Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Cây cầu nối những bờ vui

Ngọc Ánh- Lê Thạch - 14:55, 20/08/2023

Ngay từ sáng sớm một ngày đầu Thu, mọi người dân trong bản Phá Mựt (xã biên giới Nhôn Mai, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) đã hẹn nhau “diện” những bộ quần áo đẹp nhất, rực rỡ nhất để tham gia buổi Lễ cắt băng khánh thành cầu dân sinh vào bản.

Cầu dân sinh bản Phá Mựt, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương có kết cấu vững chắc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và học sinh địa phương.
Cầu dân sinh bản Phá Mựt, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương có kết cấu vững chắc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và học sinh địa phương.

Được tham gia buổi Lễ quan trọng của bản, chúng tôi thấy hai bên đường dẫn đến 2 đầu cầu, cờ Tổ quốc tung bay trong nắng sớm, mọi người dân đã tề tựu đông đủ trong bộ trang phục đẹp nhất để chờ đón giây phút được đi trên cây cầu qua bản. Không để mọi người phải chờ lâu, các thủ tục khánh thành được tiến hành nhanh chóng; các đại biểu, đặc biệt là dân bản rất vui mừng, phấn khởi được đi trên cây cầu vững chãi vào bản.

Bản Phá Mựt, xã Nhôn Mai cách trung tâm huyện Tương Dương 145km. Bản có 65 hộ với 371 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Tỷ lệ hộ nghèo trong bản chiếm tới 90%. Đời sống kinh tế của bà con nơi đây còn gặp rất nhiều thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn. Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và các sản vật từ rừng. Trước đây, đường vào bản Phá Mựt qua khe Con Tọc chỉ mới có cầu tạm ghép bằng ván gỗ, vào mùa mưa lũ, nước suối tại suối bản Phà Mựt dâng cao gây chia cắt cục bộ, khó khăn trong việc đi lại, làm ăn của bà con nơi đây. Đặc biệt, việc học hành của con em trong bản bị gián đoạn.

Thấu hiểu những khó khăn này của bà con dân bản, Đồn Biên phòng Nhôn Mai, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An đã kết nối, vận động các nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện ở TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ kinh phí xây dựng cầu dân sinh bản Phà Mựt. Cầu dân sinh vào bản Phá Mựt được xây dựng bền vững bằng bê tông cốt thép có tải trọng 3,5 tấn, rộng 3m, với tổng trị 450 triệu đồng. Sau gần 2 tháng thi công, cầu dân sinh bản Phá Mựt chính thức được đưa vào sử dụng.

Cầu dân sinh vào bản Phá Mựt được xây dựng bền vững bằng bê tông cốt thép có tải trọng 3,5 tấn, rộng 3m, với tổng trị 450 triệu đồng.
Cầu dân sinh vào bản Phá Mựt được xây dựng bền vững bằng bê tông cốt thép có tải trọng 3,5 tấn, rộng 3m, với tổng trị 450 triệu đồng.

Thượng tá Phan Thanh Hồng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhôn Mai cho biết: Trong quá trình nhà thầu thi công, đơn vị thường xuyên cử cán bộ theo dõi, giám sát, đôn đốc nhà thầu để thi công đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Đơn vị cũng tổ chức huy động ngày công của cán bộ, chíến sĩ phối hợp cùng nhà thầu để cầu sớm hoàn thành.

Cầu bản Phá Mựt được khởi công xây dựng đúng vào dịp Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023). Sau gần 2 tháng tích cực triển khai trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, có những ngày nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 42 độ C. Nhưng với quyết tâm hoàn thành sớm ngày nào đồng bào đi lại đỡ vất vả ngày đó. Và cũng để tránh mùa mưa lũ đã cận kề nên trong quá trình triển khai thi công, Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã nhiều lần trao đổi, bàn bạc với nhà thầu để tìm ra phương án thi công tối ưu nhất, tiết kiệm nhất. Công trình cầu dân sinh bản Phà Mựt đã hoàn thành tất cả các hạng mục, đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ, thuận tiện sử dụng…

Người dân địa phương và các đại biểu phấn khởi đi trên cây cầu dân sinh vừa được khánh thành, đưa vào sử dụng
Người dân địa phương và các đại biểu phấn khởi đi trên cây cầu dân sinh vừa được khánh thành, đưa vào sử dụng

Tham gia Lễ khánh thành, ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương đánh giá: Việc khánh thành cầu dân sinh bản Phà Mựt sẽ góp phần phục vụ việc đi lại, khám chữa bệnh của đồng bào nơi đây cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tới trường ngay cả trong mùa mưa lũ. Đồng thời góp phần nâng cao đời sống, phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn.

