Từ năm 2017, huyện Bát Xát đã triển khai dự án phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, với vật nuôi chủ lực là ngựa, tại các xã: Sàng Ma Sáo, Ngải Thầu, Cốc Mỳ và A Lù. Thực hiện dự án, năm 2017, có 17 hộ dân ở xã Sàng Ma Sáo và 3 hộ dân ở xã Ngải Thầu mua 200 con ngựa. Năm 2018 có 5 hộ ở xã Cốc Mỳ, 5 hộ ở xã A Lù mua tổng cộng 100 con ngựa.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi hộ dân được vay vốn ngân hàng 170 triệu đồng để mua 10 con ngựa, không phải trả lãi suất trong vòng 3 năm đầu (ngân sách huyện hỗ trợ chi trả lãi suất). Các hộ dân còn được hỗ trợ tiền làm chuồng (2 triệu đồng/chuồng), cứ 10 con trở lên được hỗ trợ 2 chuồng nuôi nhốt; hỗ trợ trồng 0,5ha cỏ bảo đảm nguồn thức ăn cho ngựa với kinh phí trên 6 triệu đồng.
Để cải tạo, nâng cao thể trạng đàn ngựa địa phương, năm 2018, huyện Bát Xát bố trí cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện 360 triệu đồng để mua 9 con ngựa đực Cabardin 25% máu ngoại về để phối giống. Số ngựa đực này được giao cho xã Sàng Ma Sáo 6 con. Các xã A Lù, Ngải Thầu, Cốc Mỳ mỗi xã 1 con. Tuy nhiên, ngựa mua về không thể phối giống.
Ông Lý Trường Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sàng Ma Sáo, người theo sát đề án này tại xã cho biết: Ngựa mua về không phối giống được mặc dù nhìn thể hình khá to. Sau khi mua về, những con ngựa này gầy đi trông thấy.
Vì thế, mục tiêu cải tạo, nâng cao thể trạng đàn ngựa địa phương từ ngựa ngoại không đạt. Trong khi số tiền 360 triệu đồng bỏ ra để mua ngựa ngoại đang hao hụt dần theo thể trạng ngày càng gầy đi của 9 con ngựa đực Cabardin. Đến thời điểm này, 3/9 con ngựa giống Cabardin đã chết.
Theo ông Lưu Trọng Dương, Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Bát Xát, khi mua ngựa đực giống, đơn vị mua theo cân hơi. Ngựa được mua ở trại ngựa Bá Vân tại thị xã Sông Công (Thái Nguyên).
“Trại ngựa báo giá con ngựa đực giống theo cân hơi, trung bình mỗi con khoảng 2,5 tạ. So với ngựa ở địa phương, ngựa đực giống này khá to, đã đủ điều kiện để phối giống. Nhưng khi mua về giống ngựa này lại rất non”, ông Dương cho biết.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, số ngựa đực giống này được Trung tâm DVNN huyện Bát Xát mua của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi ở xã Bình Sơn, thị xã Sông Công (Thái Nguyên), đơn vị tính theo con, với đơn giá trên hóa đơn mua hàng là 42,5 triệu đồng/con, tổng tiền là 382,5 triệu đồng.
Điều này khác hoàn toàn với việc ông Lưu Trọng Dương khẳng định là mua theo cân hơi! Ngoài ra, theo Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh số 0008539 ngày 1/10/2018 do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Nguyên cấp, thì 9 con ngựa Cabardin mục đích sử dụng làm thương phẩm.
Phải chăng có sự “nhầm lẫn” giữa ngựa đực giống và ngựa thương phẩm hay còn mục đích nào khác? Câu hỏi này xin gửi tới UBND huyện Bát Xát?