Sau gần 2 giờ từ trung tâm huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), chúng tôi đến được trung tâm xã Chế Tạo. Tại đây, chúng tôi chuẩn bị đơn giản chút nước với lương khô tiếp tục chuyến hành trình đến với Pú Vá. Bí thư Đảng ủy xã Pú Vá Giàng A Lềnh cho biết trước: "Đường vào Pú Vá sẽ gian nan lắm! Nhà báo cố gắng vào với bà con để thấy được sự khó khăn của người dân vùng cao”.
Chúng tôi gặp may đúng dịp tổ công tác Công an xã có kế hoạch đi thôn làm nhiệm vụ. Nói may, bởi vì các anh thực sự là những tay lái cứng nhất vùng cao này. Tuy đã chuẩn bị tâm lý, nhưng trải nghiệm thực tế mới thấy được sự tận cùng gian nan của cán bộ xã, của người dân những thôn bản xa xôi nhất huyện đặc biệt khó khăn Mù Cang Chải.
Chỉ gần 20 km, nhưng chúng tôi phải đi xe máy hơn 2 giờ đồng hồ. Hầu hết tuyến đường xe máy chỉ đủ đặt bánh trên đường, cheo leo một bên là núi, một bên là vực thẳm. Nhiều đoạn dốc đứng, đá cuội dắt xe thôi cũng là cả một vấn đề. Tới Pú Vá khi những cột khói đã bốc lên ở những nóc nhà rải rác nằm chênh vênh giữa lưng chừng núi.
Bí thư Chi bộ thôn Pú Vá Sùng A Vàng niềm nở đón chúng tôi. Anh cho biết hiếm lắm mới có cán bộ ở tỉnh đến công tác. Sùng A Vàng còn rất trẻ, sinh năm 1989, nhưng đã có 1 nhiệm kỳ làm Bí thư Chi bộ. Nói về thôn mình, Sùng A Vàng cho biết: Pú Vá có 74 hộ, 397 khẩu, có 35 ha ruộng bậc thang, 16 ha ngô đồi, trâu 158 con, bò 80 con, dê 200 con. Thôn có một Tổ hợp tác trồng sơn tra với 32 ha, cả thôn hiện còn 27 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo.
Với những thông tin cơ bản đó ở một thôn vùng cao, thì có lẽ cuộc sống của người dân phải không quá khó khăn mới đúng. Nhưng thực tế điều kiện một thôn vùng cao đặc biệt khó khăn như Pú Vá, kinh tế tự cung, tự cấp, hàng hóa có nhưng không có người mua. Vì vậy, bao năm qua, Pú Vá không có nhiều thay đổi.
Điều kiện tự nhiên của Pú Vá khá đặc biệt, nằm giữa vùng giáp ranh với hai tỉnh Sơn La và Lai Châu, bao quanh thôn là những dãy núi cao, giữa Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo. Chính vì vị trí đặc biệt đó. mà ở Pú Vá dễ dàng có sự xâm nhập của tệ nạn ma túy. Đó cũng là một trong những nguyên nhân cái nghèo đeo bám người dân nơi đây.
Sùng A Thề sinh năm 1999, gia đình có 3 sào ruộng, 3 con trâu, là một trong những hộ khá của bản, nhưng cũng bởi vì có bố mẹ, anh trai nghiện ma túy mà phải bán cả gia tài. Sùng A Thề tâm sự: "Nhà neo người, bố tôi nghiện đã lâu năm, ở gần bố nên mẹ tôi cũng nghiện theo. Anh trai tôi trước đây cũng chăm chỉ làm ăn lắm! Nhưng rồi vẫn không thể cưỡng lại cám dỗ của ma túy. Giờ mình tôi ở nhà, có thời gian, nhớ mọi người trong gia đình, tôi cố gắng đến cơ sở cai nghiện để thăm, động viên cả bố mẹ, cả anh trai. Tôi chỉ mong bố mẹ và anh sớm từ bỏ được ma túy về đoàn tụ với gia đình”.