Anh Xồng Bá Tồng, Trưởng bản Phá Mựt phấn khởi chia sẻ: Có được cây cầu, mọi người dân trong bản phấn khởi lắm. Thay mặt bà con xin chân thành cảm ơn tới các nhà tài trợ từ phương Nam xa xôi đã đến hỗ trợ, giúp đỡ bà con dân bản, cảm ơn cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã kết nối góp sức chung tay để câu cầu sớm hoàn thành…

Cùng ngày, Đồn Biên phòng Nhôn Mai và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các nhà tài trợ đã làm Lễ khởi công xây dựng cầu Nhôn Mai, bắc qua khe Hỷ, nối liền bản Nhôn Mai xã Nhôn Mai, với Trường PTDT bán trú Nhôn Mai. Theo thiết kế, cầu Nhôn Mai được làm bằng kết cấu thép, dài 34m, rộng 2m, kinh phí dự kiến khoảng 500 triệu đồng. Tại buổi khởi công, các nhà tài trợ, mạnh thường quân, nhà thầu… đều cam kết sẽ tập trung để cây cầu được hoàn thành trong thời gian sớm nhất, trước ngày khai giảng năm học mới 2023 - 2024…

Ông Lữ Ngọc Tinh, Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai phấn khởi nói: “Trước đây, chưa có cầu là bà con cứ phải tay xách nách mang, lội qua suối, nước cạn còn đỡ, chứ mùa mưa lũ rất là nguy hiểm. Cây cầu này xây xong sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh đến trường, người dân đi lại, cũng như hoạt động sản xuất phát triển kinh tế. Qua đó, thắt chặt mối tình đoàn kết quân - dân, góp phần xây dựng địa bàn biên giới ngày càng vững mạnh”…

Xã biên giới Nhôn Mai, huyện Tương Dương có diện tích 21.346,40 ha, đường biên giới dài 28,111 km tiếp giáp với nước bạn Lào. Toàn xã có tổng số 849 hộ/3.974 nhân khẩu, thuộc 3 thành phần dân tộc: Thái, Khơ Mú, Mông sinh sống, trong đó số hộ nghèo 554 hộ, hộ cận nghèo 118 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo nơi đây là 79,15%.

Thời điểm chưa có cầu, người dân phải lội qua khe Hỷ, bản Nhôn Mai, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương
Thời điểm chưa có cầu, người dân phải lội qua khe Hỷ, bản Nhôn Mai, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương

Trong những năm qua, được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành quan tâm đầu tư, bộ mặt miền núi, biên giới nói chung, xã Nhôn Mai nói riêng đã có những khởi sắc. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là về giao thông, trường học, nước sinh hoạt, y tế… Thời gian qua, đồng hành chính quyền các cấp, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trên cả nước đã chung tay, góp sức với Nhân dân địa phương với những việc làm hết sức thiết thực như: Xây dựng trường học, cơ sở y tế, cầu dân sinh, hệ thống nước sạch, đầu tư các mô hình sinh kế giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo…

Những công trình, mô hình kinh tễ đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều chuyển biến tích cực; đồng bào yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần cùng lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Nguyên Bình

Ghi ở Nguyên Bình

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong các ngày từ 8 - 10/9, mưa lũ tràn về đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đặc biệt tại huyện Nguyên Bình. Tính đến ngày 14/9, các điểm sạt ở tại hai xã Ca Thành và Yên Lạc đã có 52 người chết. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm số người mất tích. Đây là nơi sinh sống của phần lớn đồng bào DTTS.