Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Chát, ngọt những nương chè

An Yên - 20:38, 14/06/2023

Đứng trước những nương chè mướt xanh, Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An) Mùa Bá Giờ kể rằng, vùng đất này từng đầy rẫy cây anh túc. Cuộc sống người dân vì thế luôn đối mặt với đói nghèo… Thời ấy là chừng 20 năm về trước, khi cây chè Shan tuyết chưa bén rễ với vùng đất miền biên viễn này.

Ông Vừ Vả Chống thu hái chè Shan tuyết.
Ông Vừ Vả Chống thu hái chè Shan tuyết

Bén duyên đất mới

Ngược Quốc lộ 16, chúng tôi vào xã Huồi Tụ, Mường Lống, huyện Kỳ Sơn đúng vào vụ bà con người Mông thu hoạch chè Shan tuyết. Giữa những cánh rừng là những nương chè mướt xanh, lóng lánh sương mai. Mấy mẹ người Mông tay thoăn thoắt hái những búp chè căng mẩy, đầy lông tuyết bỏ vội vàng vào chiếc gùi mang sẵn sau lưng…

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vừ Vả Chống, ở bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ kể: Thời điểm năm 2003, cán bộ Tổng đội Thanh niên xung phong 8 - Xây dựng kinh tế Nghệ An (gọi tắt là Tổng đội TNXP 8 - PV) đóng trên địa bàn xuống tận bản vận động từng gia đình đấy. Dù được hỗ trợ cây giống, kỹ thuật chăm sóc và cam kết bao tiêu sản phẩm nhưng tốn công chăm sóc nên bà con chưa ưng cái bụng.

Thế ông Chống có trồng chè Shan tuyết không? - chúng tôi hỏi và lão nông người Mông lại say sưa: Có chứ. Nhà mình là một trong những hộ tiên phong trồng hơn 2 ha chè Shan tuyết.

Sau 2 năm chăm bón, cây chè hợp đất, hợp khí hậu nên xanh tốt. Lứa chè đầu tiên thu hoạch vào năm 2006, đích thân cán bộ Tổng đội TNXP 8 xuống tận nương, hái từng búp chè, cân ký, rồi trả tiền.

Ông Chống tiếp lời: Sau vụ hái chè đầu tiên, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 12 Dương lịch hằng năm, ngày nào mình cũng hái và có tiền bán chè. Ngày ít cả hai vợ chồng hái được 30 kg, ngày nhiều 80 - 100 kg, tất cả đều được Tổng đội thu mua. Lúc bấy giờ, cả gia đình sống nhờ vào nương chè đấy. Ở thời điểm hiện tại, nhà mình đang có hơn 3 ha chè Shan tuyết đấy.

Chè Shan tuyết ở Kỳ Sơn có nguồn gốc từ tỉnh Hà Giang. Ấy là năm 2003, sau khi được thành lập, Tổng đội TNXP 8 đã đưa giống chè Shan tuyết từ tỉnh Hà Giang về trồng tại 2 xã Huồi Tụ, Mường Lống.

Nhờ hiệu quả của cây chè mà đồng bào Mông nhiều xã vùng biên giới đã từ bỏ thói quen đốt rẫy, du canh, du cư… Theo thống kê, huyện Kỳ Sơn hiện có hơn 600 ha chè Shan tuyết; trong đó, 400 ha tập trung chủ yếu tại các xã Huồi Tụ, Mường Lống, Na Ngoi… đạt sản lượng 1.400 tấn chè tươi/năm.

Cây xóa nghèo

Vội vã hái những búp chè căng mọng, ông Dềnh Vả Hùa, bản Huồi Khả, xã Huồi Tụ cho hay, những năm trở lại đây, giá chè ngày một nâng cao, Tổng đội TNXP 8 và thương lái về thu mua tận nhà nên bà con rất vui, yên tâm sản xuất.

Những đồi chè shan tuyết dưới tán rừng pơ mu
Những đồi chè shan tuyết dưới tán rừng pơ mu

Ông Hùa bảo rằng: Gia đình tôi có hơn 2 ha chè. Với mức giá thu mua 10.000 đồng/kg, mỗi năm thu nhập từ 80 - 90 triệu đồng. Nhờ cây chè mà chúng tôi thoát được cái nghèo, con trẻ có điều kiện học hành.

Ông Mùa Bá Giờ, Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ chia sẻ: Với mức giá từ 9.000 - 11.000 đồng/kg chè búp tươi, tính ra hơn 1 ha chè thu về gần 40 - 50 triệu đồng. Hiện nay, chúng tôi đang thống kê diện tích đất và tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích chè.

Thêm một thông tin khiến chúng tôi vui hơn. Hiện nay, huyện Kỳ Sơn đã thông qua đề án phát triển cây trồng chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, cây chè Shan tuyết là một trong những cây trồng chủ lực của huyện.

Ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn khẳng định: Nhờ trồng chè mà nhiều người dân địa phương có công việc ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giảm thiểu tệ nạn xã hội. Mỗi năm, huyện định hướng vùng chè của 3 xã nói trên sẽ cố gắng trồng mới từ 50 - 70 ha chè theo mô hình chè chất lượng cao.

Từ những hộ trồng chè Shan tuyết đầu tiên, cây chè đã bén rễ và phát triển ở vùng đất Kỳ Sơn. Quãng thời gian ấy đủ để chứng minh sự đúng đắn của chủ trương, tính hiệu quả của một loại giống cây trồng; nhưng cũng là để chứng minh cho một điều chắc chắn rằng: đồng bào Mông sẽ không còn đói nghèo, không còn phải di cư bởi trên vùng đất quê hương đang có một loại cây có thể đuổi nghèo - cây chè Shan tuyết.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.