Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Chỉ thị 19-CT/TW: Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer

Hồng Phúc - 09:05, 05/11/2023

Sau 5 năm triển khai hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới và các chương trình, chính sách dân tộc khác của Đảng, Nhà nước, cùng với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, sự vươn lên của người dân, vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có những bước tiến vượt bậc.

Bài Chỉ thị 19-CT/TW: Tạo sức bật trong vùng đồng bào Khmer
Mô hình trồng ớt ở ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) giúp đồng bào có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.

Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc ta, đồng bào Khmer là bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán đường lối “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ đồng bộ, ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Đồng bào dân tộc Khmer ở nước ta sinh sống lâu đời trên vùng đất Tây Nam bộ. Theo kết quả điều tra thực trạng KT – XH 53 DTTS năm 2019, do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp cùng Ủy ban Dân tộc thực hiện, dân tộc Khmer có 1.319,652 người, với khoảng 330 nghìn hộ gia đình, sinh sống tập trung chủ yếu ở 488/691 xã, phường, thị trấn vùng Tây Nam bộ. Trước đó, năm 2009, dân tộc Khmer có 1.260.640 người; bình quân tăng dân số trong giai đoạn 2009 – 2019 là 0,46%/năm.

Trong các địa phương vùng Tây Nam bộ thì, đồng bào Khmer sinh sống tập trung nhiều nhất tại các tỉnh: Sóc Trăng (hơn 404 nghìn người), Trà Vinh (hơn 328 nghìn người), Kiên Giang (khoảng 238 nghìn người), An Giang (hơn 93 nghìn người), Bạc Liêu (hơn 68 nghìn người), Cà Mau (khoảng 42 nghìn người), Vĩnh Long (khoảng 26 nghìn người), Cần Thơ (khoảng 22.705 người),…

 Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018, Ban Bí thư khẳng định: “Hơn 25 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Nhân dân đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer và đạt được những kết quả quan trọng”. Nhờ đó, khối Đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được tăng cường, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc Khmer đối với Đảng, Nhà nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lễ Sen Dolta - Nét đẹp tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Khmer
Lễ Sen Dolta - Nét đẹp tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Khmer

Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư đã đặt ra 7 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện. Đó là, phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, xóa mù chữ cho đồng bào Khmer, đầu tư y tế, giáo dục, quan tâm công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer...

Qua 5 năm triển khai, với sự chung sức, đồng lòng của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân, diện mạo vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có nhiều khởi sắc. Theo báo cáo của Ban Dân vận tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh có 30,19% đồng bào dân tộc Khmer, tập trung tại thị xã Vĩnh Châu, huyện Châu Thành, huyện Trần Đề và Long Phú. 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer giảm trên 4,5%/năm.

Tỉnh đã hỗ trợ gần 26.900 hộ nghèo dân tộc thiểu số, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho trên 2.800 hộ và hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 555 hộ; vận động xã hội hóa nguồn lực xây nhà cho hộ nghèo 3.496 căn nhà, trong đó, trên 1.200 căn nhà cho đồng bào dân tộc Khmer. Công tác giáo dục, đào tạo được nâng lên, hệ thống trường dân tộc nội trú được quan tâm, đầu tư xây dựng. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục được chú trọng thực hiện, bản sắc văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy.

Bài Chỉ thị 19-CT/TW: Tạo sức bật trong vùng đồng bào Khmer 1
Giải đua ghe ngo trong lễ hội Oóc Om Bóc của đồng bào Khmer

Còn tại Bình Phước, số xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm mạnh, cụ thể: giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh có 9 xã Khu vực III, 51 thôn đặc biệt khó khăn, thì đến nay tỉnh chỉ còn 5 xã Khu vực III (01 xã mới được công nhận hoàn thành mục tiêu Nông thôn mới) và 25 thôn đặc biệt khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 24,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2018 lên 34,6 triệu đồng/người/năm vào năm 2023.

Tình hình kinh tế - xã hội ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống có nhiều chuyển biến; đời sống của đồng bào Khmer được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, tạo điều kiện đảm bảo sự bình đẳng về quyền lợi giữa các dân tộc, không có sự phân biệt đối xử trong thực hiện các chủ trương, chính sách, dự án ở vùng dân tộc. Đồng bào dân tộc Khmer thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương.

Cùng với đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương vùng Tây Nam Bộ đã quan tâm chăm lo nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer. Đặc biệt, với đồng bào dân tộc Khmer, chùa là trung tâm tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục của cộng đồng. Chùa không chỉ là nơi đọc kinh, thực hiện nghi lễ của Phật giáo mà còn là nơi tổ chức dạy chữ Khmer, tổ chức lễ hội, truyền bá kinh nghiệm sản xuất, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Toàn vùng Tây Nam Bộ hiện có 453 chùa Khmer, trong đó 14 chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; 29 chùa được công nhận di tích cấp tỉnh.

Bài Chỉ thị 19-CT/TW: Tạo sức bật trong vùng đồng bào Khmer 2
Chỉ thị 19-CT/TW góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer, củng cố thêm niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Một số tỉnh ở Tây Nam Bộ đã xây dựng nhà truyền thống dân tộc Khmer; riêng tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng xây dựng được nhà bảo tàng dân tộc Khmer, đồng thời sưu tầm được nhiều hiện vật văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị; một số nơi đã xây dựng trung tâm văn hóa tiêu biểu của đồng bào Khmer… Hàng năm, các lễ hội cổ truyền, lễ hội Oóc-om-bóc - Đua ghe ngo tại các địa phương được quan tâm, tổ chức trang trọng góp phần duy trì bản sắc văn hóa, lưu giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc Khmer… Từ đó, văn hóa truyền thống của đồng bào không những được bảo tồn mà còn phát huy giá trị trong thời hội nhập.

Chỉ thị 19 thể hiện rõ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Khmer Nam Bộ. Đồng thời, khẳng định tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa đồng bào dân tộc Khmer, với các dân tộc anh em trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

Có thể khẳng định, thực hiện hiệu quả chỉ thị 19- CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới, các chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện đồng bộ và hiệu quả, công tác an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân tộc Khmer được bảo tồn, phát huy… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer, củng cố thêm niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.