Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc- Tôn giáo

Các tổ chức tôn giáo phát huy tinh thần "tốt đời, đẹp đạo" cùng cả nước chống dịch

Văn Phong - Thanh Hương - 16:11, 10/09/2021

Có thể nói, trong suốt quá trình chống dịch Covid-19, bằng cách này cách khác, bằng thực lực của mỗi một tổ chức tôn giáo mà có sự đóng góp, hỗ trợ khác nhau. Nhưng tất cả đều là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, trách nhiệm đồng hành và là nghĩa cử cao đẹp, là tinh thần, giá trị của đạo đức tôn giáo, là sự minh chứng cho tôn giáo trong lòng dân tộc, vì dân tộc.

Chùa Giác Ngộ - Quỹ Đạo Phật ngày nay trao tặng 40 máy thở oxy cho Uỷ ban MTTQ Việt Nam Quận 10 (TP. Hồ Chí Minh). (Ảnh TL)
Chùa Giác Ngộ - Quỹ Đạo Phật ngày nay trao tặng 40 máy thở oxy cho Uỷ ban MTTQ Việt Nam Quận 10 (TP. Hồ Chí Minh). (Ảnh TL)

Tiến sĩ Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ) cho biết, qua tập hợp kết quả từ các kênh thông tin cho thấy, kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 cho đến nay, các tổ chức tôn giáo đã ủng hộ bằng tiền mặt và trang thiết bị y tế, hàng hóa trị giá hơn 500 tỷ đồng để ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnhĐây là con số rất đáng trân trọng của các cá nhân, tổ chức tôn giáo cùng với toàn dân chống dịch.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 năm 2021, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã ra lời kêu gọi toàn thể tăng ni, phật tử chung tay cùng các ngành, các cấp và chính quyền địa phương tham gia vào cuộc chiến chống dịch, tuyệt đối thực hiện quy định 5K, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi tăng ni, phật tử trong và ngoài nước tích cực tham gia ủng hộ cho “Quỹ vắc-xin phòng Covid-19” và hỗ trợ cho đồng bào gặp khó khăn tại các vùng có dịch.

Giáo hội đã vận động và mua 10 máy thở đa năng với tổng trị giá 6.700 triệu đồng trao tặng TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Long An. Tăng ni Phật tử cả nước đã và đang tiếp tục đóng góp tiền, nhu yếu phẩm để hỗ trợ người dân. Giáo hội cũng đã có văn bản gửi chính quyền các địa phương đề nghị sử dụng một số cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly cho tăng ni, phật tử. Đơn cử như tại Trà Vinh, Khu cách ly tập trung số 3 được đặt tại Trường Trung cấp Pali-Khmer để tiếp nhận cách ly y tế tập trung đối với các chức sắc tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Chùa Ích Minh (tỉnh Bắc Giang), Chùa Hội Khánh (tỉnh Bình Dương)… cũng được trưng dụng làm khu cách ly cho bệnh nhân Covid-19. Tại TP. Hồ Chí Minh, đã có 690 tăng, ni, phật tử tình nguyện tham gia các hoạt động hỗ trợ cho lực lượng chức năng chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn.

Các tăng ni, phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đóng gói nông sản, nhu yếu phẩm hỗ trợ cho TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: MTTQVN
Các tăng ni, phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đóng gói nông sản, nhu yếu phẩm hỗ trợ cho TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: MTTQVN

Có thể thấy, nghĩa đồng bào, giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc được cộng hưởng và tinh thần bác ái của Kitô giáo lại tiếp tục lan tỏa trong tâm khảm mỗi người con dân Việt. Trong lúc khó khăn, nguy nan, tinh thần đó lại được tỏa sáng và hòa quyện vào nhau, trở thành sức mạnh của dân tộc “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”; “Lá lành đùm lá rách”; “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”! Hơn bao giờ hết, bao nhiêu người khó khăn đang trông chờ anh chị em thực thi giáo huấn của Chúa.

Tiến sĩ Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo cũng cho biết thêm, hưởng ứng Thư kêu gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhiều giáo phận đã tổ chức các hoạt động vận động, quyên góp ủng hộ cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như: Tòa Giám mục Giáo phận Vinh ủng hộ 3 tỷ đồng và 60 tấn lương thực, thực phẩm, rau quả cho TP. Hồ Chí Minh; Tòa Giám mục Phan Thiết đóng góp, ủng hộ 10.000 lít nước mắm và 15 tấn thanh long cho vùng dịch. Ủy ban Bác ái Xã hội- Caritas Việt Nam tổ chức Chương trì­­nh “Trao nhau yêu thương” hỗ trợ 2.000 phiếu mua hàng nhu yếu phẩm (mỗi phiếu trị giá 100 nghìn đồng) cho người nghèo tại TP. Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

Văn phòng đặc trách tu sĩ giáo phận TP. Hồ Chí Minh thành lập Nhóm tu sĩ thiện nguyện để giúp đỡ các nhân viên y tế trong các bệnh viện. Đã có 181 tu sĩ đến hỗ trợ ở 3 bệnh viện trong TP. Hồ Chí Minh. Đến ngày 23/8, có 87 tu sĩ hoàn thành nhiệm vụ và Giáo phận bổ sung tiếp 171 tu sĩ thiện nguyện đến nơi cần hỗ trợ. Giáo phận Đồng Nai có 88 tu sĩ, 4 linh mục và 27 chủng sinh tình nguyện giúp đỡ các nhân viên y tế chống dịch trên địa bàn.

Để tiếp tục duy trì và phát huy hoạt động này ngày 20/8/2021, Văn phòng Đặc trách Tu sĩ đã ra Thư mời gọi tham gia Chương trình Tu sĩ thiện nguyện: “Cơn đại dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt và vẫn đang hoành hành dữ dội, đe dọa mọi người, Đức Tổng Giám mục mời gọi các Hội dòng tiếp tục tham gia vào hoạt động giàu lòng thiện nguyện này”.

Các nữ tu Công giáo tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện Quận 11. Ảnh: MTTQ
Các nữ tu Công giáo tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện Quận 11 (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: MTTQ

Trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư, bằng cách này cách khác, các tổ chức tôn giáo trong cả nước đều tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam đã ủng hộ Ủy  ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh 1,1 tỷ đồng tiền mặt vào “Quỹ vắc-xin phòng Covid-19”, 100 máy thở, 300 suất quà bằng tiền mặt trị giá 150 triệu đồng cho lực lượng công nhân vệ sinh môi trường quận Tân Bình, cử 9 tình nguyện đi hỗ trợ các ca nhiễm F0 tại TP. Hồ Chí Minh.

Có thể nói, bên cạnh việc đóng góp bằng vật chất thì việc đóng góp nguồn nhân lực chất lượng của các tôn giáo đã góp phần cùng các tình nguyện viên cả nước giúp đỡ cho các y, bác sĩ chăm sóc người bệnh được tốt hơn, san sẻ làm vơi bớt nỗi vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Tin cùng chuyên mục
Đồng Nai: Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS

Đồng Nai: Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS

Với việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong bảo đảm, nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ DTTTS trong mọi mặt của đời sống xã hội. Các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó góp phần chuyển đổi hành vi, quan niệm về bình đẳng giới, giảm khoảng cách và xóa bỏ định kiến về giới trong vùng đồng bào DTTS.