Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Người đàn bà viết văn bước ra từ dòng sông Nho Quế

Hồng Phúc - 09:46, 09/02/2021

Đỗ Bích Thúy đã trở thành một hiện tượng thú vị của văn đàn Việt với đề tài miền núi. Những núi đá, nương ngô, con ngựa, hoa tam giác mạch… cùng nét ăn, nét ở, phong tục tập quán còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, thuần phác của đồng bào Mông, Tày đã được chị đưa vào những trang văn bằng một trái tim rung cảm và một tình yêu da diết kỳ lạ…

Người đàn bà viết văn bước ra từ dòng sông Nho Quế

“Rừng ở đâu nhà tôi ở đó”

Nữ nhà văn sinh ra và lớn lên trong ngôi làng người Tày tuyệt đẹp ở Hà Giang, trong ngôi nhà với hàng rào dứa, ao cá, dòng suối mát chảy qua vườn nhà, đàn lợn, bò tự do vào rừng ăn và chiều chiều nghe tiếng mõ trở về. Thưở bé, Đỗ Bích Thúy hồn nhiên chạy sang chơi ở rừng mả, soi đèn mỗi buổi sớm tinh mơ, nhặt trám sau đêm mưa rụng mà không biết với người Tày, đây là nơi cấm kị không ai được phép vào.

“Tôi là người con của núi rừng, tôi viết bằng tình yêu, nhung nhớ về Hà Giang - vùng đất đã cho tôi sống những tháng năm đẹp đẽ nhất của cuộc đời. Say đắm trong miền ký ức đẹp đẽ ấy, cảm hứng viết trong tôi chưa bao giờ ngơi nghỉ”, nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ.

Với sức viết bền bỉ, Đỗ Bích Thúy sở hữu gia tài đồ sộ hơn 20 đầu sách viết về chủ đề miền núi đa dạng về thể loại từ truyện ngắn, truyện vừa, tản văn đến tiểu thuyết. Trong đó, có những tác phẩm được chuyển thể thành phim, có tiếng vang lớn như “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” chuyển thể thành “Chuyện của Pao”, “Chúa đất”, “Người yêu ơi”, …

“Cả tuổi thanh xuân của tôi được gửi lại Hà Giang. Được tắm mình trong hai vùng văn hóa Mông - Tày, giữa những cô gái xinh đẹp, những bà già với câu chuyện ma, bùa chú…, 5 năm làm báo Hà Giang cho tôi nhiều cơ hội “đụng chạm” với nền văn hóa đặc sắc nơi địa đầu Tổ quốc. Thế nên những trang văn viết về miền núi như đưa tôi quay về với ngôi nhà của mình, được uống nước trong cái ấm nước ám khói mẹ đun trong căn bếp quen thuộc”, Đỗ Bích Thúy tâm sự.

Suốt hành trình hơn 20 năm cày cuốc văn chương trên mảnh đất miền núi, những tác phẩm của chị mang đậm hơi thở của cuộc sống vùng cao, với những con người, số phận ám ảnh trong khung cảnh miền núi đẹp hoang sơ, mơ màng. Những trang văn đẹp hiện lên những phong tục tập quán của người Mông, người Tày; những lễ hội, tang ma, cưới xin, bằng những làn điệu dân ca độc đáo; hình ảnh người DTTS được hiện lên rõ nét: chân thật, giàu sức sống, tự trọng.

Đặc biệt, các tác phẩm của nữ nhà văn đều để lại day dứt cho người đọc với số phận của các nhân vật nữ đầy khát vọng hạnh phúc, khí chất nhưng cũng vô cùng chịu đựng, khổ đau… Và những nỗi niềm rất đàn bà ấy, được bạn đọc đồng cảm, thấu hiểu.

