Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bờ Lũy-chùa Lò Gạch: Di tích khảo cổ độc đáo ở Trà Vinh

Tô Phục Hưng - 06:48, 18/01/2021

Nền văn hóa Óc Eo, biểu trưng cho một vương quốc mang tên Phù Nam xưa tại Đồng bằng sông Cửu Long luôn là điều bí ẩn, kỳ lạ đang được các nhà chuyên môn khám phá, giải mã. Tại xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh có một di tích khảo cổ đã được các nhà khảo cổ khai quật và lên phương án bảo tồn, phát huy giá trị di tích để phát triển du lịch, đó là di tích Bờ Lũy - chùa Lò Gạch.

Chùa Kompong Thmo (còn gọi là chùa Lò Gạch) hiện nay.
Chùa Kompong Thmo (còn gọi là chùa Lò Gạch) hiện nay.

Ông Kim Sang, 88 tuổi, cư trú cạnh chùa Lò Gạch cho biết: “Sỡ dĩ có tên là Bờ Lũy - chùa Lò Gạch bởi khi khai quật di tích này đã phát hiện nhiều hiện vật xây dựng những lũy thành xưa bằng gạch nung có từ hàng trăm năm nay. Còn ngôi chùa này có hàng trăm năm trước và chỉ được xây bằng gạch nên có tên là chùa Lò Gạch, người Khmer gọi chùa này là Kompong Thmo”.

Nhiều cư dân tại đây cho biết thêm, đây là ngôi chùa Khmer nam tông có nhiều phật tử đến lễ bái thường xuyên và là một trong những ngôi chùa cổ nhất đất Trà Vinh. Năm 2008, trong khi tiến hành đào móng xây dựng lại ngôi chùa, một nhóm thợ xây đã tình cờ phát hiện rất nhiều hiện vật lạ trên bãi đất rộng khoảng 500 mét vuông trong khuôn viên chùa Lò Gạch. Ngay sau đó, các nhà chuyên môn đã đến thám sát, bảo vệ hiện trường và lên phương án dò tìm. Tuy nhiên mãi đến năm 2014, cuộc khai quật mới được tiến hành. Kết quả cho thấy có nhiều dấu tích, hiện vật của một nền kiến trúc hình vuông có nhiều nét tương đồng với các di chỉ văn hóa Óc Eo tại các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

Khai quật, thám sát di tích tại chùa Chùa Kompong Thmo (chùa Lò Gạch)
Khai quật, thám sát di tích tại chùa Chùa Kompong Thmo (chùa Lò Gạch)

Qua điều tra, khảo sát, các nhà nghiên cứu đã xác định tại đây có hai loại hình di chỉ quan trọng, gồm di chỉ kiến trúc tôn giáo và di chỉ “vòng tường thành đắp đất”. Tại khu vực này hiện xuất lộ nền móng của một phức hợp gồm nhiều kiến trúc liên hoàn như: Một gò đất cao dạng hình chữ nhật dài 20 mét, rộng 14 mét với rất nhiều gạch vỡ, các khối sa thạch…Về phía Tây- Tây Nam, phía Đông Tây, phía Bắc Nam còn xuất hiện nhiều bờ thành rất dài và kiên cố. Đây được xem là vòng thành có quy mô lớn nhất được biết từ trước đến nay ở miền đất Tây Nam bộ, với hiện trạng còn tương đối nguyên trạng. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy các lá vàng hình vuông chạm khắc hình con voi, hình hoa sen; một số vàng đã bị cắt mỏng; một số đồ vật bằng đồng; những tảng đá, gạch nung; khung cửa, bệ thờ…

Cụ thể, di tích này gồm 2 phần độc lập: thứ nhất là di tích kiến trúc cổ nằm trong khuôn viên chùa; thứ hai là di tích Bờ Lũy bằng đất có quy mô lớn nằm theo hướng Tây - Tây Nam cạnh chùa Lò Gạch. Hiện vật thu được tương đồng với các di chỉ văn hóa Óc Eo  tại các điểm khai quật khác của Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các lá vàng có chạm trổ hình ảnh con voi, hoa sen. Đây là nghệ thuật kiến trúc Phật Giáo có niên đại vào thế kỷ VIII - IX sau công nguyên. Với những đặc điểm lịch sử khảo cổ trên, di tích trên đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận Di tích văn hóa cấp quốc gia năm 2017.

Hiện vật trưng bày tại chùa Kompong Thmo (chùa Lò Gạch).
Hiện vật trưng bày tại chùa Kompong Thmo (chùa Lò Gạch).

Ông Thi Tơn, ngụ tại xã Lương Hòa cho biết: “Đây là niềm vui, niềm tự hào của người dân địa phương, đặc biệt là phật tử người dân tộc Khmer. Tuy nhiên cần có nhiều thông tin hơn về di tích này để nhiều người cùng biết cũng như được tiếp cận với các hiện vật đã được khai quật do hiện nay hiện vật tại chùa Lò Gạch rất đơn điệu”.

Đến Trà Vinh tham quan, trải nghiệm văn hóa, du khách đừng quên ghé qua khám phá di tích di tích khảo cổ có tên Bờ Lũy - chùa Lò Gạch, bởi địa điểm này chỉ cách trung tâm TP. Trà Vinh khoảng 6 km và nằm cạnh nhiều di tích lịch sử văn hóa rất nổi tiếng như: chùa Âng, Ao Bà Om, Bảo tàng Văn hóa Khmer Nam bộ…