Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Cao chè vằng - Sản phẩm OCOP 4 sao mở hướng làm giàu cho nông dân

Khánh Ngân - 17:59, 28/07/2021

Ở huyện miền núi Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, sản phẩm OCOP - Cao Chè Vằng đang mang lại thu nhập cao, bền vững cho nhiều hộ nông dân.

Nông dân chăm sóc vườn cây Chè Vằng hữu cơ, nguyên liệu để sản xuất cao Chè Vằng.
Nông dân chăm sóc vườn cây Chè Vằng hữu cơ, nguyên liệu để sản xuất cao Chè Vằng.

Từ mô hình trồng chè vằng hữu cơ

Cây chè vằng trong dân gian được sử dụng rất nhiều, với công dụng mát gan, giảm mỡ máu, giảm cân rất hiệu quả... Đặc biệt, đối với phụ nữ sau sinh, chè vằng được ví như một “siêu dược liệu” giúp sản phụ có vòng bụng săn chắc, lành bụng cho bé, nên được dùng rất phổ biến. 

Đề án phát triển sản phẩm OCOP như "chắp thêm cánh" cho sản phẩm Cao Chè Vằng vươn ra thị trường thế giới; mở ra hướng làm giàu cho bà con nông dân trồng cây chè  vằng ở huyện miền núi Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Từ những gò đồi không có nước tưới, lâu nay vẫn bỏ hoang, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH) Mai Thị Thủy, đã đầu tư vào trồng 3ha cây chè vằng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Mô hình cây chè vằng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác như sắn, keo... Một ha trồng cây chè vằng cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm, trừ chi phí sản xuất, người trồng thu lãi trên 100 triệu đồng/ha/năm. 

Từ hiệu quả của mô hình trồng cây chè vằng của Công ty TNHH Mai Thị Thủy, người nông dân nhiều xã khác ở huyện Cam Lộ bắt đầu nhân rộng mô hình. Đến nay, toàn huyện Cam Lộ đã có hơn 70ha trồng chè vằng, hiện đang tiếp tục được mở rộng về quy mô lẫn diện tích. 

Điển hình như mô hình trồng cây chè vằng của nhóm 12 hộ dân ở xóm Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, với tổng diện tích 5ha, cho thu nhập 960 triệu đồng/ năm. Ông Nguyễn Văn Bảy, một nông dân ở xã phấn khởi: “Thu hoạch đợt đầu có năng suất từ 2-2,5 tấn/1ha, những đợt thu tiếp theo có thể tăng cao hơn, lợi nhuận lên đến 100 triệu đồng/năm”.

Hiện cây chè vằng được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của xã, và của toàn huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. 

Theo ông Nguyễn Anh Hai, Chủ tịch Hội Nông Dân xã Cam Nghĩa, xã Cam Nghĩa có 12 Chi Hội với 1.056 hội viên nông dân. Trong đó, có 264 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Đặc biệt, có 9 mô hình trồng cây chè vằng cho hiệu quả kinh tế rất cao, mở ra hướng làm giàu cho người nông dân.

Đến sản phẩm OCOP 4 sao

Là một trong những người đi đầu với sản phẩm Cao Chè Vằng, chị Mai Thị Thuỷ, Giám đốc Công ty TNHH Mai Thị Thủy tâm sự: “Lúc đầu chỉ làm rồi bán quanh quẩn ở chợ, nhưng càng làm sản phẩm càng được người tiêu dùng tin yêu, hàng sản xuất là bán hết ngay. Khi có chương trình hỗ trợ của tỉnh Quảng Trị về xây dựng sản phẩm OCOP, gia đình chúng tôi mở rộng sản xuất Cao Chè Vằng. Với phương châm sản xuất sạch, không ngừng đa dạng về mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, nên sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó.

 Không chỉ dừng lại ở dạng cao, chè vằng còn được bào chế theo dạng viên đa dạng để tiện lợi cho người tiêu dùng. Năm 2020, sản phẩm Cao Chè Vằng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Công nhân Công ty TNHH Mai Thị Thủy đóng gói Cao chè Vằng
Công nhân Công ty TNHH Mai Thị Thủy đóng gói Cao chè Vằng

Khi đã được công nhận là sản phẩm OCOP, Cao Chè Vằng được tham gia các hội chợ, quảng bá sản phẩm… Người tiêu dùng biết đến sản phẩm nhiều hơn. Nguồn nguyên liệu sẵn có không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất, nên Công ty TNHH Mai Thị Thủy ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người trồng cây chè vằng, cùng với người nông dân tạo ra một mô hình sản xuất kép kín theo tiêu chuẩn.

Giờ đây sản phẩm Cao Chè Vằng tiêu thụ ra thị trường mỗi tháng 4 tấn sản phẩm, mang lại doanh thu hàng tỉ đồng. Người nông dân trồng cây chè vằng từ đó có nguồn thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Trên các kệ bán hàng của nhiều chuỗi siêu thị lớn đã có sản phẩm Cao Chè Vằng để phục vụ khách hàng trong nước. Những người dân Việt Nam, sống và làm việc ở nước ngoài cũng đã có sản phẩm này để sử dụng, làm quà biếu.

Không chỉ thị trường trong nước, giờ đây sản phẩm Cao Chè Vằng của Công ty TNHH Mai Thị Thủy đang bắt đầu có những đơn hàng lớn xuất khẩu ra nước ngoài. “Đầu năm 2021 đến nay, Công ty đã chuyển hàng đi ra nhiều nước, đó là tín hiệu vui cho Công ty chúng tôi, cũng như người nông dân trồng chè”, Giám đốc Mai Thị Thủy phấn khởi thông tin

Từ thành công của Cao Chè Vằng trên mảnh đất nghèo miền núi Cam Lộ đã mở ra một hướng phát triển những sản phẩm nông nghiệp mới, minh chứng cho chủ trương đúng đắn về xây dựng chương trình “Sản phẩm OCOP mang thương hiệu Made in Việt Nam” để từ đó các sản phẩm có thể “dong buồm” vươn khơi ra thương trường quốc tế.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.