Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Cao Duy Sơn – nhà văn chung thủy với đề tài miền núi

PV - 10:13, 20/07/2021

Với những đóng góp tích cực cho sự nghiệp văn học dân tộc thiểu số nói riêng, văn học nước nhà nói chung; tiếp nối nhiều giải thưởng văn học, trong đó có Giải thưởng văn học Đông – Nam Á năm 2009, nhà văn Cao Duy Sơn đã có tên trong danh sách Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017.

Nhà văn Cao Duy Sơn
Nhà văn Cao Duy Sơn

Cao Duy Sơn sinh ra trên mảnh đất thuộc thung lũng Co Xàu, thị trấn cổ nổi tiếng của huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), vùng đất giàu di sản văn hóa như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, sông Quây Sơn… Là người mang hai dòng máu Kinh – Tày, anh được nuôi dưỡng trong một không gian văn hóa Tày thấm đẫm, nơi vừa có cái thô ráp của đá, vừa có chất trữ tình, lãng mạn của hoa trái, của dòng sông Quây Sơn và tấm lòng người miền núi thuần hậu, chất phác. Cái nghiệp văn đã vận vào cuộc đời, anh lặng lẽ học hỏi, tập trung thời gian, sức lực, âm thầm viết.

Với quan niệm “viết văn nhất định phải có sự ám ảnh. Không có sự ám ảnh sẽ không thể nào tạo ra được một tác phẩm, vì mọi cái đều trở nên hời hợt”, Cao Duy Sơn đã nỗ lực không ngừng trong hành trình sáng tạo và thành công ở thể loại văn xuôi. Anh là nhà văn có lối tư duy đằm chắc, xa lạ với sự ồn ào, náo nhiệt; cặm cụi, miệt mài viết để được thỏa đam mê, gieo đời mình vào từng con chữ. Mỗi khi đặt bút viết, anh thường cẩn trọng, suy nghĩ, viết chậm và kỹ. Anh tâm sự: “Tôi viết khó nhọc lắm, truyện nào viết cũng vất vả. Không có cái nào ăn ngay mà đều phải trải qua vài ba lần viết đi sửa lại”. Mỗi năm, Cao Duy Sơn chỉ viết được chừng hai truyện ngắn, đôi chương tiểu thuyết.

Tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối (gồm 7 truyện), anh viết trong 4 năm. Tiểu thuyết "Chòm ba nhà" khiến anh miệt mài suốt 3 năm có lẻ. Tiểu thuyết "Đàn trời", anh viết ròng rã trong 4 năm… Khởi nghiệp từ năm 1984, đến nay anh mới viết 5 cuốn tiểu thuyết (Người lang thang, Cực lạc, Hoa mận đỏ, Đàn trời, Chòm ba nhà); 5 tập truyện ngắn (Những chuyện ở lũng Cô Sầu, Những đám mây hình người, Hoa bay cuối trời, Người chợ và Ngôi nhà xưa bên suối).

Cao Duy Sơn – nhà văn chung thủy với đề tài miền núi 1

Văn xuôi Cao Duy Sơn gặt hái được nhiều thành công ở đề tài miền núi. Với anh, sáng tác là cơ hội để người con Co Xàu bày tỏ tình yêu với quê mẹ; viết văn là trả một “món nợ” với quê và là cuộc viễn du về cội nguồn. Vì thế, những gì anh viết vẫn luôn về Quây Sơn, Trùng Khánh, Cao Bằng… Anh đã tự khoanh vùng đề tài để khám phá bề sâu vỉa tầng văn hóa dân tộc. Cao Duy Sơn đã tinh lọc bản sắc văn hóa Tày, chọn những nét tinh túy nhất để tái tạo một thế giới nghệ thuật đặc sắc mang phong cách riêng.

Dù sống giữa phố xá ồn ã, nhưng tâm can anh lúc nào cũng tha thiết hướng về quê hương. Tập truyện ngắn "Ngôi nhà xưa bên suối" được viết giữa xôn xao phố thị, giữa khoảng nghỉ của những trang tiểu thuyết và đó là cuốn sách anh tâm đắc nhất. Nhà văn đã “giải mã” lai lịch cái tên Co Xàu bằng truyện ngắn "Tượng trắng". Bức tranh quê hương, nơi có dòng sông Gâm trong xanh thăm thẳm, mát ngọt; có bản Háng Vài với những tường nhà không trát áo lộ đá hộc nâu xám, mái ngói âm dương nối nhau như những toa tàu bị bỏ quên giữa thung lũng hoang lạnh hiển hiện trong các truyện "Ngôi nhà xưa bên suối", "Những chuyện ở lũng Cô Sầu"

