Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Cây nêu trong đời sống đồng bào DTTS Tây Nguyên

Lê Hường - 12:15, 11/07/2023

Trong các nghi lễ, lễ hội của đồng bào các DTTS tại Tây Nguyên, cây nêu chính là biểu tượng tâm linh kết nối giữa trời - đất, con người và thần linh. Tuy nhiên, mỗi dân tộc có hình thức thể hiện cây nêu mang ý nghĩa riêng.

Cây nêu trong lễ cúng lúa mới của đồng bào Mnông
Cây nêu trong lễ cúng lúa mới của đồng bào Mnông

Đối với đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên, cây nêu có mặt trong hầu hết các lễ hội, nghi lễ, lễ cúng. Từ lễ hội lớn trong phạm vi cộng đồng như mừng buôn làng mới, nhà rông mới, mừng lúa mới, tìm ra nguồn nước mới, đến nghi lễ trong gia đình, dòng tộc như lễ mừng thọ, đặt tên cho bé, lễ cưới, lễ tang… cây nêu đều giữ vai trò quan trọng. Hình dáng, màu sắc, hoa văn của cây nêu thể hiện rõ quy mô lớn hay nhỏ của lễ hội.

Cây nêu của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên, thường có 4 màu chủ đạo, là vàng, đỏ, trắng, đen. Thân cây nêu được tô vẽ cầu kỳ. Đây cũng chính là những màu sắc chính trong nghệ thuật điêu khắc dân gian của đồng bào Tây Nguyên.

Am hiểu về cây nêu, già làng Y Xuyên, dân tộc Mnông, bon Ja Răh, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cho biết: Cây nêu không chỉ mang yếu tố văn hóa dân tộc, mà còn mang ý nghĩa tâm linh, kết nối giữa đất và trời, giữa con người với thần linh. Dựng cây nêu là việc làm quan trọng, bon làng phải họp bàn, huy động nam giới vào rừng chọn những cây tre thẳng, chắc. 

Theo quan niệm của đồng bào, người dựng cây nêu phải là người đàn ông có uy tín trong bon làng, am hiểu về cách dựng, trang trí, khéo léo và có kinh nghiệm về cuộc sống, hiểu biết về thế giới tự nhiên. “Đối với đồng bào dân tộc Mnông ở xã Nâm Nung, cây nêu là nơi trú ngụ của các thần linh, nơi các vị thần sẽ về ngự và tham dự các lễ hội cùng bon làng”, già làng Y Xuyên chia sẻ.

Cây nêu của đồng bào Mnông trong các lễ hội thường cao 3 - 5m trở lên, chia làm 3 tầng (tùy theo lễ cúng). Trong đó, tầng trên cùng là hình con chim én, có ý nghĩa thể hiện khát vọng cuộc sống, vươn cao bay xa, trừ tà, đuổi thú và được trang trí lục lạc, bông lúa. Phía dưới là một mô hình tròn được làm bằng quả bầu, tượng trưng cho đất. Xung quanh quả bầu có gắn bông gòn trắng tượng trưng cho nước. Bốn góc treo những chùm tua lồ ô, tượng trưng cho những bông lúa trĩu hạt.

Tầng giữa của cây nêu được làm bằng tấm đan từ cây lồ ô, bốn góc được gắn những con vật được đan bằng tre, nứa như dê, trâu, chim, gà… Đây là nơi mà các vị thần linh về ngự, nên các các lễ vật dâng cúng gồm con gà, gạo nếp, rượu, thịt nướng, máu của con vật hiến tế đều đặt ở đây.

Tầng dưới cùng của cây nêu cách mặt đất 2m, để người cúng tế có thể nói chuyện với thần linh, xin thần linh đem lại cho bon làng sự giàu mạnh, con người khỏe mạnh, làm ra nhiều của cải, xua đuổi những cái xấu, đem lại cho bon làng sự bình yên, tốt đẹp.

