Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Vực dậy vựa chuối Hướng Hóa

Nguyễn Thanh - 17:19, 16/06/2021

Một thời thị trường chuối Hướng Hóa (Quảng Trị) sôi động, mang lại giá trị thu nhập cao. Một thời chuối được bán la liệt trên cung đường 9, rồi đi các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu. Nay chuối Hướng Hóa đang rớt giá thê thảm, bởi dịch bệnh, bởi thị trường chủ lực là Trung Quốc ngưng trệ. Vực dậy vựa chuối đang được tỉnh Quảng Trị, huyện Hướng Hoá đặt trong nhóm nhiệm vụ quan trọng, cần quan tâm giải quyết hàng đầu lúc này...

Theo Quyết định 934/QĐ-TTg, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có diện tích khoảng 8,2 ha, thuộc địa phận phường 2, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Theo Quyết định 934/QĐ-TTg, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có diện tích khoảng 8,2 ha, thuộc địa phận phường 2, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị

Cây trồng chủ lực

Nhớ lại hơn một năm trước, người trồng chuối ở Hướng Hóa không khỏi tiếc nuối. Bởi, chuối đắt hàng; bao nhiêu chuối từ rừng, từ rẫy chở ra, được thương lái mua hết. Hình ảnh rất đỗi thân quen, vui mắt là từng đoàn xe tải lớn nườm nượp đổ về Hướng Hóa “ăn hàng”. Chợ chuối ngã ba Tân Long chưa bao giờ sôi động đến như thế. Mới mờ sáng đã có hàng ngàn người đổ về, hàng chục tấn chuối được tập kết dọc hai bên quốc lộ 9, chờ chuyển đi tiêu thụ.

Xin dẫn một số ví dụ từ xã Tân Long – trung tâm của “thủ phủ” chuối Hướng Hóa để thấy rằng, cây trồng chủ lực của bà con nơi miền Tây Quảng Trị một thời đắt hàng thế nào. Xã Tân Long có khoảng 1.500 hộ, thì đến 75% trồng chuối và khấm khá lên nhờ chuối. Mỗi ngày, tại khu vực chợ chuối Tân Long có đến 4 xe chuối với 60 tấn xuất sang Trung Quốc.

Phó Bí thư đảng ủy xã Tân Long, ông Nguyễn Văn Minh, nhớ lại: Tổng thu nhập toàn xã năm 2019 là 180 tỷ đồng, trong đó sản xuất nông nghiệp (với chủ lực từ cây chuối) đã đạt 121 tỷ đồng. Bình quân thu nhập đầu người cũng rất cao, chạm ngưỡng 40 triệu đồng mỗi năm.

Theo báo cáo của UBND huyện Hướng Hoá, thời điểm hiện tại, “thủ phủ” chuối mật mốc ở Hướng Hóa có hơn 3.500ha; tập trung ở Tân Long, Thuận, Tân Thành… Đây đang là cây trồng chủ lực của huyện, của tỉnh.

Chuối Hướng Hóa rớt giá

Nay, cung đường 9 đi qua các xã Tân Lập, Tân Long lên thị trấn Lao Bảo đã không còn cảnh tấp nập, nhộn nhịp mua bán chuối như trước, mà là một bức tranh rất ảm đạm. Lãnh đạo các xã có diện tích chuyên canh chuối lớn ở Hướng Hóa không dấu diếm: Sau Tết Nguyên đán 2021, giá chuối tụt xuống mức 4.000 - 5.000 đồng/kg và những ngày vừa qua chỉ còn 2.000 - 2.500 đồng/kg.

Mức giá thê thảm này, đã khiến doanh nghiệp, tiểu thương và người trồng chuối trên địa bàn “khóc ròng”. Còn người dân thì buồn bã: Giá như vậy chẳng bõ công lên rẫy cắt chuối chở ra chợ. Mà chở ra bán cũng chẳng ai mua.

