Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Cà Mau: Tập trung nguồn lực phát triển “ngành công nghiệp không khói”

Tào Đạt - Như Tâm - 11:02, 08/11/2024

Với hơn 300 năm hình thành và phát triển, Cà Mau là vùng đất địa đầu cực Nam của Tổ quốc - nơi mà mỗi người dân Việt Nam đều muốn được đặt chân đến ít nhất một lần. Nếu như trước kia, đa phần du khách vẫn chỉ xem Cà Mau là một điểm đến trong chuyến hành trình… thì giờ đây, nhờ đa dạng hóa loại hình du lịch, nhất là du lịch trải nghiệm đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến Cà Mau.

Du khách có thể trải nghiệm đi ca nô xuyên rừng Đất Mũi
Du khách có thể trải nghiệm đi ca nô xuyên rừng Đất Mũi

Phát triển du lịch cộng đồng ở “nơi đất biết nở, rừng biết đi”

Những năm qua, ngành Du lịch tỉnh Cà Mau đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh. Với điều kiện tự nhiên đặc thù, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, hệ thống giao thông phát triển, dịch vụ được đầu tư nâng cấp. Bên cạnh đó, Cà Mau còn là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng,... Tất cả đã khiến cho vùng đất này có nhiều lợi thế để phát triển du lịch với nhiều dịch vụ khác nhau, như: Du lịch sinh thái, du lịch về nguồn, tham quan làng nghề, du lịch văn hóa lễ hội, du lịch cộng đồng gắn với nghỉ dưỡng, khám phá, trải nghiệm...

Tiêu biểu, năm 2024, huyện Ngọc Hiển đã có 27 hộ đăng ký kinh doanh mô hình du lịch cộng đồng. Bên cạnh các sản phẩm trải nghiệm, địa phương khuyến khích phát triển thêm các sản phẩm du lịch có yếu tố lịch sử như: đầu tư, phục dựng lại các di tích lịch sử thời kỳ khai hoang mở cõi, kháng chiến bảo vệ Tổ quốc....

Tốt nghiệm ngành quản trị Du lịch, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh năm 2019, anh Nguyễn Trung Kiên, trở về làm quản lý điều hành điểm du lịch Hoàng Hôn của gia đình tại huyện Ngọc Hiển. Đặc biệt, trở về địa phương sinh hoạt Đoàn thanh niên của xã Đất Mũi, anh Kiên đã đưa ý tưởng liên kết phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

"Ý tưởng của tôi được các bạn đoàn viên, thanh niên ủng hộ và chúng tôi đã cùng nhau thành lập Câu lạc bộ Du lịch Cà Mau, với 15 đoàn viên tham gia. Câu lạc bộ đưa du khách đi trải nghiệm các điểm du lịch, đặc biệt tham gia trồng cây tại gia đình- hoạt động này góp phần vào môi trường sinh thái, tái tạo thiên nhiên khiến du khách thích thú và muốn trở lại... ”, anh Kiên chia sẻ.

Trải nghiệm đêm băng rừng bắt ba khía tại Mũi Cà Mau
Trải nghiệm đêm băng rừng bắt ba khía tại Mũi Cà Mau

Số liệu thống kê cho thấy, toàn tỉnh Cà Mau hiện có 84 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 15 cơ sở được thẩm định xếp hạng từ 1 đến 5 sao và 41 cơ sở được công nhận đủ điều kiện phục vụ khách du lịch. Toàn tỉnh có 34 khu, điểm và hộ du lịch cộng đồng, 2 khu được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh; có 10 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động lữ hành (trong đó có 6 công ty lữ hành nội địa, 1 công ty lữ hành quốc tế đã được cấp giấy phép kinh doanh; 1 Văn phòng đại diện; 2 chi nhánh).

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đưa du lịch vươn xa

Theo Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Cà Mau, năm 2023, lượng khách du lịch đến Cà Mau đạt 2 triệu lượt, tăng 23,5% so 2022, tổng thu đạt 2.908 tỷ đồng, tăng 20,4%, vượt 9% kế hoạch. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã đón hơn 1,66 triệu lượt khách, tổng thu đạt 2.402 tỷ đồng, đạt 69% so kế hoạch năm 2024.

Du lịch Cà Mau đang khoác trên mình một tấm “áo mới” đầy duyên dáng để thu hút và giữ chân du khách
Du lịch Cà Mau đang khoác trên mình một tấm “áo mới” đầy duyên dáng để thu hút và giữ chân du khách

Để có được kết quả trên, tỉnh Cà Mau đã không ngừng quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch như: Đào tạo, bổ sung nguồn lực phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch, có nghiệp vụ tay nghề, phẩm chất tốt. Tăng cường xúc tiến, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước, nhằm quảng bá giới thiệu hình ảnh về vùng đất, văn hóa, con người Cà Mau với du khách trong nước và quốc tế bằng nhiều hình thức: thực hiện các chương trình ký kết hợp tác trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, xúc tiến du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội, Đà Nẵng, Ninh Bình…; đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Trat (Thái Lan) và tỉnh Khăm Muộn (Lào) thông qua việc ký kết bản ghi nhớ hợp tác quảng bá sản phẩm du lịch, kết nối doanh nghiệp lưu trú, lữ hành, trao đổi kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch…

Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch, bằng nhiều hình thức trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội (Facebook, fanpage, Zalo)...

Trải nghiệm khai thác nghêu thương phẩm của Hợp tác xã Nghêu Đất Mũi
Trải nghiệm khai thác nghêu thương phẩm của Hợp tác xã Nghêu Đất Mũi

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau cho biết, du lịch Cà Mau đã và đang phát triển đúng định hướng, thông qua việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản thông suốt, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ đến các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh.

Để ngành Du lịch tiếp tục phát triển trong thời gian tới, ông Trần Hiếu Hùng cho biết, tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các sản phẩm du lịch mới, ưu đãi đầu tư những nơi có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt đầu tư vào khai thác văn hóa bản địa cho phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch biển đảo, du lịch nông nghiệp và làng nghề truyền thống.

Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau sẽ hỗ trợ nhanh chóng, thuận tiện về thủ tục đầu tư; giải phóng mặt bằng và hỗ trợ thuê đất ổn định lâu dài đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh, các dự án phát triển sản phẩm du lịch thân thiện môi trường; khuyến khích đầu tư vào phát triển các khu vui chơi giải trí...