Mục tiêu của Đề án nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tăng khả năng tiếp cận, tuân thủ quy trình, liệu lượng thuốc trong điều trị của người bệnh tại nhà, góp phần giảm lây nhiễm HIV, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Đồng thời gắn trách nhiệm của gia đình, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm gánh nặng công việc cho cơ sở điều trị nghiện dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.
Tại tỉnh Điện Biên, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được triển khai từ năm 2011, đến nay số lũy tích bệnh nhân điều trị Methadone hơn 6.500 người. Số bệnh nhân đang điều trị là gần 2.400/4.400 người (đạt tỷ lệ gần 55%). Cùng với đó, số cơ sở điều trị, cấp phát thuốc Methadone cũng tăng, toàn tỉnh hiện duy trì 8 cơ sở điều trị tại 9/10 huyện, thị xã, thành phố; 35 cơ sở cấp phát Methadone tại các trạm y tế xã, phường.
Tuy nhiên, những năm qua, việc điều trị nghiện bằng thuốc Methadon tại nhiều địa phương trong tỉnh gặp những khó khăn, đặc biệt là về khoảng cách địa lý. Với những người bệnh có việc làm ổn định hoặc những người bệnh ở quá xa thì việc đến cơ sở điều trị uống thuốc tốn nhiều thời gian, chưa kể là duy trì được thường xuyên. Đơn cử như ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên có nhiều bản cách xa điểm cấp phát thuốc Methadone trên 20 km như:Huổi Chan, Huổi Un, Pá Trả . Vào mùa mưa, việc đi lại khó khăn, nhiều người khi đến nơi đã quá giờ uống thuốc lại phải quay về nhà hoặc ở lại chờ đến ngày hôm sau.
Anh Chá A. M, bản Huổi Chan (Mường Pồn) cho biết: Khoảng cách từ nhà anh đến trạm y tế khá xa, cho nên mỗi ngày anh đều thức dậy từ sớm để xuống trạm y tế uống Methadone. Có những ngày trời mưa, đường lầy lội, xe máy không đi được, anh phải đi bộ. Sau khi uống thuốc xong, khi về đến nhà đã hơn 10 giờ, công việc ruộng nương dồn lại đến chiều mới làm được. Do vậy, khi được cấp phát thuốc Methadone mang về nhà sẽ giúp anh giảm thời gian, chi phí đi lại.
Trong năm 2021, triển khai thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu điều trị cho 4.400 bệnh nhân, góp phần làm giảm lây nhiễm HIV và một số bệnh trong nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện, cải thiện sức khoẻ và chất lượng cuộc sống, hỗ trợ người bệnh tái hoà nhập cộng đồng. Đồng thời, triển khai điều trị Methadone tại 8 cơ sở điều trị và 35 cơ sở cấp phát Methadone; tăng cường thu dung bệnh nhân, thu phí chương trình điều trị Methadone và củng cố đội ngũ cán bộ kỹ thuật nòng cốt về chương trình điều trị Methadone của tỉnh.
Ông Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên cho biết: Việc cấp phát thuốc Methadon nhiều ngày cho người bệnh được thực hiện theo các quy định hiện hành về quản lý chất gây nghiện, chất hướng thần do Bộ Y tế quy định và tuân thủ các nguyên tắc chuyên môn cụ thể. Mặt khác, người bệnh muốn được cấp thuốc nhiều ngày phải có đơn tự nguyện xin được cấp thuốc Methadone nhiều ngày, cam kết sử dụng thuốc đúng mục đích, hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu sử dụng thuốc sai mục đích, bảo đảm an toàn đến sức khoẻ, tính mạng, an ninh trật tự của bản thân và người khác.
Cũng trong giai đoạn thí điểm ban đầu, số liều tối đa người bệnh được cấp có thể tới 6 liều/lần mang về (không tính 1 liều người bệnh uống tại cơ sở y tế khi đến lấy thuốc) và phụ thuộc vào mức độ tuân thủ của người bệnh sau khi theo dõi và đánh giá mức độ tuân thủ hàng tháng.
Việc cấp phát thuốc Methadon nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadon là công việc mới, đang triển khai thí điểm nên tồn tại những khó khăn và trở ngại, vì vậy rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, cùng sự hướng dẫn chỉ đạo chuyên môn của Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế tạo điều kiện để các tỉnh, thành phố triển khai thành công Đề án.