Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bình Phước: Hơn 386 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào DTTS thực hiện giảm nghèo

PV - 19:05, 09/01/2023

Giai đoạn 2019-2022, Bình Phước đã huy động hơn 386 tỷ đồng, gồm nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và nguồn vận động xã hội hóa để hỗ trợ đồng bào DTTS thực hiện công tác giảm nghèo. Đó là thông tin được cơ quan chuyên môn báo cáo tại hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS, giai đoạn 2019-2022 diễn ra chiều 9/1.


Bình Phước nỗ lực giúp đồng bào DTTS thoát nghèo
Bình Phước nỗ lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Hội nghị cũng đã bàn giao cơ quan chủ trì chương trình giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sang Ban Dân tộc tỉnh.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh chủ trì hội nghị. Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố cùng dự.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, công tác giảm nghèo, đặc biệt là giảm hộ nghèo DTTS được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm. Từ các nguồn lực hỗ trợ, được các sở, ngành, địa phương triển khai hỗ trợ kịp thời, góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo DTTS trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2019-2022, toàn tỉnh đã giảm 5.198 hộ nghèo DTTS, đạt 129,8% chỉ tiêu Tỉnh ủy đề ra, đưa hộ nghèo DTTS từ 4.545 hộ (đầu năm 2019), chiếm 52,76% xuống còn 516 hộ (cuối năm 2021), chiếm 43,36% trong tổng số hộ nghèo. Riêng năm 2022, do áp dụng chuẩn nghèo mới nên số hộ nghèo DTTS tăng lên 2.820 hộ, chiếm 57,91% trong tổng 4.870 hộ nghèo. Tuy nhiên, với nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, trong năm qua toàn tỉnh cũng đã giảm 1.166 hộ nghèo DTTS, đạt 115% so với kế hoạch.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giảm nghèo trong vùng DTTS vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc quản lý, sử dụng nguồn lực một số nơi chưa hiệu quả; nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình bị chồng chéo, thiếu đồng bộ; công tác cập nhật, quản lý, điều tra, rà soát hộ nghèo ở một số địa phương còn sai sót; một số nhu cầu đề nghị hỗ trợ chưa thật sự phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của người dân…

Sau khi nghe ý kiến trao đổi, kiến nghị, đề xuất của các sở, ban, ngành, địa phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cho rằng: Với Bình Phước, thời gian qua, các chính sách giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS được triển khai thực chất với phương châm các dân tộc đoàn kết, bình đẳng, hỗ trợ nhau cùng phát triển; được cụ thể hóa thông qua mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo DTTS và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Ghi nhận và biểu dương các sở, ban, ngành, địa phương luôn đồng hành với tỉnh trong công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS trong 4 năm qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh nhấn mạnh, năm 2023 sẽ tiếp tục chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS, do đó cần phải đảm bảo hiệu quả, thực chất, bền vững, hạn chế để xảy ra tiêu cực, lãng phí các nguồn lực.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh lưu ý: Các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức tự lực, tự cường, tự tôn, tự hào dân tộc để hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Tinh thần chung là phải hướng dẫn về khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề để đảm bảo tính ổn định, hướng tới giảm nghèo bền vững…

Tin cùng chuyên mục
Hành trình vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc

Hành trình vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc

78 năm qua, từ Nha Dân tộc thiểu số đến Ủy ban Dân tộc – Cơ quan công tác dân tộc đã làm tốt sứ mệnh tham mưu, xây dựng để Nhà nước ban hành hệ thống chính sách phát triển vùng DTTS và miền núi. Việc triển khai hiệu quả chính sách dân tộc đã tạo cơ hội phát triển bình đẳng giữa các dân tộc, qua đó không ngừng củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.