Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Di sản xanh ở buôn làng Tây Nguyên

Tấn Vịnh - 09:51, 29/05/2020

Di sản xanh là một phần di sản của thiên nhiên, tạo nên cảnh quan và môi trường sống cho con người là yếu tố quan trọng hình thành di sản nhân văn - đó là kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống ở buôn làng Tây Nguyên.

Nếp nhà rông cao vút bên dáng cây cổ thụ
Nếp nhà rông cao vút bên dáng cây cổ thụ

Cây di sản

Cảnh quan, môi trường sinh thái ở các thôn bản vùng cao trước tiên là cánh rừng, con suối, bến nước gắn liền với cổ tích, huyền thoại. Ở làng bản nào cũng tồn tại những cây cổ thụ, có tuổi đời hàng trăm năm trở lên, có dáng đẹp, hùng vĩ, gắn liền với văn hóa, lịch sử của vùng đất, tộc người... Đồng bàoTây Nguyên thường không đốn hạ những cây này để lấy gỗ, mà hết sức coi trọng, vì mỗi cây đều ẩn chứa sắc màu huyền thoại.

Trước đây, khi lập làng, đồng bào thường chọn vị trí nào có cây cổ thụ, có con sông dòng suối để chọn điểm làm bến nước. Vị trí lý tưởng nhất là nơi nào có những cây cổ thụ nằm hai bên bờ suối. Hai cây cổ thụ hai bên bờ như những cái trụ tự nhiên vững chắc nhất để đồng bào làm cầu treo qua suối. Đầu cầu treo phía làng cư trú là bến nước, có bóng cây cổ thụ xanh mát, là nơi hẹn hò đôi lứa, nơi bà con gặp gỡ sau một ngày lên nương làm rẫy, nơi nghỉ ngơi thư thái sau giờ lao động mệt mỏi. 

Tây Nguyên vốn rất giàu về di sản xanh. Cây đa làng Ghè, huyện Đăk Cơ (Gia Lai) là cây cổ thụ có gốc vững chắc, tỏa bóng mát, là nơi sinh hoạt lễ hội của bà con trong làng. Buôn làng người Xơ-đăng, Ba Na xung quanh TP. Kon Tum vẫn còn khá nhiều cây cổ thụ, tiêu biểu là cây đa gần cầu treo Kon Klor. Nơi đây có nhà rông đẹp, là địa điểm lý tưởng tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống và các sự kiện giao lưu văn hóa. 

Ở Đăk Lăk có cây long não hơn 100 năm tuổi, được công nhận là Cây di sản và rừng cây cổ thụ trong công viên Biệt điện Bảo Đại như “lá phổi” của thành phố. Ở Buôn Đôn có cây sanh cây si nghìn gốc tạo thành cảnh quan đẹp đã được khai thác du lịch hiệu quả. Cây cổ thụ ở bến nước Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột cũng được công nhận là Cây di sản. Nhờ rừng cây cổ thụ nên giữ được mạch nước dồi dào, phục vụ sinh hoạt của bà con trong buôn. 

Ba cây đa cổ thụ tuyệt đẹp ở xã Quảng Khê, huyện Đăk Glong (Đăk Nông), lại nằm bên hồ Tà Đùng, rất thuận lợi cho việc thăm quan ngắm cảnh. Các trường học ở thành phố và buôn làng quê ở Tây Nguyên cũng có những cây cổ thụ tỏa bóng mát vừa làm đẹp cho ngôi trường vừa là nơi vui chơi của các em học sinh trong lúc giải lao giữa giờ.

Đưa rừng về làng

Trong nhiều năm qua, công tác định canh định cư, xây dựng nông thôn mới (NTM) được thực hiện trên địa bàn Tây Nguyên, miền núi. Một số buôn làng người Xơ-đăng trên sườn Tây Ngọc Linh được chuyển xuống định cư ở những vị trí thuận lợi về giao thông. Vài làng khác chuyển chỗ ở đến nơi an toàn, chống nguy cơ sạt lở, lũ quét, khu vực bảo vệ của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng... Tuy nhiên, do quá trình chuyển cư, chuẩn bị mặt bằng chưa tốt nên một số nơi chưa tận dụng và phát huy hiệu quả “di sản xanh”, nhằm tái tạo cảnh quan và môi trường sống phù hợp với điều kiện thiên nhiên, khí hậu, nếp sống văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao.

Trong quá trình thực hiện định canh, định cư, xây dựng NTM, cần duy trì và khuyến khích bà con sống gần gũi với thiên nhiên. Đặc biệt, khi chọn nơi lập làng mới cần quan tâm đến yếu tố môi trường, chẳng những bảo đảm nguồn nước mà còn có nhiều cây xanh tạo cảnh quan cho buôn làng. Quy hoạch làng mới cần giữ lại những cây cổ thụ đặc trưng làm nên nét duyên dáng, diện mạo của làng bản vùng cao. 

Bên cạnh việc kế thừa vốn “di sản xanh” sẵn có từ rừng đại ngàn cần trồng thêm các loại cây để lấy bóng mát, cây ăn quả, cây lấy gỗ (thay thế khai thác gỗ trong rừng). Nơi có cây cổ thụ có thể bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, tạo sân chơi thoáng mát cho trẻ em. Một số cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi là tài sản của làng, gắn với truyền thuyết, tín ngưỡng nên cần chung tay gìn giữ, bảo vệ, không được đốn hạ và việc làm hết sức cần thiết là lập hồ sơ để công nhận cây di sản.

Giữ gìn “di sản xanh” ở các buôn làng Tây Nguyên là trực tiếp bảo tồn nguồn gen đa dạng sinh học, cái vốn quý nhất của sự sống. Khi thực hiện định cư, xây dựng NTM, chỉnh trang thôn bản bảo tồn, tái tạo cảnh quan, đặc biệt là đối với những loại cây cổ thụ, cây di sản để làm đẹp cho buôn làng, núi rừng.

Giữ gìn “di sản xanh” ở các buôn làng Tây Nguyên là trực tiếp bảo tồn nguồn gien đa dạng sinh học, cái vốn quý nhất của sự sống. Cần chung tay gìn giữ, bảo vệ và việc làm hết sức cần thiết là lập hồ sơ để công nhận cây di sản.


Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.