Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Tết Chôl Chnăm Thmây ấm áp, nghĩa tình

Thanh Huyền - 15:08, 08/04/2022

Những ngày này, đến với các ngôi chùa hay các phum, sóc vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ, khách phương xa sẽ được hòa mình vào không khí nhộn nhịp đón tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Cùng với sự chuẩn bị chu đáo của chính quyền địa phương, đồng bào Khmer vui hơn khi nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Ủy ban Dân tộc, các cấp, các ngành…

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành thăm hỏi và chụp ảnh lưu niệm với các Hòa thượng, sư sãi, đồng bào dân tộc Khmer trong khuôn viên Chùa Kh’leang (TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành thăm hỏi và chụp ảnh lưu niệm với các Hòa thượng, sư sãi, đồng bào dân tộc Khmer trong khuôn viên Chùa Kh’leang (TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng)

Cái Tết “đủ đầy”

Trong khuôn viên rộng lớn, không khí trong lành của chùa Kh’leang (TP. Sóc Trăng) - cũng là nơi đặt trụ sở hoạt động của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Hòa thượng Tăng Nô, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi khi được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Dân tộc đến thăm hỏi, động viên, tặng quà nhân Tết cổ truyền của dân tộc Khmer.

Theo Hòa thượng Tăng Nô, nhờ quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào phật tử Khmer được cải thiện và nâng cao đáng kể, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được tăng cường và phát huy. Đồng bào Khmer tích cực tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương; chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển quê hương.

Tại tỉnh Trà Vinh, nơi đâu cũng thấy rõ không khí rộn ràng đón Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer. Được cầm trên tay món quà cùng những lời thăm hỏi, động viên của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, bà Thạch Khoai, gia đình thuộc hộ nghèo ở ấp Hương Phụ B, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành bộc bạch niềm vui, hạnh phúc. Bà cho biết, sẽ cố gắng lao động sản xuất để thoát khỏi diện nghèo, bảo ban con cháu học hành đầy đủ.

Đến những phum, sóc vùng đồng bào dân tộc Khmer, chúng tôi cảm nhận rõ nét rằng, đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào Khmer đã có những đổi thay tích cực. Nhiều địa phương đã về đích nông thôn mới, có cơ sở điện, đường, trường, trạm khang trang. Tư duy làm giàu, phát triển kinh tế, lo cho con em học hành của nhiều hộ đồng bào Khmer trở thành tấm gương sáng trong cộng đồng. Đã có nhiều trang trại, doanh nghiệp do chính đồng bào Khmer làm chủ.

Về miền đất này, trong cái tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây đầm ấm, nghĩa tình, chúng tôi còn cảm nhận rõ hơn, trong đời sống của người Khmer, Phật giáo Nam tông có vị trí quan trọng và đã trở thành cốt lõi của nền văn hóa Khmer đặc sắc và độc đáo. tết Chôl Chnăm Thmây cũng như nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng khác đã gắn chặt tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết cộng đồng. Đây còn là dịp để đồng bào dân tộc Khmer gửi gắm ước mơ hạnh phúc, ý thức hướng thiện và lòng báo ân với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thăm hỏi các Hòa thượng tại Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thăm hỏi các Hòa thượng tại Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh

Không ngừng chăm lo cho đồng bào dân tộc Khmer

Dọc dài mảnh đất Nam Bộ những ngày này, các đoàn công tác của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài các đoàn công tác của lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và các bộ, ngành đã và đang đến thăm, tặng quà và chúc tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer.

Tại các nơi đến, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn khẳng định quan điểm nhất quán về sự quan tâm đến công tác dân tộc, không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc, nhất là những nơi khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa - trong đó đồng bào dân tộc Khmer, với hơn 1,3 triệu người.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhấn mạnh, với chiến lược công tác dân tộc trong giai đoạn mới, đặc biệt việc lần đầu tiên ở nước ta có Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo vô cùng sát sao, chính là cơ hội để đồng bào DTTS nói chung, đồng bào Khmer nói riêng phát triển vươn lên.

Là người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, đến thăm chúc Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phấn khởi, vui mừng trước sự đổi thay về mọi mặt của vùng đồng bào dân tộc Khmer. Thông tin về mục tiêu, giải pháp thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn mới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh mong muốn các vị Hòa thượng, Thượng tọa, sư sãi và đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục đoàn kết, phát huy nội lực, tham gia tích cực vào quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia; cũng như thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp sức xây dựng phum, sóc, quê hương ngày càng ấm no, giàu mạnh.

Chào mừng tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2022 của đồng bào Khmer, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi Thư chúc mừng đến đồng bào, đồng chí và các vị chư tăng dân tộc Khmer. Trong thư Thủ tướng mong muốn “đồng bào, đồng chí và các vị chư tăng dân tộc Khmer sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, ý chí vươn lên để nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội”.

Có thể thấy rằng, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm và ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer. Việc thể chế hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã được Chính phủ, các ban, bộ, ngành và các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer thực hiện nghiêm túc, cụ thể, phù hợp với sự phát triển chung của cả vùng, từng địa phương. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer còn khoảng 25%, mỗi năm giảm 3%. Cùng với phát triển kinh tế, sự tin tưởng, đồng thuận của đội ngũ cán bộ, sư sãi và đồng bào Khmer vào các chính sách của Đảng, Nhà nước ngày càng nâng cao.

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2022 của đồng bào Khmer đã cận kề, những món quà ấm áp, nghĩa tình, những lời động viên, thăm hỏi mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Dân tộc; cùng với việc triển khai chính sách dân tộc trong giai đoạn mới, chính là động lực mạnh mẽ tiếp sức để đồng bào Khmer vững tin vào một năm mới thắng lợi - Một năm mới ý nghĩa hơn nhờ sự khởi động của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Quý I/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội đạt hơn 7.536 tỷ đồng

Đắk Lắk: Quý I/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội đạt hơn 7.536 tỷ đồng

Vừa qua, ngày 17/4 Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh Đắk Lắk đã tổ chức phiên họp đánh giá kết quả hoạt động trong quý I và triển khai nhiệm vụ quý II/2024. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì phiên họp. Tham dự cuộc họp còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội là thành viên Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh.