Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bình Yên (Tuyên Quang): Nỗ lực giải “bài toán” thu nhập cho người dân

Việt Hà - 10:42, 21/12/2023

Từ một xã đặc biệt khó khăn của huyện, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, đến nay, xã Bình Yên, Sơn Dương, Tuyên Quang đã “thay da đổi thịt”. Số hộ nghèo đã giảm mạnh, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 45,78% (đầu năm 2023) xuống còn 33,46%; người dân đã chủ động vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Người dân xã Bình Yên (Sơn Dương, Tuyên Quang) tham gia dọn dẹp, vệ sinh môi trường.
Người dân xã Bình Yên (Sơn Dương, Tuyên Quang) tham gia dọn dẹp, vệ sinh môi trường.

Bình Yên là xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Toàn xã có trên 760 hộ với hơn 3.200 nhân khẩu. Xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, sản xuất phụ thuộc điều kiện tự nhiên. Riêng tại thôn Đồng Min, có 174 hộ thì có tới 76 hộ nghèo.

Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cuộc sống của người dân Bình Yên đã từng bước "thay da đổi thịt". “Chìa khóa” quan trọng giúp địa phương khởi sắc chính là nhờ nguồn lực thực hiện nhiều chương trình, chính sách dân tộc, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719).

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư từ Chương trình MTQG 1719, đến nay, nhiều hộ nghèo ở Bình Yên đã ổn định chỗ ở, được hỗ trợ chuyển đổi nghề, có nước sạch để sinh hoạt. Ông Lưu Văn Pháp ở thôn Khấu Lấu, xã Bình Yên là cựu chiến binh. Trước đây, cuộc sống của gia đình ông chủ yếu trông chờ vào ruộng nương, thu nhập bấp bênh, nên đời sống khó khăn, cả gia đình ông phải sinh sống trong căn nhà tranh đã xuống cấp, hư hỏng. Kể từ khi được chính quyền địa phương hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 cùng với số tiền tích cóp ít ỏi, sự giúp đơc của bà con, nhân dân trong thôn, gia đình ông đã làm được ngôi nhà “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng).

Không chỉ được hỗ trợ về nhà ở, ông Pháp cũng như các hộ nghèo trong thôn Khấu Lấu còn được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, theo đó, mỗi hộ được nhận được 01 téc đựng nước trị giá 3 triệu đồng.

Với những nỗ lực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Bình Yên đã giảm từ 358 hộ nghèo (chiếm 45,78%) xuống còn 265 hộ (chiếm 33,46%). 

Chương trình 135 hỗ trợ lợn nái sinh sản cho người dân xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang tăng thu nhập.
Hỗ trợ lợn sinh sản cho người dân xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang tăng thu nhập.

Để nâng cao tiêu chí thu nhập, ngoài việc tận dụng nguồn lực của các cấp, ngành, xã Bình Yên còn triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế xã hội phù hợp với điều kiện thực tế, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương. Ví dụ như giảm nghèo thông qua việc tín chấp cho người dân vay vốn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật, tận dụng tốt quỹ đất, phát triển các cây chủ lực như chè, mía, lâm nghiệp,…

Cùng với đó, đẩy mạnh đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động, phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 32,5 triệu đồng/năm, tăng gần gấp đôi so với hiện nay; tổng sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 1.460 tấn; Trồng mới trên 140ha rừng, duy trì độ che phủ rừng trên 35%; 100% các trục giao thông chính trên địa bàn được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; trên 50% đường vào ngõ xóm được bê tông hóa, 50% số hộ có sân, cổng bê tông hóa; 100% các tuyến đường trục thôn có điện chiếu sáng.

Ông Hoàng Việt Đức, Phó chủ tịch UBND xã Bình Yên cho biết: “Chúng tôi luôn xác định thực hiện Chương trình MTQG 1719 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để giúp đồng bào sớm vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, với tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình, đến nay đã có 25 hộ được giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất; cung cấp nước sinh hoạt cho 54 hộ; hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ để mua bò sinh sản; chuyển đổi nghề nghiệp cho 4 hộ dân...”.

Dù diện mạo thôn, bản đã dần “thay da đổi thịt” nhưng công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương vẫn đối diện với rất nhiều thách thức, trong đó là vấn đề đất sản xuất của người dân còn nhiều bất cập, như: bình quân diện tích đất nông nghiệp tính trên số dân còn thấp, diện tích đất cao lanh không sử dụng được là hơn 30ha, diện tích đất để phát triển lâm nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ...

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, theo ông Hoàng Đức Việt, thời gian tới, xã Bình Yên sẽ tập trung mọi nguồn lực áp dụng khoa học-kỹ thuật, giúp đồng bào phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, hình thành những mô hình trồng trọt có ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm tốt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, tận dụng tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án, chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719. 

Tin cùng chuyên mục