Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Bình Định: Công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế

Lê Phương - 09:40, 26/08/2020

Từ đầu năm đến nay, tại một số địa phương trong tỉnh Bình Định, số vụ cháy rừng; số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đều tăng. Ðiều này cho thấy, công tác quản lý, bảo vệ rừng còn hạn chế, cần phải xem xét lại các biện pháp và trách nhiệm của cơ quan, lực lượng liên quan.

Hiện trường vụ phá rừng tại xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn
Hiện trường vụ phá rừng tại xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến nay, cả tỉnh xảy ra 13 vụ phá rừng trái pháp luật, với diện tích 3,36ha. Ngành Kiểm lâm đã xử lý 8/13 vụ phá rừng, các vụ còn lại đang điều tra. Ngoài ra, đã xử lý 6/10 vụ khai thác rừng trái pháp luật, 169 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật, thu nộp ngân sách hơn 1,55 tỷ đồng…

Điển hình cuối tháng 7/2020, xảy ra vụ phá rừng tại huyện Tây Sơn, tại khoảnh 2, 3, Tiểu khu 235, xã Tây Thuận là diện tích rừng do UBND xã Tây Thuận và các hộ gia đình được giao theo Dự án KFW6 để khoanh nuôi tái sinh.

Tổng số gốc cây gỗ bị cắt hạ tại hiện trường là 18 gốc, trong đó có 3 gốc mới cắt và 15 gốc vết cắt đã cũ. Tại hiện trường, các cơ quan chức năng còn phát hiện 2 lò than, 1 xe mô tô 2 bánh (không có chủ). Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn đã phối hợp cùng UBND xã Tây Thuận tiêu hủy 2 lò than và tạm giữ xe máy.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đánh giá: Vụ phá rừng này là rất nghiêm trọng, xảy ra trong một thời gian dài, diện tích lớn, số lượng cây nhiều nhưng các cơ quan chức năng không hay biết. Điều này chứng tỏ sự lơ là, chủ quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. UBND tỉnh đã giao cho Công an tỉnh và các ngành chức năng phối hợp đo đạc lại diện tích rừng bị phá. Đồng thời, tập trung điều tra, truy tìm các đối tượng có liên quan đến vụ phá rừng để xử lý theo quy định của pháp luật. 

 Tại huyện An Lão, thực trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp cũng đang diễn biến phức tạp. Thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, từ đầu năm đến nay, Hạt cũng đã phối hợp ngành chức năng huyện, xã tổ chức 109 đợt tuần tra bảo vệ rừng, kiểm soát lâm sản, theo đó phát hiện 40 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; trong đó có 3 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật, 1 vụ phá rừng với diện tích 0,04ha. Ngành chức năng đã xử lý 34/40 vụ. 

Theo ông Tạ Anh Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, các đối tượng lâm tặc rất manh động, sẵn sàng chống lại lực lượng Kiểm lâm. Mới đây nhất, theo báo cáo của UBND xã An Hưng, huyện An Lão vào ngày 29/5 và đêm 17/7, ông Trần Đăng Hoài, nhân viên của Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, đang làm nhiệm vụ tại điểm chốt chặn lâm sản thuộc thôn 4 thì bị các đối tượng lâm tặc chặn đánh trọng thương. Về vụ việc này, ông Phạm Văn Nam, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết, đã ký văn bản chỉ đạo Công an huyện chủ trì, phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện và Chủ tịch UBND xã An Hưng tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ đối tượng đánh Kiểm lâm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại huyện Hoài Ân, qua công tác tuần tra bảo vệ rừng, ngành chức năng huyện và chính quyền các xã đã phát hiện 28 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm trước; xử phạt và thu nộp ngân sách gần 190 triệu đồng. 

Được biết, để công tác bảo vệ rừng có hiệu quả, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt, nếu địa phương nào để xảy ra cháy rừng, phá rừng trái pháp luật thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn đang diễn ra phức tạp. Xem ra các văn bản chỉ đạo của tỉnh đối với các địa phương, lực lượng chức năng chưa thực sự có tác động…?!

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Thanh tra huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã có Kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện Tiểu dự án 2 – Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) năm 2023 tại xã Ngọk Wang, với tổng số 62 con bò đã được cấp. Vậy 46 con bò thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai cùng thời điểm liệu có cấp đúng, đủ trọng lượng hay không mà không tổ chức thanh tra? Đó là điều mà dư luận quan tâm hiện nay.