Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tìm trong di sản

Chiếc nón lá của người Tày

Hoàng Thị Hiền - 18:53, 15/07/2021

Cũng như xà tích, vòng cổ, vòng tay làm chạm bạc, khắc hoa văn đồng hay áo chàm truyền thống, chiếc nón là vật không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Định Hóa (Thái Nguyên).

Chiếc nón là vật dụng thân thiết của người phụ nữ dân tộc Tày
Chiếc nón là vật dụng thân thiết của người phụ nữ dân tộc Tày

Nón lá của đồng bào dân tộc Tày có nhiều loại: Nón chóp bẻ ở tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, nón cọ vùng Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, nón lá trắng, nón ba tầm quai thao. Người Tày, Nùng cũng có nghề đan nón như dân tộc Kinh. Nói là nghề đan nón nhưng thực ra nó chỉ mới trở thành “nghề” và là “nghề” của một số người đã qua tuổi ngũ, lục tuần. Công việc này đòi hỏi sự tỷ mẩn và chau chuốt của người làm ra nón.

Trước đây, các em gái người Tày từ nhỏ đã phải học cách đan lát và không thể không học cách làm nón. Người già ở Định Hóa bảo: “Chỉ cần nhìn chiếc nón là biết tính cách của người làm ra nó”. Để làm được một chiếc nón, người làm nón phải vào rừng chọn những cây giang bánh tẻ mọc được 1 năm, có đốt dài khoảng 60cm trở lên, không bị sâu bệnh, không bị cụt ngọn và tốt nhất lấy giang vào mùa sương giáng (sau ngày Đông chí) để đan nón. Mùa này hanh khô, cây giữ ít nước cho nên nan ít bị co ngót và cũng ít bị mọt.

Lên rừng cọ chọn những lá cọ bánh tẻ để làm nón. Chị em đem lá cọ về hong qua lửa phần cuống, khoét phần thịt bên trong chỉ để phần vỏ cứng bên trên, đem phơi 2 ngày nắng, 3 đêm sương rồi cất vào nơi thoáng mát, lá cọ khô và phai hết màu xanh. Bởi lá càng trắng làm nón càng đẹp. Trong các công đoạn làm nón, thì công đoạn chọn lựa và làm phẳng lá đòi hỏi công phu, cẩn thận nhất, để chiếc nón làm ra không bị giòn và rách.

Cụ Hoàng Thị Tiến (hàng trước, ở giữa), xã Quy Kỳ, Định Hóa đã 60 năm làm nón Tày
Cụ Hoàng Thị Tiến (hàng trước, ở giữa), xã Quy Kỳ, Định Hóa đã 60 năm làm nón Tày

Tiếp đến, chọn những cây tre đực già, đem về vót mịn thành vành như vành ngoài của nón người Kinh, cất lên gác bếp để bồ hóng bám vào, vừa không bị mối mọt vừa thành màu đen đặc trưng cho vành trong của nón. Lại phải chọn những cây guột dài, to đem về tách bỏ ruột, tước vỏ thành những sợi thẳng làm vành ngoài của nón. Lên rừng lấy bẹ móc để lấy sợi móc làm chỉ…

Cụ Ma Thị Phú, năm nay đã 82 tuổi, ở xóm Sơn Vinh, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, người đã có hơn 60 năm gắn bó với nghề đan nón chia sẻ: “Lấy lạt giang về đan, còn vành thì dùng cây tre đúc, dùng bẹ móc làm chỉ, nếu dùng dây khác thì đứt hết. Nếu cháu đèo đi bán thì 100 ngàn đồng/chiếc. Còn ai vào tận nhà, tôi chỉ bán có 70 ngàn đồng/chiếc thôi. Bây giờ chẳng còn mấy người làm nữa, tôi già rồi thì vẫn gắn bó với nghề này. Cả bản bây giờ chỉ còn có 2 người biết đan nón”.

Vừa nói, cụ Phú vừa đem ra những chiếc nón mới làm xong. Nón đan hình mắt cáo. Nếu là nón đi chơi, đi hội thì các bà, các chị thường thêu trang trí bằng chỉ ngũ sắc hình bông hoa, con bướm, ngôi sao… lên phần khung của nón rồi mới lợp lá cọ. Dùng sợi móc khâu cố định vành trong của nón lại.

Cụ Ma Thị Phú xóm Sơn Vinh, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) đã 60 năm gắn bó với nghề đan nón
Cụ Ma Thị Phú xóm Sơn Vinh, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) đã 60 năm gắn bó với nghề đan nón

Anh Ma Tử Thế, cũng ở xóm Sơn Vinh cho biết, chiếc nón Tày là vật không thể thiếu trong cuộc sống người Tày. Nó không chỉ là một vật che mưa, che nắng mà đã trở thành nét văn hóa đặc trưng trong phong tục của người Tày. Nón Tày là tín vật tình yêu của trai gái hẹn hò. Khi cô dâu về nhà chồng, ngoài những lễ vật mang theo như chăn màn, chậu, chiếu... còn có chiếc nón Tày xinh xinh đem theo. Khi làm lễ cho người đàn bà không may vừa qua đời, bà con cũng làm chiếc nón buộc lên nhà táng để làm của cải tiễn hồn về cõi âm.

Ngày nay, việc đan nón đang mai một, việc đội nón của người Tày cũng không còn phổ biến như trước đây. Do nhiều nguyên nhân, như việc đi lại bằng xe máy, chiếc nón Tày không còn phù hợp với văn hóa giao thông hiện tại. Tuy nhiên, trong lao động đồng áng hay đi rừng, thì nón vẫn là sự lựa chọn của người Tày. Nón Tày giờ còn là quà tặng và đồ trang trí trong nhà, trong quán cà phê phong cách tại khu vực vùng cao được rất nhiều người yêu thích.

Chiếc nón của người Tày ở vùng Định Hóa tỉnh Thái Nguyên
Chiếc nón của người Tày ở vùng Định Hóa tỉnh Thái Nguyên

Chị Hoàng Thị Hà, một hướng dẫn viên du lịch ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Đội nón Tày trời nắng rất là mát. Trời mưa thì không bị dột. Một chiếc nón Tày có độ cao so với các loại nón khác. Tôi cũng đã đi rất nhiều nơi, dẫn du khách qua các bản của người Tày thì thấy nón của người Tày ở vùng Định Hóa, Thái Nguyên là đẹp nhất, chau chuốt đến từng sợi giang”.


Tin cùng chuyên mục
Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Tạo “sân chơi ” cho người trẻ (Bài 2)

Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Tạo “sân chơi ” cho người trẻ (Bài 2)

Thú chơi đồ cổ không chỉ góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về những truyền thống tốt đẹp, những tinh hoa mà cha ông để lại. Chính vì vậy, việc tạo ra những sân chơi cho các nhà sưu tầm cổ vật và tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động mua bán cổ vật sẽ giúp những người trẻ trở thành "cánh tay nối dài"của ngành di sản văn hóa nước nhà.