Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Đón Xuân trên con đường Hạnh Phúc

Chí Tín - Vũ Mừng - 16:27, 18/02/2024

Ở miền cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang có một con đường mang tên Hạnh Phúc. Cái tên được chính Bác Hồ đặt cho Quốc lộ 4C dài 185km từ TP. Hà Giang lên 4 huyện vùng cao Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. 65 năm sau ngày khởi công (tháng 9/1959), cuộc sống của hàng vạn đồng bào nơi đây đã đổi thay nhờ có đường này.

Tượng đài Thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc  (Ảnh Sở VH,TT&DL Hà Giang)
Tượng đài Thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc (Ảnh Sở VH,TT&DL Hà Giang)

Khát vọng “đội đá vá trời”

Đã 65 mùa Xuân trôi qua, đáp lại tình cảm và lòng mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào 22 dân tộc anh em sống trên cao nguyên đá Đồng Văn đã và đang cố gắng để làm thức dậy một vùng đá xám hoang vu. Nói như nhà thơ Hùng Đình Quý, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, nếu đường Hồ Chí Minh là biểu tượng của lòng quả cảm, tinh thần yêu nước sâu sắc, thì đường Hạnh Phúc là biểu tượng của tình đoàn kết các dân tộc, là lý tưởng, là chứng tích về lòng quả cảm của tuổi trẻ Việt Nam.

Ai đó có dịp lên thăm Hà Giang, dừng chân ở lưng đèo Mã Pí Lèng sẽ thấy tấm bia đá còn ghi rất rõ: Ngày khởi công con đường Hạnh Phúc 10/9/1959, hoàn thành ngày 15/6/1965. Suốt 6 năm ròng, hơn 1.300 nam, nữ thanh niên xung phong cùng hơn 1.000 dân công đồng bào các dân tộc đã góp sức với hơn 2 triệu ngày công, đục, khoét gần 3 triệu mét khối đá bằng sức người để tạo tác nên dáng hình một con đường giữa trập trùng mây, núi miền biên ải.

Thanh niên xung phong tay đục, tay choòng phá đá mở đường Hạnh Phúc. Ảnh: Bảo tàng lịch sử Hà Giang
Thanh niên xung phong tay đục, tay choòng phá đá mở đường Hạnh Phúc. Ảnh: Bảo tàng lịch sử Hà Giang

Người nặng lòng với Hà Giang nếu tới không gian trưng bày, giới thiệu về mảnh đất, con người trên vùng mênh mông đá núi tại bảo tàng lịch sử của tỉnh, ngay lập tức bị cuốn hút bởi những hiện vật, hình ảnh tư liệu liên quan tới con đường Hạnh Phúc. Ở đó còn có những sẻ chia của ông Sùng Đại Dùng, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang, nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên, “Tổng chỉ huy” lực lượng Thanh niên xung phong đã từng cần mẫn mở cuộc trường chinh vào trong lòng đá kỳ vĩ nhất trong lịch sử Việt Nam.

Trong quá trình làm đường, đoạn thông từ Đồng Văn sang Mèo Vạc có dốc Mã Pí Lèng dựng đứng là thách thức lớn nhất với sức trẻ trên đại công trường. Với tay búa, tay choòng, hàng chục con người treo mình như thằn lằn bám trên đá lạnh, đục vách đá, nhét thuốc nổ vào, rồi hô đồng đội kéo lên đỉnh núi. Ít phút sau mìn nổ, vỡ ra những miếng đá nhỏ bé như nắm tay người...

Tháng 9/2023, tỉnh Hà Giang được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) vinh danh là: Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023. Trong tất cả các tiêu chí đánh giá đó đều trân trọng nhắc tới vai trò của con đường Hạnh Phúc huyền thoại.”

Thức dậy một vùng biên cương

Năm 2024 đánh dấu tròn 65 năm khởi công con đường Hạnh Phúc, với 2 làn xe chạy giữa lòng cao nguyên đá mênh mông như một chứng tích về lòng quả cảm, sự hy sinh, là biểu hiện về tình đoàn kết các dân tộc, lý tưởng của tuổi trẻ.

Lịch sử của Hà Giang có thêm một trang Vàng mới kể từ khi đường Hạnh phúc được mở ra. Rất nhiều đoàn công tác của tỉnh, của huyện xuống các bản tuyên truyền, thuyết phục đồng bào nhổ bỏ, không trồng cây thuốc phiện. Rồi cán bộ lại “ba cùng” với đồng bào để hướng dẫn họ trồng trọt, chăn nuôi làm ăn kinh tế... Hàng quán, phố sá theo đường mọc lên, những người Mông, Dao, Tày, Giáy dẫu ở tận bản xa cũng đã biết đến hình dáng chiếc ô tô, xe máy... Từ đường lớn, mạng lưới đường nhánh về huyện, xã, thôn được mở, trẻ con vùng cao tung tăng cắp sách tới trường.

Những đứa trẻ hạnh phúc nơi con đường Hạnh Phúc đi qua
Những đứa trẻ hạnh phúc nơi con đường Hạnh Phúc đi qua

Trong dịp Tết này, ở khắp các điểm du lịch nằm trên con đường huyền thoại, đồng bào các dân tộc chào đón du khách bằng hình thức trải nghiệm, tìm hiểu văn hoá, ẩm thực, để những du khách ở các vùng, miền khác có cơ hội dấn bước vào với cuộc sống dù còn gian khó nhưng lại đẹp như cổ tích của người dân vùng cao nguyên đá. Con đường Hạnh Phúc đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch, là “nhịp cầu” dẫn tới các địa danh nổi tiếng như đèo Mã Pì Lèng, dốc Bắc Sum, dốc Thẩm Mã, cổng trời Quản Bạ, Vách đá trắng…

Con đường Hạnh Phúc
Con đường Hạnh Phúc

Hôm nay, ai đến Hà Giang, nơi thiêng liêng cột cờ Lũng Cú, nơi đỉnh Mã Pí Lèng ẩn hiện sương mù, nơi cao nguyên đá mênh mông, nơi cổ kính Nhà Vương hay Khau Vai nặng nợ ân tình… xin đừng quên rằng, con đường dưới chân mình đang đi chính là đường Hạnh Phúc!

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.