Cây nêu trong các nghi lễ của đồng bào Ê Đê
Cây nêu trong các nghi lễ của đồng bào Ê Đê

Đối với dân tộc Ê Đê, cây nêu được trang trí những họa tiết, hoa văn khác nhau tùy theo ý nghĩa của từng lễ hội, nghi lễ nhưng đều mang ý nghĩa tạ ơn, cầu cho gia đình, buôn làng ấm no, hạnh phúc.

Cây nêu của đồng bào Ê Đê thường có chiều cao thấp hơn các dân tộc khác, vì các lễ hội của người Ê Đê được tổ chức trong nhà dài nhiều hơn. Họa tiết, trang trí cây nêu cũng đơn giản, màu sắc chủ đạo là màu đỏ, đen và vàng. Người Ê Đê làm cây nêu bằng gỗ mềm, như cây xoan và thường chọn cây có thân thẳng, cây không bị sâu đục, lá không úa vàng.

Theo ông Y Kô Niê, dân tộc Ê Đê ở Tp. Buôn Ma thuột, tỉnh Đắk Lắk, một người am hiểu văn hóa Ê Đê, ý nghĩa của biểu tượng và họa tiết từng phần trên cây nêu của người Ê Đê được ví như thân hình của một vị thần, gồm 5 phần: Phần đầu hình bắp chuối thể hiện sự kết nối giữa đất và trời, giao tiếp giữa các vị thần và linh hồn vạn vật với con người. Phần cổ hình chữ Z biểu trưng cho con cá, bên dưới là 4 thanh gỗ được gắn ngàm với nhau như bếp lửa tượng trưng cho giàn bếp,cầu mong gia đình, dòng họ an lành. Phần ngực hình nồi đồng và cái bếp cầu no đủ và hạnh phúc, thể hiện sự đoàn kết, sum vầy gắn kết con người với con người và gia đình với cộng đồng buôn làng. Phần bụng khắc vòng quanh thân cây nêu thể hiện số lần tổ chức nghi lễ trong gia đình. Phần chân được trang trí bằng họa tiết cách điệu như chong chóng, tổ ong với hai màu đỏ và vàng, là nơi mọi người trong cộng đồng, khách mời gửi gắm mơ ước, cầu xin các vị thần phù hộ.

Lễ cúng lúa mới của người Xơ Đăng không thể thiếu cây nêu
Lễ cúng lúa mới của người Xơ Đăng không thể thiếu cây nêu

Với đồng bào Xơ Đăng, cây nêu tượng trưng cho cây lúa. Việc dựng cây nêu đầu năm mới cầu mong mùa màng bội thu, mọi gia đình ấm no. Vì thế, cây nêu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong ngày đầu năm mới của người Xơ Đăng, đặc biệt là lễ cúng mừng lúa mới.

Để làm cây nêu, đồng bào Xơ Đăng chọn cây lồ ô to, đẹp và thẳng để làm thân cây nêu. Ngọn cây nêu được tạo hình 6 nhánh cây, trên ngọn tạo hình bông hoa nhiều cánh, phía dưới là hình con chim, chùm tua sợi được làm từ tre tô màu đỏ và đen thể hiện mong ước no ấm, đủ đầy. Thân cây nêu được tô màu trắng, đen và đỏ. Gốc cây nêu có một sàn đan bằng tre để vật dâng cúng thần linh.

Ông Y Krắp, trú bon Ja Răh là thầy cúng lâu năm ở xã Nâm Nung chia sẻ: Nhìn tổng thể, cây nêu là một tác phẩm nghệ thuật sinh động, hoa văn trang trí được khắc, đan, đẽo rất tinh tế. Cây nêu đứng giữa trời cao vút, là linh hồn và là “lễ đài” của toàn bộ buổi lễ. Cây nêu không chỉ mang giá trị nghệ thuật điêu khắc, mà còn có ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Vì thế, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên coi cây nêu là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Cây nêu là cầu nối giữa đất và trời, là sự kết nối vô hình giữa con người với thần linh nhằm đưa những mong muốn, ước nguyện của dân làng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, thể hiện khát vọng sống vươn tới cuộc sống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.