Ông Nguyễn Đình Phục, Chánh Văn phòng UBND huyện Hướng Hóa cho hay: Nhiều năm qua, lượng chuối nơi đây xuất hàng ngàn tấn chuối đi Trung Quốc và một số nước ASEAN. Nhưng nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc xuất khẩu chuối sang Trung Quốc qua các cửa khẩu bị ngưng trệ; khiến người dân trồng chuối ở Hướng Hóa lao đao vì giá chuối tụt dốc.

Theo phân tích của ông Phục, sở dĩ chuối rớt giá thê thảm, ngoài nguyên nhân xuất khẩu qua Trung Quốc (thị trường chủ lực) gặp khó, thì lượng chuối tiêu thụ nội địa cũng giảm bởi các lễ hội trong nước tạm dừng tổ chức; nhà hàng, quán ăn, doanh nghiệp đóng cửa; học sinh nghỉ học… Hiện tại, có những ngày không có xe nào “ăn hàng” khiến chuối không thể tiêu thụ được, nhiều nơi chuối chín vàng ngoài rẫy.

Cây trồng chủ lực của huyện Hướng Hóa liệu có cần phải "giải cứu"?
Cây trồng chủ lực của huyện Hướng Hóa liệu có cần phải "giải cứu"?

Ở thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng, khiến các cửa khẩu thông thương với Trung Quốc bị “đóng băng”. Một số tiểu thương đã tìm cách đưa mặt hàng chuối quả tươi sang thị trường Lào, Thái Lan và các tỉnh, thành trong nước để tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Long, thông tin rằng, không thể mãi quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên chuyển hướng qua 2 thị trường Lào và Thái Lan là hướng đi đúng. Nhưng hai tháng trở lại đây, hai thị trường này cũng giảm xuống khá nhiều do ảnh hưởng của Covid-19...

Tìm lối đi cho chuối

Để tháo gỡ khó khăn cho sản phẩm chuối, huyện Hướng Hóa đang vận động doanh nghiệp, tiểu thương, người dân tìm các mối tiêu thụ nhỏ lẻ và chuyển đổi mô hình sản xuất. Theo đó, hoặc là người dân đưa chuối sang bán tại các tỉnh thành lân cận của Quảng Trị, hoặc liên hệ để xuất bán chuối vào các chuỗi siêu thị...

Một hướng đi khác cũng được khuyến khích là, giải quyết đầu ra bằng việc đầu tư hệ thống chế biến. Tại Hướng Hóa cũng đã có một số cơ sở chế biến chuối quả nhỏ lẻ và đã giải quyết được một lượng sản phẩm cho bà con. Về hướng lâu dài, việc mở rộng và nâng cấp quy mô các cơ sở chế biến chuối cùng việc hỗ trợ tem, nhãn mác, xây dựng thương hiệu để có chỗ đứng trên thị trường đang rất được Hướng Hóa coi trọng.

Theo thông tin chúng tôi có được, Sở Công thương Quảng Trị đang tích cực kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, nhà phân phối để hỗ trợ, giúp đỡ nông dân tiêu thụ các mặt hàng nông sản; trong đó có sản phẩm chuối. Ngành cũng đề nghị các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm các thị trường xuất khẩu nông sản mới để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Nằm trong chiến lược phát triển cây chuối lâu dài, những năm qua, sản phẩm chuối Hướng Hoá đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể. Hội Nông dân huyện cũng đã phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn các quy trình quản lý nhãn hiệu tập thể chuối Hướng Hoá cho người trồng chuối ở địa bàn các đơn vị thành viên nhãn hiệu tập thể, đồng thời phối hợp với Phòng khách hàng tổ chức doanh nghiệp của VNPT Quảng Trị - đơn vị cung cấp dịch vụ giải pháp truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả để cung cấp tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chuối quả tươi Hướng Hoá... Đây đang được xem là hướng đi bền vững, lâu dài cho sản phẩm chuối ở Quảng Trị.

(Nội dung thông tin tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

Ngày 25/4/2024, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (“Vinamilk”) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”) năm 2024. Theo đó, dựa trên kỳ vọng tình hình vĩ mô cải thiện trong năm 2024, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 4,4% về doanh thu và 5% về lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, chiến lược đổi mới về thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững của Vinamilk cũng được cổ đông quan tâm.