Ngay trên nhà Sùng A Thề là nhà của Sùng Sấu Sủ, sinh năm 1978, Sủ cùng đi cai nghiện với anh trai của Thề hồi tháng 6 vừa rồi, để lại vợ với 8 đứa con (3 gái, 5 trai). Cũng vì nghiện ma túy mà trâu, bò ruộng nương đều bán cả. Nay nhà Sủ chỉ còn ít nương ngô với thảo quả. "Toàn xã có đến hơn 60 người nghiện ma túy thì Pú Vá có 16 người. Trong khi, cuộc chiến nhằm ngăn chặn và chống lại tội phạm ma túy ngày càng khốc liệt, thì số người nghiện và liên quan đến ma túy không ngừng tăng lên thật sự khiến chính chúng tôi cũng vô cùng lo ngại”,Trưởng Công an xã Cứ A Nhà trăn trở.
Tiếp chúng tôi, nhưng Sùng A Vàng vẫn tranh thủ chuẩn bị một số nội dung cho cuộc họp Chi bộ chiều hôm sau. Theo lời anh, từ chỗ chỉ có 1 đảng viên và phải sinh hoạt ghép, nhiệm kỳ 2015 - 2020, thôn Pú Vá sau khi sáp nhập đến nay đã có 15 đảng viên. Công tác sinh hoạt được duy trì đều đặn vào ngày 14 hằng tháng. Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những vấn đề khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thôn đều được đưa ra Chi bộ để bàn bạc, thống nhất triển khai.
Sùng A Vàng cho biết, họp Chi bộ tháng này, nội dung về đấu tranh với ma túy vẫn là vấn đề được nêu ra đầu tiên. Cùng với đó, là phân công đảng viên phụ trách từng khu kiểm tra sản xuất, vận động người dân canh tác đúng thời vụ, kiểm tra sâu bệnh. Nằm giữa vùng lõi của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải, người dân Pú Vá cũng có thu nhập thêm dưới tán rừng.
Trong đó, cây thảo quả trồng dưới tán rừng là nguồn thu nhập khá tốt, cùng với đó 32 ha cây sơn tra bắt đầu cho thu hoạch là những sản phẩm có giá trị giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, với diện tích đất tự nhiên rộng lớn, tuy bãi chăn thả đã bị thu hẹp nhưng vẫn rất thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Gần như mỗi hộ dân ở Pú Vá đều có 1 - 2 con trâu, bò nhưng do chăn thả tự nhiên nên khả năng sinh sản, phát triển của đàn gia súc chưa tốt.
Chi bộ đã chủ động phát huy phương châm "Đảng viên đi trước làng nước theo sau”, đảng viên đi đầu bắt tay khai hoang lúa nước, phát triển chăn nuôi, trồng thảo quả. Bản thân Bí thư Chi bộ Sùng A Vàng đã tiên phong đầu tư chăn nuôi đại gia súc. Hiện nay, gia đình anh có 3 con trâu và 12 con dê.
Đảng viên trẻ Sùng A Chư cũng là một thanh niên năng động. Từ nguồn vốn vay hộ nghèo, anh mua trâu sinh sản, đến nay đẻ 2 lứa. Chỉ vài năm tới, Chư có thể trả xong tiền vay ngân hàng. Bằng những việc làm thiết thực như vậy, mà những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cứ thế đến với bà con ngày càng thuận lợi, gần gũi hơn.
Theo Bí thư Chi bộ Sùng A Vàng, người dân ở đây còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết: Xóa mù, hướng dẫn áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, đưa người nghiện đi cai, đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm ma túy…
Việc đầu tư một con đường bê tông vào thôn là không khả thi, nhưng có thể thường xuyên tu sửa, đổ bê tông những đoạn đường trơn, dốc đá, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn trong mùa mưa lũ. Những vấn đề đó rất cần sự quan tâm của chính quyền cấp trên.
Rời Pú Vá khi mặt trời đã xuống núi, qua những thửa ruộng bậc thang xanh mướt, thi thoảng lại bắt gặp những em bé người Mông xua đàn trâu về nhà. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng tin rằng, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phát huy vai trò gương mẫu của các đảng viên trong Chi bộ, đời sống của người dân Pú Vá sẽ ấm no./.