Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Bình Định: Nỗ lực bảo tồn nghề dệt thổ cẩm trước nguy cơ mai một

Lê Phương - 17:56, 21/11/2021

Bình Định là vùng đất sinh sống của nhiều DTTS, nhưng chiếm số lượng nhiều hơn cả là dân tộc Ba Na, Chăm Hroi. Đồng bào DTTS ở Bình Định cũng có nghề dệt thổ cẩm, với những đường nét hoa văn tinh tế, độc đáo. Cũng như nhiều nghề truyền thống của các DTTS khác, nghề đệt thổ cẩm của đồng bào DTTS ở Bình Định đang đứng trước nguy cơ mai một.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm làng Hà Ri bên khung dệt
Nghệ nhân dệt thổ cẩm làng Hà Ri bên khung dệt

Điểm sáng làng Hà Văn Trên

Ở Bình Định có những làng nghề dệt thổ cẩm vang bóng một thời như, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Ba Na ở các làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh; làng dệt Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện vân Canh; làng dệt xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn...Nhưng do những ảnh hưởng của đời sống hiện đại, không gian và các dịp sử dụng trang phục thổ cẩm hẹp dần, hệ quả là nghề dệt thổ cẩm đối diện với nguy cơ mai một. 

Đơn cử như nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Ba Na ở làng Hà Ri, là một trong những làng dệt thổ cẩm có lịch sử hình thành từ lâu đời. Khi xưa, người dân của làng này hầu như ai cũng biết dệt, nhưng hiện chỉ còn 20 - 30 người còn làm nghề. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra chủ yếu để sử dụng trong gia đình, dòng tộc, bởi gần như không bán được hàng.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, cho hay: Người có tay nghề dệt thổ cẩm cao không còn nhiều, hầu hết đã lớn tuổi, nhưng lớp trẻ bây giờ lại không mấy mặn mà với nghề dệt. Cứ đà này tôi nghĩ nghề dệt thổ cẩm sẽ khó tồn tại lâu.

Còn ông Đinh Văn Ngắt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, cho biết: Cả xã còn khoảng 50 hộ còn giữ nghề dệt thổ cẩm. Sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ trong các hoạt động văn hóa, đời sống của người dân như trang phục, vỏ chăn, địu trẻ em hay túi xách. Trong điều kiện sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân cố gắng gìn giữ không để nghề mai một.

Trong các làng nghề dệt thổ cẩm, có lẽ làng nghề Hà Văn Trên là nổi trội hơn cả. Chị Đinh Thị Xuân Bông, 42 tuổi, một người còn theo nghề dệt thổ cẩm ở làng Hà Văn Trên, chia sẻ: Làng tôi hiện có hơn 100 người còn gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, những người ở tầm tuổi như tôi khá nhiều. 

Thổ cẩm và nghề dệt thổ cẩm gắn bó với chúng tôi đã lâu đời, nên ai cũng muốn giữ gìn, phát huy. Chính quyền ủng hộ, hỗ trợ; người già nhiệt tình thuyết phục, dạy nghề, chỉ ra những cái hay, nét đẹp của thổ cẩm dân tộc mình, nhờ vậy nghề dệt còn nhiều người theo, thổ cẩm được dùng nhiều hơn một số nơi khác.

Bà Đinh Thị Lên (62 tuổi), là người lớn tuổi nhất ở làng còn gắn bó với nghề truyền thống này chia sẻ: Ngoại và mẹ là người chỉ dạy nghề dệt thổ cẩm cho tôi từ khi 15 tuổi. Đến năm 20 tuổi, tôi tự tay đan, dệt hoàn chỉnh từng chiếc áo, chiếc chăn mặc, váy, khăn, khố… Tôi rất vui vì trong làng vẫn còn nhiều người biết dệt thổ cẩm, đặc biệt là lớp trẻ.

Bà Đinh Thị Lên, nghệ nhân dệt thổ cẩm làng Hà Văn Trên
Bà Đinh Thị Lên, nghệ nhân dệt thổ cẩm làng Hà Văn Trên

Chung tay bảo tồn

Sở dĩ, nghề dệt thổ cẩm ở làng Hà Văn Trên có được những gam màu tươi sáng, là nhờ từ vài năm trước, chính quyền địa phương đã chủ động tìm cách bảo tồn, phát huy làng nghề. Năm 2020, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Canh Thuận, được sử dụng địa danh “Hà Văn Trên - Canh Thuận - Vân Canh - Bình Ðịnh” đăng ký nhãn hiệu tập thể “Vải thổ cẩm Hà Văn Trên”. Huyện cũng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định lập hồ sơ, đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu.

 " Người dân kỳ vọng khi được cơ quan chức năng cấp chứng nhận nhãn hiệu làng nghề, thì cơ hội để làng nghề khôi phục, phát triển là rất lớn", chị Đinh Thị Xuân Bông, một nghệ nhân ở làng Hà Văn Trên chia sẻ

Theo ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, nghề dệt thổ cẩm tuy chưa đem lại nguồn thu nhập lớn cho phụ nữ ở làng Hà Văn Trên, nhưng tình yêu văn hóa truyền thống của họ, đang tạo ra sức lan tỏa đến thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc mình. 

Đây là lý do để địa phương xúc tiến, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho dệt thổ cẩm Hà Văn Trên. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại làng Hà Văn Trên; mở các lớp đào tạo nghề dệt vải thổ cẩm; đồng thời xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

Trước thực trạng nghề dệt thổ cẩm Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh nguy cơ mai một, chính quyền địa phương đã nghiên cứu, tìm hướng để bảo tồn nghề dệt thổ cẩm. Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, cho biết: Xã đã quy hoạch vị trí để xây dựng nhà sản xuất, trưng bày tập trung các sản phẩm làng nghề, kết hợp du lịch sinh thái ở khu vực suối Tà Má, gắn với tiêu thụ sản phẩm dệt thổ cẩm. 

Đồng thời, kiến nghị UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Hỗ trợ kinh phí, khung dệt, kết hợp dạy nghề cho bà con.

Thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam, trong giai đoạn 2021 - 2025, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị sẽ phối hợp với Ban Dân tộc và chính quyền các địa phương, lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề dệt thổ cẩm của người Chăm Hroi, để đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chính sách đầu tư, hỗ trợ người dân khôi phục, phát triển làng nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.