Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Cao Bằng: Tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững

Minh Thu - 12:22, 16/03/2021

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp... đó là hiệu quả sau 4 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 - 2020 tại tỉnh Cao Bằng.

Cán bộ ngành nông nghiệp kiểm tra sự phát triển của cây quýt tại vườn đồi của anh Hoàng Văn Phương (áo trắng).
Cán bộ ngành nông nghiệp kiểm tra sự phát triển của cây quýt tại vườn đồi của anh Hoàng Văn Phương (áo trắng).

Hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa 

Bên xe trúc sào gia đình vừa bán cho thương lái, anh Đặng Tòn Sểnh, Trưởng xóm Lũng Pán, xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) chia sẻ: Ngày trước làm nương, quanh năm vất vả mà vẫn không đủ ăn. Từ ngày chuyển sang trồng trúc, 25/25 hộ dân xóm Lũng Pán đã thoát cảnh đói nghèo. Theo anh Sểnh, cả xóm Lũng Pán có 25 hộ đều trồng trúc, hộ ít cũng trồng được 1ha, hộ nhiều trồng 5ha. Bình quân mỗi năm, 1ha trúc cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng - một số tiền không nhỏ đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa. 

Những năm gần đây, cây trúc sào ở Huy Giáp, đã trở thành một trong những loại cây hàng hóa chủ lực, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Ông Lầu A Mú, Phó Chủ tịch UBND xã Huy Giáp cho biết: Từ việc lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án, xã hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân để mua cây giống; phối hợp với các phòng chức năng huyện hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch cho các hộ, với mục tiêu mở rộng diện tích trúc sào. Sau 4 năm tái cơ cấu, diện tích cây trúc sào ở Huy Giáp tăng lên gần 400ha. Bình quân mỗi năm, xã Huy Giáp bán hàng ngàn xe trúc, với tổng giá trị trên 9 tỷ đồng.

Chúng tôi đến thăm hộ anh Hoàng Văn Phương ở xóm Vững Bền, xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh. Từ 20 gốc quýt Trà Lĩnh, sau 4 năm ứng dụng công nghệ trồng và chăm sóc, từ phục tráng giống đến thu hoạch, bảo quản sản phẩm theo hướng sản xuất sạch, hữu cơ... gia đình anh Phương đã phát triển lên 140 gốc quýt, mang lại thu nhập trên 40 triệu đồng/năm.

Hiện, toàn huyện Trùng Khánh đã có 164ha quýt, trong đó có trên 60ha cho thu hoạch, năng suất đạt 12 - 15 tấn/ha. “Với giá bán quýt 25.000 - 30.000 đồng/kg, nhiều gia đình trên địa bàn huyện có thu nhập từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/năm”, ông Hà Minh Hải, Trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trùng Khánh chia sẻ...

Tiếp tục xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường

Sau 4 năm triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, tại tỉnh Cao Bằng đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, giá trị cao như: Vùng trồng trúc sào ở huyện Bảo Lạc, Nguyên Bình; vùng trồng chanh leo, mía ở các huyện Quảng Hòa, Thạch An; vùng trồng quýt ở Trùng Khánh...

Ông Bế Xuân Tiến, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, bên cạnh việc hỗ trợ sản xuất, tỉnh quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, đầu tư liên kết với người dân để sản xuất và bao tiêu sản phẩm tạo ra chuỗi giá trị. Bước đầu, đã có một số doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển chè hữu cơ tại khu vực Nguyên Bình, thu mua trúc sào cho người dân Bảo Lạc…

Hiện nay, các cơ quan, đơn vị chuyên ngành tỉnh đang phối hợp với các cấp địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường tư vấn, hỗ trợ các tổ chức và cá nhân đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của ngành Nông nghiệp. Đến nay, một số sản phẩm được đăng ký sở hữu trí tuệ như: Hạt dẻ Trùng Khánh, quýt Trà Lĩnh, miến dong hương rừng Phja Oắc, miến dong Nguyên Bình, chiếu trúc Cao Bằng…

“Với những thay đổi tư duy phát triển kinh tế tích cực của người dân, cùng với những giải pháp mang tính then chốt của tỉnh, hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đang được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Cao Bằng”, ông Tiến khẳng định.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, bên cạnh việc hỗ trợ sản xuất, tỉnh quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, đầu tư liên kết với người dân để sản xuất và bao tiêu sản phẩm tạo ra chuỗi giá trị. Bước đầu, đã có một số doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển chè hữu cơ tại khu vực Nguyên Bình, thu mua trúc sào cho người dân Bảo Lạc…”.

Ông Bế Xuân Tiến, Giám đốc Sở NN&PTNT



Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Đồng bào DTTS tham gia làm OCOP

Kon Tum: Đồng bào DTTS tham gia làm OCOP

Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân. Đặc biệt, nhiều hộ dân tộc thiểu số (DTTS) đã nỗ lực lao động sản xuất, khai thác bản sắc văn hóa dân tộc, lợi thế của địa phương, liên kết tạo nên các sản phẩm OCOP có giá trị, góp phần nâng cao thu nhập.