Với bút pháp chân thật, không khoa trương, Cao Duy Sơn đã xây dựng nên những chân dung con người miền núi chân chất, giản dị, mộc mạc, dẫu cuộc đời không ít nỗi buồn đau. Khi viết, anh cùng dằn vặt, xót đau trước những số phận gian truân, bất hạnh; hướng họ đến “kết thúc có hậu” bằng niềm tin, ý chí, nghị lực. Đó là lão Phủ (Hoa bay cuối trời), lão Sấm (Người ở muôn nơi), lão Khuề và bà Ban (Âm vang vong hồn)…

Điều đặc biệt, nhân vật của anh thường có cuộc sống nội tâm phong phú, phức tạp, mạnh mẽ, dữ dội nhưng lặng lẽ, kín đáo. Trong "Ngôi nhà xưa bên suối", anh viết về vùng đất có ngọn núi Phja Phủ, về những thầy giáo từ miền xuôi lên dạy học ở miền núi, đặc biệt dành bao trân quý xây dựng nhân vật thầy Hạc. Tiểu thuyết "Chòm ba nhà" thể hiện sự hiểu biết sâu rộng, tìm tòi, khám phá của tác giả về đề tài chiến tranh.

Cao Duy Sơn dành sự quan tâm lớn với người phụ nữ miền núi; xây dựng nhân vật đẹp từ ngoại hình đến nội tâm trong các truyện Hoa mộc vương, Góc trời Tây có cơn mưa đá, Âm vang vong hồn... Điều đặc biệt, nhân vật của Cao Duy Sơn đã trở thành mô-típ nghệ thuật “thử thách của bi kịch”. Dẫu phải đối mặt với khó khăn đến tận cùng thì những nhân vật nhỏ bé, bất hạnh vẫn bộc lộ bản chất thật, chất “vàng mười” của người miền núi thuần hậu, chất phác, cá tính.

Ngòi bút Cao Duy Sơn luôn gắn chặt nền tảng văn hóa dân gian để sáng tạo. Đó là việc anh ví người phụ nữ với những loài hoa của núi rừng Việt Bắc dựa trên văn hóa dân gian Tày lấy hoa làm tiêu chí, chuẩn mẫu. Anh như một vị “đại sứ văn hóa” khéo léo giới thiệu những nét độc đáo của văn hóa Tày. Đó là các tục lệ cưới xin, dùng tên con để gọi thay tên cúng cơm của người mẹ, đi chợ tình, diễn rối đầu gỗ, lễ hội tranh đầu pháo… Ngôn ngữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn vừa giàu sắc thái bản địa vừa thể hiện nét độc đáo, sáng tạo trong việc vận dụng ngôn ngữ Tày - Việt. Chính sự kết hợp thuần thục, linh hoạt song ngữ Tày - Việt đã góp phần giúp người đọc hiểu sâu hơn về cuộc sống, con người, bản sắc văn hóa Tày. Điều này được thể hiện qua việc sử dụng lối ví von, so sánh liên tưởng gần gũi với cách tư duy của người dân miền núi; sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ, lối nói phuối pác, phuối rọi của văn học dân gian Tày. Anh khéo léo đưa tiếng Tày vào tác phẩm trong những trường hợp tiếng Tày dịch sang tiếng Việt khó có thể diễn đạt hết ý nghĩa. Điều quan trọng, là anh muốn hòa trộn ngôn ngữ Tày - Việt trong sự giao thoa, tiếp biến văn hóa.

Trong dòng chảy chung của văn học miền núi đương đại, Cao Duy Sơn là một trong những gương mặt tiêu biểu, tạo được dấu ấn riêng trong lòng người đọc. Chung thủy với mảng đề tài miền núi, nhà văn dự định sẽ viết về người Co Xàu di cư vào Tây Nguyên. Anh muốn tìm hiểu chất văn hóa Tày có gì biến đổi sau nhiều năm xa quê? Văn hóa độc đáo của người Tày cái gì còn giữ được, cái gì đã mất? Với ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc và quan điểm “Cái hay nhất vẫn là cái mình chưa viết ra được”, hy vọng nhà văn còn tiếp tục tiến xa trên con đường văn chương vốn nhọc nhằn nhưng đầy thú vị.

Tin cùng chuyên mục