Đàn T’rưng của người Gia Rai là chuỗi các ống đàn được làm bằng cây tre, nứa, lồ ô và được liên kết với nhau bằng dây mây hoặc dây làm từ vỏ cây rừng. Đàn T’rưng có hình chữ V ngược, nhờ các ống nứa được kết với nhau bằng những sợi dây mảnh mà bền chắc. Đàn T’rưng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần. Đây còn là những công cụ để kết nối với thần linh trong dịp lễ hội.
Trong ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng làng Ấp, tiếng đàn T’rưng đang vang lên đều đều. Thứ âm thanh êm dịu, nhẹ nhàng làm say đắm lòng người ấy được chính những thanh niên trong làng tấu lên. Bên cạnh là anh Kpuih Dyui - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đàn T’rưng làng Ấp đang nhiệt tình hướng dẫn các bạn trẻ luyện tập.
Anh Dyui chia sẻ: "Cứ vào thứ 7 hàng tuần, khi lớp trẻ trong làng rảnh rỗi là tập trung đén nhà sinh hoạt cộng đồng để giao lưu. Từng là cựu thủ lĩnh đoàn thanh niên làng Ấp, tôi đã tập hợp thanh niên vào tổ chức Đoàn - Hội, đứng ra tổ chức lớp học miễn phí để gắn kết các thanh niên, mong muốn thế hệ trẻ có sân chơi lành mạnh, trân trọng, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống. Vì vậy, năm 2020, Câu lạc bộ Đàn T’rưng làng Ấp được thành lập và dạy hoàn toàn miễn phí cho các bạn yêu thích môn âm nhạc này. Ngoài đàn T’rưng, còn có đàn Krông pút để các bạn trẻ có thể học thêm".
Dưới sự hướng dẫn của anh Dyui, thanh niên trong làng hăng say luyện tập. Đặc biệt, ai chưa đúng các thao tác, kỹ năng cơ bản anh đều nhẹ nhàng truyền dạy, điều chỉnh cho phù hợp. Những câu hỏi về nhạc cụ dân tộc, về văn hóa truyền thống cũng được anh giải đáp cặn kẽ. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của anh Dyui, thanh niên trong làng Ấp đã nhanh chóng chơi thuần thục các bài: “Tây Nguyên vào hội”, “Mừng chiến thắng”, “Em đẹp như hoa pơ lang”…
Em Rơ Lan Hiếu (15 tuổi) bày tỏ: “Lúc đầu, em thấy học nhạc cụ dân tộc tương đối khó, nhưng được anh Dyui hướng dẫn tận tình, em đã đánh thuần thục được nhiều bài hát. Khi nhà trường tổ chức văn nghệ, em tham gia biểu diễn và nhận được sự cổ vũ, khen ngợi của thầy, cô giáo. Nhờ anh Dyui truyền dạy mà em càng cảm thấy yêu thích âm nhạc của dân tộc mình. Em luôn tranh thủ sắp xếp thời gian để không bỏ lỡ buổi học nào của Câu lạc bộ”.
Tiếng lành đồn xa, thanh niên trong làng rủ nhau đến lớp học của anh Dyui ngày càng đông. Hiện nay, đã có 20 học viên đến lớp chuyên cần. Mọi người ai cũng hăng say luyện tập và thể hiện sự sáng tạo từ đàn T’rưng, Krông pút. Nhìn cách các anh ân cần hướng dẫn học viên từ tư thế, cách chơi đàn mới hiểu được tâm sức cũng như vì sao học viên lại thích thú và chăm chỉ tham gia lớp học đến thế. Ánh mắt chăm chú quan sát từng cử chỉ, thao tác, kỹ năng của học viên để điều chỉnh. Trong lúc học, anh Dyui còn đan xen những câu chuyện vui, hỏi thăm chia sẻ, gần gũi với các bạn trẻ nên không khí lớp học lúc nào cũng rộn ràng. Tuy dạy cố định vào chiều thứ bảy, nhưng lịch tập có thể thay đổi linh hoạt tùy thuộc vào mùa vụ sản xuất hoặc sự sắp xếp của các học viên để tạo thuận lợi cho việc học.
Lớp học âm nhạc dân tộc đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của dân làng. Các gia đình đều tạo điều kiện để con em theo học. Một số học viên khi tham gia các cuộc thi, hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ do các cấp tổ chức đã đạt giải. Anh Kpuih Thuận - Phó Bí thư Đoàn xã Ia Kriêng cho biết: “Mình cũng tham gia học tại lớp học miễn phí ở Câu lạc bộ Đàn T’rưng làng Ấp. Lớp tổ chức khá đều đặn không chỉ tạo sân chơi để đoàn viên thanh niên trong xã gắn kết với nhau, tăng cường sự giao lưu, học hỏi kinh nghiệm công tác Đoàn - Hội mà quan trong hơn là sự lan toả niềm đam mê với âm nhạc dân tộc”.
Anh Lê Trọng Phúc - Bí thư Huyện Đoàn Đức Cơ nhận định: Các lớp học mang đến màu sắc mới mẻ cho hoạt động Đoàn, góp phần tập hợp thanh niên vào tổ chức Đoàn - Hội. Từ hiệu quả mang lại, tới đây, Huyện Đoàn có kế hoạch giới thiệu nhân rộng để các tổ chức Đoàn cơ sở trong huyện học tập, làm theo. Đây cũng là mô hình câu lạc bộ ý nghĩa, không chỉ kết nối đoàn viên thanh niên mà còn khơi dậy niềm tự hào, tình yêu đối với âm nhạc dân tộc. Qua đó, nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống dân tộc qua các thế hệ.