Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

“Buôn bích họa” đậm chất Tây Nguyên

Hoàng Thùy - 15:35, 16/02/2022

Buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã được các họa sĩ thay chiếc áo mới bằng bích họa về cảnh thiên nhiên hùng vĩ của đại ngàn, những hoạt động sinh hoạt thường ngày của bà con buôn làng; bằng không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống của đồng bào Tây Nguyên... Tất cả các bức bích họa sinh động này đã "biến" nơi đây thành Tây Nguyên thu nhỏ.

Con đường bích họa tại buôn Tơng Jú
Con đường bích họa tại buôn Tơng Jú

Những ngày đầu năm mới, buôn Tơng Jú đẹp hơn bởi những rẫy cà phê hoa nở trắng xen lẫn giữa những ngôi nhà hiện đại, khang trang. Đặc biệt nữa là những bức tường đơn thuần được tô điểm bằng những bức tranh tuyệt đẹp, tạo nên không khí nhộn nhịp, tươi vui cho mùa xuân mới.

Bức tranh về con người hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ của đại ngàn Tây Nguyên
Bức tranh về con người hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ của đại ngàn Tây Nguyên

Đến đây chiêm ngưỡng những bức bích họa, du khách cảm giác như được nhìn thấy cả phong cảnh hùng vĩ của đại ngàn, không gian văn hóa, đời sống sinh hoạt của đồng bào Tây Nguyên. Từ vẻ đẹp thiếu nữa Ê Đê ngồi trước hiên nhà dài, cánh đồng hoa dã quỳ, thuyền độc mộc hồ Lắk, cảnh phụ nữ địu con giã gạo, những chú voi bơi lội giữa hồ Lắk, nặn gốm của người M’Nông, dệt thổ cẩm đến những nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của Tây Nguyên như diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, cúng bến nước… được thể hiện một cách sống động.

Thuyền độc mộc trong danh thắng hồ Lắk
Thuyền độc mộc trong danh thắng hồ Lắk

Qua tìm hiểu được biết, đây là tiểu dự án nằm trong đề tài khoa học “Nghiên cứu sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk”, do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn Tây Nguyên thực hiện. Chủ nhiệm, triển khai thực hiện đề tài là nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kđăm.

Thiếu nữ bên nhà dài
Thiếu nữ bên nhà dài
Những chú voi Tây Nguyên
Những chú voi Tây Nguyên

Con đường bích họa buôn Tây Nguyên có chiều dài 770m, thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Công trình được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 các bức họa được thể hiện trên đoạn tường dài 200m, đã hoàn thành từ trước Tết Dương lịch; Giai đoạn 2 sẽ được triển khai trong thời gian sớm nhất.

Dự án con đường bích họa buôn Tây Nguyên tại buôn Tơng Jú, là mô hình đường bích họa trong buôn đồng bào DTTS đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk. Đây chính là điểm nhấn để đưa buôn Tơng Jú trở thành điểm du lịch, trên đà phát triển du lịch cộng đồng.

Trước đó, giữa năm 2021, dự án bích họa đường phố được đoàn thanh niên các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vận động nguồn lực xã hội hóa để triển khai tại một số tuyến đường tại TP. Buôn Ma Thuột, trung tâm thị trấn huyện Cư M’gar, huyện Krông Bông… những con đường bích họa ẩn chứa những câu chuyện mang đậm bản sắc Tây Nguyên, được kể lại một cách sinh động bằng sắc màu hội họa, đã tạo ấn tượng tốt với Nhân dân. 

Văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên: Dệt thổ cẩm, cồng chiêng, múa xoang, nặn gốm
Những bức họa mang đậm nét văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên: Dệt thổ cẩm, cồng chiêng, múa xoang, nặn gốm
Ấn tượng “Buôn bích họa” đậm chất Tây Nguyên 6
Ấn tượng “Buôn bích họa” đậm chất Tây Nguyên 7
Ấn tượng “Buôn bích họa” đậm chất Tây Nguyên 8
Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.