóa dân tộc Bru Vân Kiều là công trình nghiên cứu của Giáo sư Gábor Vargyas - Nhà Dân tộc học người Hungary. Cuối những năm 1980, ông sống và làm việc cùng người Vân Kiều tại Quảng Trị và Đắk Lắk, ghi lại đời sống tâm linh, lễ hội, canh tác, thần thoại và các làn điệu dân ca đặc trưng.
Ông đánh giá, người Bru Vân Kiều sở hữu kho tàng nghi lễ phong phú, đậm màu sắc huyền bí và giàu giá trị tinh thần. Tuy nhiên, khi trở lại sau 30 năm, ông nhận thấy nhiều nét văn hóa truyền thống đã dần mai một do tác động của hiện đại hóa và sự hòa nhập với các dân tộc khác.

Nếu không bảo vệ văn hóa của dân tộc mình một cách đúng đắn, thì sẽ khó giữ được các thành tố văn hóa của một tộc người”.
Thầy giáo Bôn SiMôn Ca Na An
"Chúng ta đang đứng trước những làn sóng tinh thần dữ dội trong một thế giới phẳng. Những gương mặt riêng của mỗi tộc người rất cần được gìn giữ như di sản chung của nhân loại”, Giáo sư Gábor chia sẻ.
Từ những tư liệu thu thập được, ông cho ra mắt cuốn sách “Bất chấp định mệnh”, khắc họa sâu sắc đời sống văn hóa Vân Kiều từ tang ma đến dân ca, góp phần làm sống lại những câu chuyện quá khứ, nét đẹp đang dần lùi xa. Cuốn sách được trao Giải Sách hay năm 2024.
Tiếp nối tinh thần gìn giữ bản sắc, thầy giáo Bôn SiMôn Ca Na An - một trí thức người Bru Vân Kiều đã và đang đóng góp đáng kể trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc. Bôn SiMôn Ca Na An tốt nghiệp Đại học Hawaii at Manoa (Mỹ), hiện là giáo viên dạy tiếng Anh tại Trường THCS Ea Hiu, huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk.
Mặc dù bận rộn với công việc giảng dạy, thầy giáo Ca Na An vẫn miệt mài nghiên cứu truyện cổ, sưu tầm bài hát dân gian và truyền dạy cho lớp trẻ. Anh cho ra đời cuốn sách "Truyện cổ của người Vân Kiều", đồng thời duy trì các lớp học chiêng, múa truyền thống cho học sinh nơi mình công tác.
Thầy giáo Bôn SiMôn Ca Na An còn phối hợp cùng nghệ nhân trong và ngoài xã Ea Hiu tổ chức dạy đánh chiêng, thổi sáo, chơi đàn ta lư, hát giao duyên. Anh thường xuyên đưa đội văn nghệ cồng chiêng xã tham dự lễ hội trong và ngoài tỉnh. Mới đây, tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 - năm 2025, đội chiêng Vân Kiều xã Ea Hiu đại diện cho huyện Krông Pắk trình diễn cồng chiêng tại lễ hội đường phố với sắc phục truyền thống nổi bật.
Hành trình gìn giữ và phát huy văn hóa của người Bru Vân Kiều ở Đắk Lắk là một minh chứng cho sự bền bỉ và niềm tự hào dân tộc. Dù chịu nhiều biến động, họ vẫn gìn giữ được những giá trị cốt lõi - từ chiêng, múa, truyện cổ đến ngôn ngữ và trang phục - như một dòng chảy văn hóa không ngừng nghỉ giữa đại ngàn Tây Nguyên.