Nhìn lại hành trình sáng tạo, có thể thấy, Đỗ Bích Thúy đã trở thành một hiện tượng thú vị của văn đàn Việt với đề tài miền núi. Đọc văn chị viết, độc giả thực sự cảm nhận được tâm hồn của một người “từ trong viết ra” chứ không phải “trông từ ngoài mà viết vào”. Khác những lớp nhà văn đi trước viết về đề tài này, Đỗ Bích Thúy tạo được dấu ấn riêng, không lẫn với ai khi đưa độc giả đến những vấn đề mang đậm hơi thở của cuộc sống đương thời của người dân tộc, trong thế giới văn học của mình.

“Lặng yên dưới vực sâu”- bộ phim truyền hình được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đỗ Bích Thúy được khán giả yêu thích
“Lặng yên dưới vực sâu”- bộ phim truyền hình được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đỗ Bích Thúy được khán giả yêu thích

Văn hóa dân tộc như cơm ăn, nước uống

Những trang viết của Đỗ Bích Thúy luôn mang đậm hơi thở vùng cao, từ khung cảnh thiên nhiên, đời sống sinh hoạt đến tâm hồn, nếp nghĩ, trở thành một di sản nho nhỏ, không thể thiếu khi người ta nhắc đến Hà Giang.

Trong những câu chuyện ấy, có tâm trạng của một người con đau đáu về vùng núi cũ, trăn trở với một vùng văn hóa mới. Đó là những mâu thuẫn rất đời thường, giữa chuyển giao hiện đại với truyền thống trong “Ngải đắng ở trên núi”. Khi đồng bào Mông trước những thay đổi trong cuộc sống mới: “Bao nhiêu năm nay người ở trên sàn nhà, trâu, ngựa, ngan, ngỗng, ở dưới gầm sàn, tự dưng em mày đòi mang trâu ra ngoài vườn, con trâu mẹ ốm lên ốm xuống cho uống bao nhiêu muối không khỏi…”.

Đó là cô Súa xinh đẹp, bản năng sống mạnh mẽ, khát vọng trong tình yêu, nhưng bất hạnh trong tiểu thuyết “Lặng yên dưới vực sâu”. Tác phẩm đề cập tới nét văn hóa truyền thống cướp vợ ở một số vùng đang bị biến tướng, bị lợi dụng vì mục đích cá nhân, không đề cao và tôn trọng tình cảm con người.

Là một nhà văn viết về đề tài miền núi, khi hỏi chị về những gì đang “ập” đến với miền sơn cước, như những Panorama ở Mã Pí Lèng, như những mái nhà ngói, những bức tường bê tông đang dần len vào giữa những ngôi nhà sàn truyền thống, chị vẫn lạc quan cho rằng, văn hóa đồng bào DTTS không bao giờ bị mất đi. Chỉ là như một phận người, văn hóa cũng đang phải tự mình đối mặt với những thách thức, phải đấu tranh.

Nhưng chị tin rằng, vẻ đẹp lấp lánh của những truyền thống văn hóa đã được gìn giữ từ bao đời nay của đồng bào DTTS sẽ vẫn tồn tại như một lẽ tự nhiên. Tự nhiên như những người phụ nữ Mông, hàng trăm năm nay vẫn giữ truyền thống trồng lanh, dệt vải, dù cho quá trình ấy phải trải qua hàng chục công đoạn phức tạp, cầu kỳ. Như cách hàng trăm năm nay, họ vẫn giữ văn hóa của mình đến khi chết đi: Ai cũng phải được chôn cùng bộ quần áo lanh để được tổ tiên nhận mặt.

Tin cùng chuyên mục
Trăn trở về một miền di sản: Gặp những người “níu giữ” di sản (Bài 2)

Trăn trở về một miền di sản: Gặp những người “níu giữ” di sản (Bài 2)

Trăn trở, đau đáu với những giá trị, bản sắc văn hoá của dân tộc trước nguy cơ mai một, biến mất… những người có trách nhiệm đã đánh cược với thời gian, chỉ để níu giữ di sản cho hậu thế.