Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Bước chân người lính trên hành trình chống dịch Covid - 19

Việt Thắng – Y Nguyên - 11:14, 11/05/2021

Khi mà dịch Covid – 19 đang trở nên phức tạp, những người lính biên phòng Nghệ An lại căng mình thực hiện nhiệm vụ, bước chân các anh không ngừng nghỉ trên hành trình chống dịch…

Các chiến sỹ chốt số 4 đang tuần tra chống người xâm nhập trái phép.
Các chiến sỹ chốt số 4 đang tuần tra chống người xâm nhập trái phép.

Nhiều người Việt làm ăn sinh sống trên nước bạn Lào muốn trở về quê để tránh dịch, trong số đó không ít người đã cố tình nhập cảnh trái phép bằng đường mòn, lối mở. Và rừng sâu, nơi có ít người qua lại đang là lựa chọn “tối ưu” của những kẻ cố tình vượt biên trái phép. Kiểm soát chặt biên giới lúc này là biện pháp hiệu quả để ngăn dịch lây lan, giữ bình yên cho Nhân dân.

Không một phút lơ là

Cái nắng đầu mùa bỏng rát, nhất là ở “rốn lửa” Quế Phong vẫn không làm các anh chùn bước. Những bước chân vẫn mải miết hành quân, bất chấp thời tiết địa hình để ngăn chặn nạn xâm nhập trái phép. Trong 468 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào, thì Đồn biên phòng Thông Thụ (huyện Quế Phong) được giao phụ trách 34 km. Cửa khẩu Thông Thụ đã chính thức đóng cửa kể từ ngày có dịch Covid – 19, nhưng những đường mòn lối mở lại là “cửa khẩu” cho những người vượt biên. 

Thượng tá Hoàng Văn Huy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thông Thụ cho biết, có gần 500 người Việt đang làm việc tại các công trình thủy điện ở huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn và nhiều người làm nghề tự do, buôn bán ở bên kia biên giới. Huyện Sầm Tớ cách cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An) và Na Mèo (Thanh Hoá) khá xa, vả lại đi đường chính ngạch thì phải thực hiện cách ly, nên nhiều người bất chấp quy định, cắt rừng ở Quế Phong để trở về. 

“Ở Lào cũng đang siết chặt người nhập cảnh, công việc làm ăn thời dịch bệnh khó khăn nên nhiều người Việt chọn cách trở về, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao. Do vậy mà anh em biên phòng phải bám sát địa bàn, tuần tra 24/24 giờ, tuyệt đối không để lọt người xâm nhập trái phép. Các dịp lễ, Tết đồn tập trung quân số 100%, không những không ai đươc nghỉ mà còn tăng cường canh gác. Càng những ngày lễ, Tết thì người xâm nhập càng nhiều, vì họ cho rằng anh em sẽ nghỉ ngơi, lực lượng mỏng”, Thượng tá Huy cho biết. Cũng theo Thượng tá Huy, từ ngày lập chốt, tuần tra chống dịch, Đồn biên phòng Thông Thụ đã phát hiện hơn 30 vụ xuất, nhập cảnh trái phép, khởi tố một đối tượng đưa người qua biên giới trái phép. 

Với khuôn mặt cháy sạm, Đại úy Phạm Đức Tính, Chốt trưởng chốt số 2, thông tin, chốt được lập từ tháng 3/2020. Chốt nằm bên bờ sông Chu, trước chỉ có lều bạt, nay mới được dựng một căn nhà gỗ, mới đây được dựng thêm một lán tôn tạm bợ, muốn lên chốt phải đi bộ vắt vẻo lưng chừng núi, đủ thấy sự vất vả của anh em bộ đội. 

Nghiêm nét mặt, chỉ xuống dòng sông Chu, Đại uý Tính nói: Con sông này là đường vượt biên mà nhiều người lựa chọn cho nên anh em phải căng mình túc trực, không một phút lơi là. “Nhưng, bộ đội có giỏi đến đâu cũng không thể chặn hết người nhập cảnh trái phép, vì hết vượt đường sông họ lại men theo đường rừng heo hút. Vì thế mà chúng tôi phải dựa vào Nhân dân, bà con ta đã nhiệt tình cung cấp nhiều thông tin rất quan trọng. Nếu không có bà con báo tin thì chúng tôi khó mà hoàn thành nhiệm vụ”, Đại uý Tính nói.

 Thượng nguồn sông Chu, nơi các chiến sỹ chốt số 2 đang căng mình chống nạn vượt biên
Thượng nguồn sông Chu, nơi các chiến sỹ chốt số 2 đang căng mình chống nạn vượt biên

“Bịt” những lối mòn

Chúng tôi lên đến chốt số 4, sau hơn một giờ “hành quân” mà tôi thở không còn ra hơi. Thượng tá Huy cho biết, để dựng chốt này, anh em bộ đội phải cõng từng tấm ván, thanh thép, bò từ chân núi lên, gian nan vô cùng. Khổ nhất là nước sinh hoạt. Lúc đầu anh em phải thay nhau gùi từng can từ dưới chân núi. May thay, trong lúc tuần tra, anh em đã phát hiện được nguồn nước cách lán chừng 2km. “Phát hiện ra nguồn nước, 5 anh em chúng tôi mừng vui hết chỗ nói”, Thiếu tá Nguyễn Duy Tâm, chốt trưởng số 4 nói như reo. Thiếu tá Tâm còn hớn hở khoe: Để dựng được lán trại này, còn có sự giúp sức của lực lượng thanh niên tình nguyện xã Thông Thụ.

5 con người, mỗi kíp 2 người trực chốt và lo hậu cần, 3 người tuần rừng sâu để chặn các lối mòn. Nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm, không để bất kỳ một kẽ hở nào cho các đối tượng xâm nhập trái phép. Đã có 7 đối tượng bị bắt giữ và đưa đi cách li tập trung. Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, mới đây, chốt số 4 được tăng cường thêm 4 chiến sỹ, tổng cộng là 9 người nên phần nào đỡ căng hơn trước.

 Thượng uý Nguyễn Văn Kiên, quê ở huyện Quỳnh Lưu, cho biết: Rất lâu rồi tôi chưa được nghỉ phép. Vừa rồi bố vợ bị ốm nặng phải cấp cứu nhưng cũng chưa về thăm được. “Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như thế này mình không thể bỏ chốt mà về được, vì nhiệm vụ mà”, Thiếu uý Kiên chia sẻ.

Đang nắng chang chang, cơn mưa rừng chuẩn bị ập tới. Chúng tôi chia tay anh em ở chốt số 4, cũng là lúc các anh chuẩn bị thay ca. Lại một đêm dầm dề trong mưa, bước chân các anh lại miệt mài vì bình yên của Nhân dân…


Tin cùng chuyên mục
Sơn La, Điện Biên tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Sơn La, Điện Biên tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, những ngày qua, tại hai tỉnh Sơn La và Điện Biên đã có mưa to đến rất to, gây lũ quét, lũ ống, làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Hiện hai địa phương đang tập trung triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.